1,
Công việc học tập đòi hỏi một người phải có lòng quyết tâm, kiên trì, có chí sẵn sàng bỏ cả cuộc đời mình để tìm hiểu nó, đi theo nó. Công việc học tập đó tuy khó khăn nhưng nó cần thiết trong cuộc sống và góp phần nâng cao năng lực của chúng ta. Học tập có vai trò rất quan trọng đối với mỗi người. Và bởi vậy, việc học tập đòi hỏi sự chăm chỉ và nỗ lực. Thật đúng như thế.
Con người cần phải có tri thức. Để có tri thức thì chúng ta phải học tập. Đác uyn đã nói: "Bác học không có nghĩa là ngừng học". Tuy đã thành một nhà bác học tài giỏi, nổi tiếng nhưng ông vẫn học tập, tìm tòi mặc cho con cái nói gì, khuyên gì. Đúng thế, việc học rất cần thiết, các bạn hãy cố gắng học tập, rèn luyện. Học tập không lúc nào là muộn cả, hãy quay đầu lại, đối diện với sự khó khăn trong việc học tập. Dù thất bại nhiều nhưng đừng nản chí vì "thất bại là mẹ của thành công". Việc học tập vất vả và khó khăn, nếu muốn học tốt thì không những chịu khó mà còn cần có lòng quyết tâm, kiên trì cố gắng vươn lên. Trong cuộc sống đã có rất nhiều tấm gương sáng như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký từ một người tàn tật liệt cả hai tay nhưng nhờ lòng quyết tâm chịu khó thầy đã vượt qua và trở thành một thầy giáo giỏi. Thầy là một người thầy mà chúng em vô cùng kính trọng và khâm phục với đôi chân ngày đêm viết ra những bài học hay và bổ ích. Hay là anh Hoa Xuân Tứ do một lần sơ ý anh đã đưa cả hai tay mình vào trục quay mía làm đường nên đã mất cả hai tay. Tuy vậy anh vẫn cố gắng học tập và anh đã học hết phổ thông. Đấy là những tấm gương sáng vượt khó. Họ đã cho ta thấy họ tàn nhưng không phế. Họ vẫn là người có ích cho đất nước.
Hãy học tập từ khi còn trẻ, nếu không học tập thì lớn lên sẽ không làm được việc gì. Đúng đây, khi còn trẻ, đầu óc còn thông minh, còn sáng rõ, còn đang phát triển có thể tiếp thu được nhiều kiến thức còn khi đã lớn, sự tiếp thu khó khăn hơn, lúc ấy mới gắng học thì đã muộn. Đã có nhiều người nhờ có trí thông minh và vốn kiến thức phong phú đã phát minh ra các loại máy móc, giúp mọi lĩnh vực khoa học công nghệ trở nên tiên tiến hơn. Lê nin từng nói "Học... học nữa.. học mãi". Đó là điều thật chí lý. Sống ở trên đời thì ai cũng cần có kiến thức, cần phải học tập. Từ già đến trẻ, từ xưa đến nay, học tập vận cần được tiếp tục và phát triển nâng cao lên. Bởi không hiểu biết sẽ dẫn đến chuyện sự ngu dốt điều khiển mình đi theo con đường mòn; làm cho mình không tiếp cận được khoa học công nghệ tiên tiến, không hoà hợp mình với mọi người; làm mình trở thành các người vô dụng, tự đào thải mình ra khỏi xã hội. Hiện nay, nhất ở các thành phố có hiện tượng không ít thanh niên bỏ nhà đi bụi, đua đòi, cướp giật, lập băng nhóm, nghiện hút. Không chịu học tập, ném mình vào những cuộc chơi vô bổ, thậm chí phạm pháp, chính họ đã tự đóng cánh cửa tương lai của mình. Công việc học tập là rất quan trọng đối với đời sống, học tập chịu khó khi còn trẻ là rất cần vì đó là nền tảng vững chắc khi ta lớn lên, tin tưởng vào lực học của mình để luôn đi trên đường đời mà không sợ ngã. Một lần nữa, em mong các bạn hãy cố gắng học tập tốt để đưa đất nước đi lên, xóa bỏ cái đói nghèo, lạc hậu vẫn còn tồn tại trên đất nước ta.
