Ngô Tất Tố không đi sâu vào phản ánh những thủ đoạn bóc lột thuế má của bọn thực dân phong kiến, ông chỉ tập trung vào một thứ thuế dã man nhất: thuế thân (còn được gọi là sưu). Đó là thứ thuế đánh vào đầu những suất đinh. Để tróc cho đủ sưu, bọn quan cai địa phương không từ bất cứ thủ đoạn nào, không cần nương nhẹ tay với bất cứ ai, kể cả kẻ khốn cùng nhất: chết cũng không trốn được sưu của nhà nước. Và thế là, chúng gô cổ tất cả những kẻ thiếu sưu, điệu ra đình để trừng phạt. Ngay cả anh Dậu, một người đang ốm, gia cảnh lại quá khốn đốn, cũng không thoát. Nếu không có tiền nộp sưu anh Dậu sẽ chết.
Trước tình thế ấy, chị Dậu đã phải dứt ruột bán đứa con gái đầu lòng mới tròn bảy tuổi cho Nghị Quế bên thôn Đoài để lấy tiền nộp sưu cho chồng.
Ngờ đâu anh Dậu còn phải nộp thêm suất sưu cho người đã chết từ năm ngoái. Thật là vô lý! Và thế là, mặc cho những tiếng kêu uất ức của chị Dậu vang lên thảm thiết giữa sân đình, anh Dậu vẫn bị trói. Chỉ đến khi anh rũ ra như một cái xác, chúng mới trả anh về cho chị Dậu. Nhờ bà con láng giềng cứu giúp, anh mới tỉnh lại. Nhưng vừa mới tỉnh lại, chưa kịp hớp một hớp cháo sau mấy ngày nhịn suông, bọn chúng đã ập đến. Bọn chúng ở đây được đại diện bằng tên cai lệ và tên người nhà lí trưởng.