Bài viết chỉ ra rằng, kể từ khi vào Việt Nam (thế kỷ I TCN.), một mặt, Nho giáo là công cụ thống trị của chính quyền đô hộ và phục vụ cho chính quyền đô hộ; mặt khác, sự truyền bá Nho giáo cùng với việc phổ biến chữ Hán đã đưa tới Việt Nam một kho tàng tri thức về xã hội và tự nhiên. Nho giáo ở Việt Nam đã từng có vị trí độc tôn (ở thế kỷ XV) và có những vai trò đáng kể đối với sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội Việt Nam, đồng thời đáp ứng được những yêu cầu nhằm xây dựng và bảo vệ chế độ phong kiến trung ương tập quyền ở Việt Nam. Song, Nho giáo cũng có không ít nhược điểm và do vậy, đối với những tàn dư của Nho giáo ở Việt Nam hiện nay, chúng ta cần phải biết tiếp thu có chọn lọc.
Nho giáo vào Việt Nam từ thế kỷ I TCN; khi ở Trung Quốc nhà Tây Hán đã đánh bại tập đoàn phong kiến họ Triệu và giành lấy quyền thống trị đất Giao Châu. Nhưng, trong suốt một ngàn năm Bắc thuộc, ảnh hưởng của Nho giáo ở Việt Nam còn rất hạn chế. Đa phần sự ảnh hưởng đó chỉ có ở các đô thị, gắn liền với sinh hoạt của những viên quan cai trị và một bộ phận những người bản xứ giúp việc cho những quan cai trị đó. Có thể nói, ở Việt Nam lúc bấy giờ, Nho giáo là công cụ thống trị của chính quyền đô hộ và phục vụ cho chính quyền đô hộ. Mặt khác, sự truyền bá Nho giáo cùng với việc phổ biến chữ Hán đã đưa tới Việt Nam một kho tàng tri thức về xã hội và tự nhiên, đó là nền văn học, sử học, triết học, thiên văn học và y học của người Trung Hoa cổ đại. Lúc đó, ảnh hưởng của Nho giáo chưa vượt khỏi phạm vi của các thị trấn để đến với các vùng dân cư rộng lớn của đồng bằng và trung du Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Nhân dân ở các làng xã chưa thực sự tiếp thu những nguyên tắc của Nho giáo. Phải đến thế kỷ X, sau chiến thắng Bạch Đằng vĩ đại của Ngô Quyền, khi dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên độc lập, tự chủ và thực sự bắt tay vào xây dựng nền văn minh Đại Việt trong khuôn khổ của một nhà nước phong kiến quân chủ tập quyền, thì xã hội Việt Nam lúc này mới đặt ra những yêu cầu đối với sự tồn tại và phát triển của Nho giáo ở Việt Nam.(*) Trước hết là về yêu cầu xây dựng và tổ chức bộ máy nhà nước phong kiến trung ương tập quyền lớn mạnh, yêu cầu củng cố trật tự đã bước đầu ổn định của một xã hội phong kiến và thực hiện thống nhất đất nước. Bởi vì, xã hội có ổn định, đất nước có thống nhất thì mới có điều kiện phát triển kinh tế và văn hóa. Trong hoàn cảnh vừa giành được độc lập và muốn giữ vững nền độc lập ấy, Việt Nam lúc đó rất cần phải có một nhà nước phong kiến tập quyền lớn mạnh để thực hiện sự thống nhất quốc gia, tiến hành xây đắp các công trình thủy lợi và nhất là, để động viên, tổ chức và chỉ đạo những cuộc chiến tranh giữ nước khi có nạn ngoại xâm. Vì quyền lực của nhà nước đó nằm trong tay nhà vua, nên chữ “trung” của Nho giáo cần được tiếp thu để củng cố quyền lực của nhà vua. Ngay từ thời Lý – Trần, trung với vua không tách rời trung với nước, vì đó là những ông vua thực sự điều hành cuộc chiến tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam đi đến thắng lợi. Ở Việt Nam, “trung” thường gắn với “nghĩa” nhằm đề cao trách nhiệm của con người đối với Tổ quốc, quê hương, làng xóm. Cũng chính vì thế, trong Hịch tướng sĩ, Trần Quốc Tuấn thường gắn “trung” với “nghĩa”. Hơn nữa, nếu nhà nước phong kiến tập quyền muốn trở nên hùng mạnh thì phải quan tâm đến con người, đến nhân