1) khuyên các bạn trong lớp cần phải học tập chăm chỉ hơn
Việc học tập trong cuộc sống là vô cùng quan trọng đối với mỗi người. Ông bà, bố mẹ chúng ta thường nhắc nhở con cháu rằng: “Nếu khi còn trẻ ta không chịu học tập thì lớn lên sẽ chẳng làm được việc gì có ích”. Đây là việc cần phải thực hiện ngay từ khi còn trẻ, chúng ta không được lơ là học tập mà trong suốt cuộc đời chúng ta cần phải học tập chăm chỉ, nghiên cứu khoa học để ứng dụng vào cuộc sống. Muốn tiếp thu được trí thức của nhân loại chỉ có một con đường duy nhất là học, học nữa, học mãi…
Học tập là gì? Học tập là cho ta tri thức, cho ta những hiểu biết về thế giới tự nhiên và xã hội xung quanh. Những hiểu biết về sinh học giúp con người nuôi trồng nông sản cho năng suất cao. Những hiểu biết về vật lí giúp ta ứng dụng nhiều thành tựu hiện đại vào trong cuộc sống, kiến thức giúp chúng ta sống hòa nhập vào cộng đồng biết cách cư xử có văn hóa, sống có trước, có sau, có tình, có nghĩa. Vây nên nếu không chịu khó học tập khi còn trẻ thì sẽ có rất nhiều cái hại cho mình về sau. Sẽ không có thời gian để bổ sung kiến thức, không có kiến thức để học tập cao hơn nữa. Bị tụt hậu so với sự phát triển của xã hội và sẽ ảnh hưởng lớn đến gia đình và xã hội sau này.
Khi còn trẻ ta có rất nhiều điều kiện để học tập. Bây giờ, khi đầu óc còn thông minh, sáng rõ, còn đang phát triển, có thể tiếp thu được nhiều kiến thức. Kiến thức của nhân loại thì rộng lớn còn sự hiểu biết của mỗi người như giọt nước giữa biển cả mênh mông. Ở những người từ tuổi trưởng thành trở đi, trí não bị kém phát triển. Họ tiếp thu vấn đề rất chậm, lại nhanh quên. Bởi vậy khi tuổi trẻ qua đi, cũng là lúc khả năng học giảm đi rất nhiều. Như thế, nếu khi còn trẻ ta không học tập thì khi đến tuổi trưởng thành ta sẽ không còn điều kiện để học tập nữa. Những hạn chế đó dần đến những hạn chế về trí tuệ làm cho con người trở nên ngu dốt. Cái ngu dốt lại điều khiến ta đi theo đường vòng, làm cho ta không tiếp cận được với khoa học công nghệ tiên tiến, không hòa hợp mình với mọi người, biến mình trở thành người cổ hủ, lạc hậu và sẽ tự đào thải mình ra khỏi xã hội.
Trong học tập, có một tấm gương rất gần gũi với chúng ta đó là anh Nguyễn Ngọc Kí. Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Kí trước đây là một cậu bé bị liệt cả hai tay. Nhưng với tinh thần học hỏi và học tập chăm chỉ hằng ngày, Kí đã vượt qua bao đau đớn, bao nỗi mặc cảm, vật lộn với những cơn chuột rút, những lần thất bại. Giờ đây, chẳng những Nguyễn Ngọc Kí đã viết được bằng chân rất đẹp mà còn trở thành một nhà giáo ưu tú được học trò hết lòng yêu mến, kính trọng. Và thêm nữa là tấm gương Mạc Đĩnh Chi. Dù nhà nghèo, lại xấu xí, tưởng chẳng thể có được chút đóng góp cho đời. Vậy mà ông đã học tập chăm chỉ, học bằng chữ viết trên lá chuối, học bằng ánh sáng của trăng, của đom đóm, của những ánh lửa bốc lên từ đống là khô… Cuối cùng ông đã trở thành một Trạng nguyên tài ba nổi tiếng. Ngược trở lại, những người lơ là học tập khi còn trẻ chẳng những không làm được việc gì có ích cho bản thân, cho xã hội mà còn phá hoại, kìm hãm sự phát triển chung của cộng đồng.
