Mọi người đều biết khi thời tiết yên tĩnh, chịu đựng với giá lạnh dễ hơn nhiều so với khi có gió thổi. Nhưng không phải ai cũng hình dung được rõ ràng nguyên nhân của hiện tượng này. Rét như cắt khi có gió thổi chỉcó sinh vật sống cảm thấy, còn nhiệt kế thì không hạ thấp hơn. Cảm giác rét đậm trong thời tiết giá lạnh có gió thổi được giải thích trước hết là mặt (và nói chung là toàn thân) bị tỏa nhiệt nhiều hơn so với trong thời tiết yên tĩnh, khi lớp không khí được thân thể làm ấm không bị không khí lạnh bên ngoài thay thế nhanh chóng. Gió thổi càng mạnh thì khối lượng không khí tiếp xúc với bề mặt của da trong một đơn vị thời gian càng nhiều và do đó, lượng tỏa nhiệt của thân thể càng lớn. Chỉ một điều đó cũng đủ làm cho chúng ta cảm thấy lạnh rồi.
Nhưng hãy còn một nguyên nhân nữa. Da chúng ta luôn luôn bốc hơi, thậm chí cả khi trời lạnh. Để bốc hơi cần phải có nhiệt độ; nhiệt tỏa từ thân thể chúng ta và từ lớp không khí tiếp giáp với nó. Nếu không khí bất động, sự bốc hơi sẽ rất chậm, bởi vì lớp không khí tiếp giáp với da sẽ nhanh chóng tích được hơi nước (trong không khí bão hòa, hơi nước sẽ không xảy ra sự bốc hơi mạnh). Nhưng nếu như không khí chuyển động và trên mặt da luôn luôn có các phần không khí mới thì sự bốc hơi sẽ rất mạnh và điều đó đòi hỏi tiêu hao nhiều nhiệt lượng của thân thể chúng ta.
Vậy thì tác dụng làm lạnh của gió lớn đến như thế nào? Tác dụng này phụ thuộc vào vận tốc của gió và nhiệt độ của không khí; nói chung, tác dụng này lớn hơn nhiều chứ không như người ta vẫn thường nghĩ. Tôi xin dẫn chứng một thí dụ cho ta thấy rõ khái niệm về sự hạ thấp nhiệt độ thường xảy ra. Giả sử nhiệt độ không khí là 4°c và không có gió. Ở các điều kiện như thế, da của thân thể chúng ta có nhiệt độ là 31°c. Nếu bây giờ có gió thổi nhẹ phe phẩy ngọn cờ mà không lay động lá cây (vận tốc 2 m/s) thì da sẽ lạnh đi 7°C; khi gió làm phất phới ngọn cờ (vận tốc 6 m/s) thì da lạnh đi 22°C: như vậy là nhiệt độ của da hạ xuống còn 9°C! Các so liệu này lầy ở cuốn sách của N.N. Kalitin «Nguyên lý của vật lý khí quyển ứng dụng trong Y học»; bạn đọc ham hiểu biết có thể tìm thấy trong đó nhiều chi tiết thú vị.
Như vậy, cảm giác giá lạnh như thế nào chúng ta không thể chỉ căn cứ vào nhiệt độ của không khí mà phải lưu ý đến vận tốc của gió nữa. Cũng cùng một nhiệt độ giá lạnh như nhau nhưng ở Maxcơva dễ chịu hơn nhiều, bởi vì vận tốc trung bình của gió ở bờ biển Bantich bằng 5 — 6 m/s, còn ở Maxcơva—chỉ 4,5 m/s. Ở vùng hổ Baican chịu đựng với giá lạnh còn dễ hơn nữa, vì ở đây vận tốc trung bình của gió chỉ có 1,3 m/s. Giá lạnh có tiếng ở Đông Xibêri không đến nỗi dữ dội như những người quen với gió lộng ở châu Âu thường nghĩ; miền Đông Xibêri hầu như không có gió, đặc biệt là về mùa Đông.