dân và do đó, “nghĩa” không tách rời “nhân”. Ngọn cờ nhân nghĩa là để “yên dân”, để giải phóng nhân dân khỏi áp bức của quân xâm lược. Trong thời kỳ phong kiến, Nho giáo ở Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế tiểu nông gia trưởng. Dù là ruộng điền trang thái ấp của quý tộc, ruộng của địa chủ, ruộng công của làng xã hay ruộng tư của người nông dân, tất cả đều được canh tác trong khuôn khổ của một nền sản xuất nhỏ, lấy gia đình làm đơn vị. Nhưng, gia đình Việt Nam phổ biến là những gia đình nhỏ từ hai đến ba thế hệ, rất ít khi có gia đình lớn bốn, năm thế hệ như ở Trung Quốc. Trong gia đình nhỏ, quan hệ vợ chồng là cái trục chính. Người chồng, hay người cha ở cương vị gia trưởng, điều hành mọi công việc trong gia đình, trước hết là việc lao động kiếm sống của gia đình. Do đó, khái niệm “nghĩa” cũng được đề cao như khái niệm “hiếu”. Sau nữa, Nho giáo còn đáp ứng nhu cầu phát triển văn hoá và giáo dục của nước Việt Nam dưới chế độ phong kiến. Nó thoả mãn yêu cầu tuyển dụng nhân viên cho bộ máy quan liêu của nhà nước phong kiến bằng việc đào tạo ra hàng loạt những Nho sĩ có bằng cấp. Những Nho sĩ này không những phục vụ trong bộ máy nhà nước, mà còn tham gia thúc đẩy các hoạt động tư tưởng, văn hoá của đất nước, như sáng tác văn học nghệ thuật, biên soạn quốc sử, phát triển y học và bàn luận về các vấn đề chính trị, pháp luật. Trong khi đó, Phật giáo với cơ chế hoạt động và tổ chức đào tạo của nó đã không đáp ứng được những yêu cầu nói trên của xã hội phong kiến Việt Nam. Do đáp ứng được những yêu cầu khách quan của xã hội Việt Nam như trên đã nói, nên ngay từ thời Lý – Trần, Nho giáo đã đóng vai trò là cơ sở tư tưởng của việc xây dựng nhà nước quân chủ tập quyền, quản lý xã hội và hoạch định chính sách của triều đình phong kiến. Mặc dù xã hội thời Lý - Trần rất tôn sùng đạo Phật, nhưng căn cứ lý luận để xây dựng và phát triển hai triều đại này lại là những nguyên lý của Nho giáo. Từ những lời phát biểu của Đào Cam Mộc nhằm đưa Lý Công Uẩn lên ngôi đến Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn, Chiếu nhường ngôi cho Trần Cảnh của Lý Chiêu Hoàng đều lấy những nguyên lý trong kinh điển của Nho giáo làm căn cứ. Những văn kiện quan trọng có liên quan đến việc phát động chiến tranh giữ nước, như bài văn Lộ Bố khi đánh Tống của Lý Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, v.v. thường sử dụng một số khái niệm của Nho giáo. Trên phương diện văn hoá - giáo dục, ngay từ thời Lý, khi được coi trọng và giữ vị trí là nền giáo dục chính thức của nhà nước phong kiến, Nho học đã thể hiện rõ vai trò của một nền giáo dục có cơ chế, bài bản và đầy sức sống. Do đó, nó đã tạo ra một bước tiến vượt bậc về nội dung giáo dục, cũng như về mặt tổ chức và thực thi việc giáo dục và thi cử. Sang thời Trần, nhờ sự phát triển của nền giáo dục Nho học mà tầng lớp Nho sĩ ngày càng đông đảo. Họ tích cực tham gia chính sự, cũng như tham gia vào các hoạt động văn hoá nghệ thuật, học thuật và tư tưởng đương thời. Chính vì thế, lúc bấy giờ, Nho giáo đã thực sự thúc đẩy các hoạt động văn hoá của nước Đại Việt tiến lên phía trước. Khác với sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Nho giáo đến nhà nước phong kiến, ảnh hưởng của Nho giáo đối với gia đình, dòng họ và làng xã Việt Nam diễn ra chậm hơn. Trong thời Lý - Trần, ảnh hưởng đó còn mờ nhạt. Các thành viên của gia đình, dòng họ và làng xã còn chịu ảnh