Bài 10: Lí tưởng sống của thanh niên

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
Nguyễn Thị Kim Oanh

Viết 1 bài văn trình bày lý tưởng sống của em

Sách Giáo Khoa
15 tháng 12 2019 lúc 12:34

Sự phát triển của thế giới đang diễn ra từng ngày, từng giờ, cùng với đó là sự thay đổi trên mọi lĩnh vực, nó đòi hỏi con người cũng cần có những thay đổi để thích ứng. Đứng trước những đòi hỏi đó, là một người thanh niên Việt Nam trong thế hệ mới, là lực lượng đông đảo và mang sứ mệnh lớn trong sự phát triển của đất nước, chúng ta cần phải có mục đích sống, lí tưởng sống cho bản thân. Vậy vấn đề đặt ra đó là: "Lí tưởng sống là gì?". Có rất nhiều quan niệm về lí tưởng sống. Tuy nhiên đều hướng tới đó là lí tưởng sống là một lối sống, là một mục đích tốt đẹp nhất, cao đẹp nhất mà con người phấn đấu để đạt tới, đó là niềm tin là điều mà con người tôn thờ, khát khao. Lí tưởng sống chính là nguồn sáng chỉ đường cho ta đi đến mục đích và đó là con đường sáng. Lí tưởng cũng tạo ra sức mạnh, nó tạo ra động lực thúc đẩy, động viên con người hành động để đạt được mục đích. Con người sống có lí tưởng cao đẹp là người luôn biết suy nghĩ, luôn định hướng rõ ràng con đường mình phải đi, mà không bị cám dỗ, níu kéo bởi những điều tầm thường, hèn kém.

Trong hoàn cảnh nước nhà gặp giặc ngoại xâm, lí tưởng chung của con người Việt Nam là giết giặc cứu nước. Lí tưởng đó đã soi rọi con đường mà người dân Việt Nam đang đi, họ hiểu rõ "thà làm ma nước Nam chứ không làm vương đất Bắc". Đặc biệt là thế hệ thanh niên Việt Nam thời kì cứu nước. Những con người ấy tuy còn trẻ tuổi, nhưng đã cống hiến tuổi trẻ của mình vì mục đích cao cả là giải phóng dân tộc. Hai mươi mốt tuổi, với lòng nhiệt thành của tuổi trẻ và hành trang là bầu máu nóng sôi sục, lòng yêu quê hương, đất nước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành với tên là Văn Ba đã rời quê hương thân yêu ra đi với một hoài bão lớn, nung nấu một quyết tâm nóng chảy đó là "giành tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những gì tối hiểu". Người thanh niên ấy đã đi năm châu, bốn bể, làm tất cả những công việc từ rửa bát, quét lá hay đánh giày, vượt qua mọi khó khăn thử thách để đem lại hòa bình cho chúng ta ngày hôm nay. Những người thanh niên ấy còn là chị Trâm, anh Thạc. Gạt bỏ đi cuộc sống sung sướng, có thể có tình yêu và làm bác sĩ ngay chính quê hương, hưởng một cuộc sống với tuổi trẻ thanh xuân vô tư, vô lo, nhưng chị Trâm đã lựa chọn con đường khổ cực hơn, làm bác sĩ chữa bệnh cho anh bộ đội, gạt bỏ tình cảm cá nhân, chỉ vì một lí tưởng duy nhất là làm cách mạng… Điều làm ta khâm phục hơn nữa còn là ý chí phi thường xông xáo, bạo dạn như chính con người anh hùng Lí Tự Trọng; 17 tuổi đẹp như một bức tranh, 17 tuổi là cái tuổi vui chơi, học tập, nhưng người thanh niên ấy đã đi làm cách mạng và hi sinh ở cái tuổi đẹp nhất trong cuộc đời, sau những tháng ngày bị tra tấn thể xác dã man nhất, trước khi bị xử chém, anh không hề xin được khoan hồng, mà đã hùng hồn tuyên bố "Tôi hành động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm, tôi làm vì mục đích cách mạng, tôi chưa đến tuổi trưởng thành thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng con đường của thanh niên chỉ là cách mạng, không thể có con đường nào khác". Câu nói này đã là tuyên ngôn thể hiện trách nhiệm thời đại của những người trẻ tuổi và đi theo câu nói của người thanh niên này để "đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên". Từ đây ta có thể thấy rõ được lí tưởng sống để bảo vệ dân tộc đã là mục đích phấn đấu của mọi tầng lớp, đặc biệt là thanh niên Việt Nam trong thời kì chiến tranh.