Vậy nên nếu chúng ta lơ là học tập ngay từ bây giờ thì sau này rất dễ trở thành người bất tài, vô dụng, không biết lý lẽ, đúng sai, dễ bị cám dỗ. Là học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta hãy học tập chăm chỉ, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm học thật giỏi để khi lớn lên trở thành những công dân có ích, có thể nuôi sống chính bản thân mình, gia đình và phát triển xã hội.
2,
Học tập là mục tiêu suốt đời của mỗi người. Chúng ta hiện nay đang phấn đấu xây dựng một xã hội học tập, nhằm phát huy tối đa khả năng cũng như quyền được học tập của mỗi người. Có một câu ngạn ngữ của người Gruzia "Học tập là hạt giống của kiến thức, kiến thức là hạt giống của hạnh phúc".
Thật vậy! Kiến thức không phải tự nhiên mà có. Đó là tích lũy hiểu biết của nhân loại, của cộng đồng, của nhiều thế hệ thông qua quá trình học tập mà thành. Học tập chính là quá trình tích lũy kiến thức! Câu ngạn ngữ trên đã có một ví von rất hay khi đưa ra hình ảnh "hạt giống" để nhấn mạnh tầm quan trọng của học tập. Hạt giống sẽ nảy nở phát triển thành cây. Quá trình học tập cũng như gieo hạt giống cho trí não và tâm hồn. Kiến thức nhiều cũng là kết quả tích lũy hạt giống để hứa hẹn một mùa bội thu. Kiến thức tốt, đầy đủ, phong phú sẽ gieo những hạt giống cho tương lai của mỗi con người. Tuy nhiên cần phải hiểu thấu đáo hơn câu ngạn ngữ này ở nghĩa bao quát của nó Hạt giống chuẩn bị không tốt, cây sẽ phát triển èo uột, cũng giống như kiến thức nông cạn ít ỏi khiến chúng ta gặp vô vàn khó khăn, lúng túng và bế tắc trong công việc. Và một người học tập được điều hay lẽ phải thì cũng chính là tích lũy hạt giống tốt, còn kiến thức lệch lạc, sai lầm thì như hạt giống xấu làm hủy hoại tư duy và tâm hồn, sẽ không tránh khỏi gây tác hại cho đời sống. Cũng như vậy, chỉ trên nền tảng một kiến thức đầy đủ mới có tương lai hạnh phúc. Bởi vậy, trong đời sống, ta gặp không ít những tấm gương đổi đời nhờ kiến thức.
Tuy nhiên mối quan hệ học tập – kiến thức - hạnh phúc không chỉ được hiểu đơn giản một chiều mà cần phải thấy rõ mối quan hệ biện chứng nhân quả của nó. Ông bà ta cũng thường nói "gieo nhân nào, gặt quả ấy" như một cảnh tỉnh. Xét mối quan hệ trong ba yếu tố học tập – kiến thức - hạnh phúc cũng cần được nhìn nhận từ nhiều phía. Học tập đúng đắn, có phương pháp, có chọn lọc thì mới có kiến thức tốt, đa dạng, phong phú. Kiến thức tốt cần gắn với thức đem kiến thức ấy phục vụ cho xã hội và cho bản thân, không chỉ là những kiên thức thu lượm được theo kiểu thực dụng ích kỷ, vì nếu hạnh phúc của ta lại đem bất hạnh cho người khác thì cũng là chứng tỏ ta đã tích lũy hạt giống xấu cho chính ta, gieo mầm bất hạnh cho kẻ khác.
Vì vậy, mỗi chúng ta phải xác định động cơ học tập đúng đắn, thu lượm kiến thức bổ ích, hướng tới hạnh phúc của cộng đồng hài hòa với hạnh phúc cá nhân. Có như vậy mới thật sự trở thành con người có ích cho xã hội.
3,
Vấn đề đạo đức của học sinh là một vấn đề rất nổi bật và được bàn luận sổi nổi nhất hiện nay. Theo nhiều người đánh giá, đạo đức của học sinh hiện nay đang có chiều hướng suy giảm nghiêm trọng so với những thế hệ học sinh trước đó.