hưởng nặng của những giá trị đạo đức truyền thống và một phần của những giá trị đạo đức Phật giáo. Phải đến thế kỷ XV, khi Nho giáo được độc tôn, thì nhà nước phong kiến và các Nho sĩ mới áp đặt được những quy phạm đạo đức của Nho giáo xuống các gia đình, dòng họ và làng xã thông qua các điều luật, các chỉ dụ, các huấn điều và những quy ước về nghi lễ, như tang lễ, hôn lễ. Song, lý thuyết xây dựng chế độ quân chủ tập quyền và quản lý xã hội của Nho giáo cũng có nhiều hạn chế. Bởi vậy, ở Việt Nam, Nho giáo được độc tôn chưa đầy một thế kỷ, xã hội đã loạn lạc, các tập đoàn phong kiến nổi lên tranh quyền, đoạt vị suốt ba thế kỷ tiếp đó. Niềm tin vào Nho giáo, nhất là vào đức trung quân của Nho giáo, đã giảm dần. Nhưng, trong ba thế kỷ này, các tập đoàn phong kiến vẫn dùng Nho giáo làm vũ khí tư tưởng để trị nước. Lúc ấy, quyền lực trong xã hội vẫn thuộc về những người đứng đầu các tập đoàn phong kiến, nên dù đức trung quân có bị giảm sút thì nó vẫn được sử dụng để củng cố uy quyền của các vị vua, chúa mới nổi lên. Vào các thế kỷ XVII và XVIII, việc học hành và thi cử của Nho học tuy có những nét tiêu cực, nhưng cũng chính nền giáo dục Nho học lúc bấy giờ đã sản sinh ra những nhà thơ, nhà văn, nhà khoa học và y học kiệt xuất, như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Lê Quý Đôn, Lê Hữu Trác, Ngô Thì Nhậm, v.v.. Bước sang thế kỷ XIX, trước sự phát triển và thâm nhập của chủ nghĩa tư bản vào các nước châu Á lạc hậu, cùng sự lan toả trên phạm vi toàn thế giới của nền văn minh phương Tây, chế độ phong kiến Việt Nam thời Nguyễn và hệ tư tưởng của nó là Nho giáo trở nên lỗi thời. Do đó, nhà nước phong kiến triều Nguyễn đã trở thành lực cản sự phát triển của xã hội Việt Nam. Nó đẩy xã hội Việt Nam vào cảnh nghèo nàn, lạc hậu, không đủ sức chống lại sự xâm lăng của chủ nghĩa đế quốc. Còn Nho giáo, do là hệ tư tưởng nhằm bảo vệ cái chế độ phong kiến suy tàn ấy nên tất nhiên nó có tính phản động, đi ngược lại xu thế phát triển của lịch sử. Lúc này, Nho giáo đã bộc lộ rõ rệt những nhược điểm và yếu kém của nó. Các nhà chủ trương cải cách ở Việt Nam, đứng đầu là Nguyễn Trường Tộ, đã phê phán những mặt lạc hậu và yếu kém của Nho giáo không những trên phương diện chính trị, như tổ chức nhà nước, củng cố quốc phòng, mà cả trên phương diện kinh tế, tài chính, nhất là trên phương diện văn hoá, giáo dục. Như vậy, ở thế kỷ XIX, Nho giáo đã cản trở sự phát triển của xã hội Việt Nam không những trên phương diện chính trị - văn hoá, mà cả trên phương diện kinh tế - xã hội. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX, những kỷ cương của xã hội theo chuẩn mực của Nho giáo đã không còn sức hấp dẫn và không có sức thuyết phục nhân dân trong cuộc chiến đấu với quân xâm lược. Sau khi thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam, xã hội Việt Nam đã trở thành xã hội thuộc địa nửa phong kiến. Cùng với đó, văn hoá phương Tây và hệ tư tưởng tư sản tràn vào Việt Nam. Đồng thời, nền giáo dục Nho học bị bãi bỏ. Nho giáo ở Việt Nam tiếp tục suy tàn và đổ vỡ. Tuy nhiên, bọn thực dân Pháp thống trị vẫn muốn duy trì ở nước ta những quan hệ phong kiến và những yếu tố của hệ tư tưởng phong kiến để củng cố chế độ thuộc địa. Vì thế, thực dân Pháp đã sử dụng Nho giáo vào việc cai trị dân bản xứ. Nhìn chung, dưới thời Pháp thuộc, Nho giáo vẫn để lại những ảnh hưởng tiêu cực của nó trong sinh hoạt văn hoá và trong lĩnh vực chính trị - xã hội. Đạo trị nước và đạo làm người của Nho giáo không giúp được gì cho sự chuẩn bị của Cách mạng Tháng Tám. Chính vì thế, bản Đề cương văn hoá của Đảng Cộng sản Đông Dương do đồng chí Trường Chinh khởi thảo năm 1943 đã nhấn mạnh việc cần phải đấu tranh về học thuyết tư tưởng nhằm đánh tan những quan điểm sai lầm của triết học Khổng - Mạnh. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã làm cho Nho giáo ở Việt Nam suy sụp hoàn toàn cùng với sự sụp đổ của chế độ phong kiến nửa thuộc địa. Từ đây, có thể nói, trên bình diện là một vũ khí tư tưởng của giai cấp thống trị và trên bình diện là một tôn giáo với những nghi lễ cung đình phức tạp, Nho giáo không còn tồn tại nữa. Nhưng, trong xã hội Việt Nam kể từ sau Cách mạng Tháng Tám, tàn dư và “âm hồn” của Nho giáo vẫn còn sống một cách dai dẳng trong các quan hệ xã hội, trong sự ứng xử giữa người và người, trong phong tục tập quán và cả trong những nghi thức thờ cúng tín ngưỡng cổ truyền của dân tộc. Ngày nay, nhân dân Việt Nam đang thực hiện công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong khuôn khổ của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Song, những tàn dư và “âm hồn” của Nho giáo vẫn tiếp tục tồn tại ở Việt Nam và tác động vào đời sống xã hội theo cả hướng tích cực lẫn tiêu cực. Sở dĩ những tàn dư của Nho giáo vẫn có mặt tích cực trong xã hội Việt Nam ngày nay là vì, nó đã Việt Nam hoá và hoà đồng với nền văn hoá Việt Nam để tạo nên một truyền thống tốt đẹp về tư tưởng, đạo đức và nếp sống. Đó là ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ và tình cảm đạo đức của mỗi người đối với cộng đồng. Đó là sự hiếu học, coi trọng nhân tài, coi trọng người có học vấn và tôn sư trọng đạo, là sự tích cực nhập thế, tích cực dấn thân vào công cuộc phát triển kinh tế của đất nước làm cho dân giàu, nước mạnh. Tuy nhiên, những tàn dư của Nho giáo ở Việt Nam hiện nay cũng có những ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ trong đời sống xã hội. Nó đã để lại dấu ấn rõ rệt ở tác phong gia trưởng, ở quan niệm tôn ti đẳng cấp trong các cơ quan xí nghiệp, ở sự thiếu bình đẳng trong quan hệ nam nữ và quan hệ gia đình, ở sự rập khuôn, giáo điều trong công tác nghiên cứu và công tác tổ chức, ở sự coi thường công tác chuyên môn mà chỉ lo tiến thân bằng con đường quan chức… Tóm lại, Nho giáo đã tồn tại và phát triển ở Việt Nam suốt hai mươi thế kỷ. Sự có mặt tất yếu và vai trò lịch sử của Nho giáo ở Việt Nam không tách rời sự hình thành và tồn tại của chế độ phong kiến Việt Nam. Nho giáo đã đáp ứng được những yêu cầu phát triển của chế độ phong kiến Việt Nam. Khi chế độ phong kiến Việt Nam suy tàn thì Nho giáo Việt Nam cũng trở nên lỗi thời, lạc hậu và có những ảnh hưởng tiêu cực đối với sự phát triển của xã hội Việt Nam. Ngày nay, ở Việt Nam, Nho giáo không còn tồn tại với đầy đủ những cơ sở xã hội, cơ chế vận hành và cơ sở vật chất của nó nữa, nhưng những tàn dư của Nho giáo vẫn còn sống dai dẳng ở hành vi và nếp nghĩ của mọi người. Trong những tàn dư đó có chứa đựng những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, đồng thời cũng mang theo những “bệnh hoạn” của chế độ phong kiến. Vì thế, đối với những tàn dư đó của Nho giáo, chúng ta cần phải tiếp thu có chọn lọc, để có thể gạt bỏ những yếu tố tiêu cực và sử dụng những yếu tố tích cực của Nho giáo nhằm phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam hiện nay./.