Hôm nay, khi đất nước không còn chiến tranh, Việt Nam đang trên đà phát triển, hội nhập với nền kĩ thuật toàn cầu, công nghệ thông tin phát triển dần thay thế sức lao động của con người nên đòi hỏi thế hệ thanh niên Việt Nam hôm nay cần xông pha vào các trận chiến như sáng tạo khoa học kĩ thuật, phát triển kinh doanh, tham gia các chương trình sáng tạo, tạo nên các sản phẩm từ tri thức, giúp đỡ con người trong kinh tế, đưa đất nước phát triển nhanh chóng ... Đó mới là lý tưởng sống hợp thời đại. Có nhiều tấm gương khiến chúng ta thực sự bội phục họ. Đã có rất nhiều những tấm gương thanh niên khuyết tật, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhưng vẫn vươn lên với thành tích xuất sắc trong học tập, chúng ta có thể kể đến hàng loạt các tấm gương như trong những bài viết về những thí sinh khuyết tật nhân mùa thi đại học hàng năm hoặc trong lễ tuyên dương thủ khoa đầu vào, đầu ra đại học: Đó là Nguyễn Đình Chung (khiếm thị) thủ khoa đầu vào đại học Kinh Bắc, chàng trai bại liệt Hoàng Đình Quân thủ khoa đầu vào đại học Thái Nguyên và còn rất nhiều tấm gương thanh niên khác nữa. Những thanh niên ấy không hề tự ti về bản thân, mà luôn cố gắng hết mình học tập rèn luyện gian khổ để góp sức mình cống hiến cho xã hội, là những người tiêu biểu "tàn nhưng không phế" của xã hội. Trên con đường đi tới thành công, sẽ có lắm chông gai, thử thách, có nhiều lúc chúng ta muốn từ bỏ, muốn gục ngã, đầu hàng trước số phận nhưng bạn ơi! Hãy nhìn vào những tấm gương kia mà vươn lên, có như thế bạn mới thành công được…

Ấy vậy mà hiện nay nhịp sống gấp gáp, hối hả, một số bộ phận thanh niên nhầm lẫn lí tưởng và nhu cầu, hay sống không lý tưởng. Có lẽ vì chưa định hướng được lí tưởng, một số thanh niên sống rất buông thả, tha hóa, sống theo phong trào, nước đến chân rồi mới nhảy, há miệng chờ sung, sống không có mục đích, không dùng thời gian để học tập, trau dồi kiến thức mà chỉ sa vào tệ nạn xã hội; trò tiêu khiển, quên đi bản thân, quên đi mục đích sống vì cộng đồng. Thật đáng buồn thay khi trên tin tức, ta có nghe thấy những thanh niên bị xử phạt vì phạm các tội như cướp của, giết người ngày càng nhiều, còn có các xe mô tô kẹp 3, kẹp 4, lạng lách, đánh võng trên đường hay trong các sàn bar thâu đêm, những học sinh sinh viên vui đùa, mê đắm. Có những thanh niên còn chưa tới tuổi thành niên đã chơi ma túy, dẫn nhau vào nhà nghỉ,… Điều đó thực rất đáng lo ngại!

Thanh niên chúng ta cần phải định hướng lí tưởng phát triển bản thân, đem kiến thức, chất xám để xây dựng đất nước. Là một người học sinh, trước tiên chúng ta cần phải thực hiện cuộc cách mạng bản thân (nó xuất phát từ 3 yếu tố: ý thức sâu sắc, tính chất mạnh mẽ, ý chí vững vàng) sau đó rèn luyện bản thân, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, trau dồi tri thức, hiểu biết, học tập thật tốt, dám ước mơ và cố gắng thực hiện mục đích của mình để xứng đáng với sự hi sinh của anh hùng bảo vệ độc lập dân tộc và lòng mong mỏi của Bác Hồ.

Khách vãng lai đã xóa

Các câu hỏi tương tự
Gia Bảo
Xem chi tiết
nguyễn phương ngọc
Xem chi tiết
Lê Ngọc Mai
Xem chi tiết
Bảo Hân
Xem chi tiết
Linh Bùi
Xem chi tiết
Linh Bùi
Xem chi tiết
Thanh Nguyễn
Xem chi tiết
Phạm Thị Huệ
Xem chi tiết
Vo Quang Huy
Xem chi tiết