Nhưng để ta bàn luận về vấn đề đạo đức của học sinh thì chúng ta phải đạo đức là gì? Đạo đức thường được xét đến khi xã hội được cho là hỗn loạn hay thiếu chuẩn mực. Lúc đó những bậc trí giả sẽ định ra những chuẩn mực cơ bản mới, từ đó những chuẩn mực này sẽ làm nền tảng để xây dựng nền tảng đạo đức. Khi đã đạt đạo đức cơ bản nhất thì đó được cho là đạo đức xã hội.
Để bắt đầu ta hãy nói về việc nói tục và chửi thề ở học sinh hiện nay. Bên cạnh những lời hay ý tốt thì việc nói tục chửi thề vẫn còn tồn tại ở học sinh hiện nay. Người ta thường hay nói rằng “Học ăn, học nói” nhưng tại sao? Tiếng Việt là một ngôn ngữ đẹp đẽ. Nó có thể biểu hiện mọi khái niệm về sự vật hoặc mọi cung bậc tình cảm của con người. Nhiệm việc của chúng ta là giữ gìn và phát huy tinh hoa của tiếng mẹ đẻ.
Có nhiều bạn trẻ dùng những từ này với mục đích lăng mạ hay sỉ nhục những người khác. Hành động này nếu lập đi lập lại ảnh hưởng rất nhiều đến lòng tự trọng và danh dự của những người bị sỉ nhục. Từ đó có thể làm họ bị tâm lý bức bối, ức chế, làm cho họ không thể kiểm soát bản thân. Vì vậy đã có rất nhiều vụ việc bạo lực học đường xảy ra.
Nhắc đến bạo lực học đường, bây giờ chúng ta sẽ đi vào vấn đề này. Ở lứa tuổi cắp sách đến trường rất khó tránh khỏi những mâu thuẩn, xích mích với những người xung quanh. Trước đây những cuộc tranh cãi thường là những cuộc bàn luận để giải quyết những bất đồng với nhau, để ta rút ra những kinh nghiệm để không được tái phạm, để học cách xin lỗi người khác và làm quen được những người bạn mới. Hiện giờ những bất đồng ở giới học sinh thường được giải quyết bằng bạo lực và cần sự can thiệp của pháp lực
Học sinh học tập căng thẳng dễ dẫn đến tình trạng ức chế về tâm lý. Lòng tự trọng thường được chuyển hóa thành lòng tự ái. Kết hợp với việc ở lứa tuổi vị thành niên. Học sinh thường rất nóng nảy, suy nghĩ nông cạn, mang cái tôi của mình lên hàng đầu. Các việc này kết hợp lại, cũng như một đống củi khô, chỉ cần một tia lửa thì nó sẽ bốc cháy và gây thiệt hại lớn. Học sinh cũng vậy, chỉ cần một câu nói tục, chửi thề hay là một cái nhìn đểu thì học sinh ấy có thể đánh bạn mình bất kì lúc nào.
Qua những hành động trên, ta có thể thấy được đạo đức của học sinh hiện nay đang bị suy thoái trầm trọng. Chúng ta đã biết đến sự tồn tại của những thói hư tật xấu này của học sinh, nhưng chưa ai đưa ra được một giải pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Vấn đề đạo đức của học sinh cũng như là một bệnh dịch, ta không có cách nào chữa trị được chúng, nhưng ta phải phòng ngừa và giảm thiểu những tác hại của chúng.
Điều này dẫn ta đến vấn đề là ai là những người đã tạo ra và lây nhiễm những loại “bệnh dịch” này? Nhìn ở ngoài dường như những thói hư này được học sinh tự tạo ra. Nhưng nhìn sâu vào vấn đề thì ta có thể thấy được đây chính là lỗi của xã hội, của những bậc cha mẹ và của những nhà giáo dục. Họ đã dạy cho con em mình những từ ngữ nói tục, chửi thề, Những hành động bạo lực. Thường những học sinh được hỏi các bạn học những việc này ở đâu, câu trả lời thường lọt vào sự giáo dục không đúng cách của cha mẹ hay là từ những phim ảnh, sách báo.
Vậy chúng ta có thể nào tiêu diệt hoàn toàn vấn đề tệ nạn xã hội ở học sinh hay không? Việc này là có thể nếu con người chúng ta chịu thay đổi bản thân.