Trong sự phát triển của xã hội ngày nay, vấn đề giáo dục nhân cách, lối sống tuân thủ pháp luật, thực hiện đúng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với thế hệ trẻ là một vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi thực tế hiện nay, vẫn có không ít một số bộ phận mặc dù được sống và học tập trong những môi trường đạo tạo tốt nhưng vẫn không biết vươn lên để rồi phải sa vào vòng lao lý chỉ vì những ham muốn, đua đòi tầm thường của bản thân.
Hằng ngày, qua những thông tin trên đài, báo, truyền hình cho chúng ta thấy rõ thực trạng việc học sinh vi phạm pháp luật, vô lễ với thầy cô giáo, quậy phá, nói tục, chửi bậy ngày càng nhiều và đang trở thành một vấn đề nóng bỏng của xã hội. Vậy học sinh phạm tội do đâu? Trách nhiệm không thể quy kết cho riêng một ai-nhà trường hoặc gia đình, bởi vì thực tế vẫn đang tồn tại những nguyên nhân chưa có hồi kết... Là người công tác trong ngành pháp luật, những năm qua tôi nhận thấy tình trạng phạm tội của tầng lớp thanh-thiếu niên-học sinh trên toàn huyện Bố Trạch nói riêng, Quảng Bình và cả nước nói chung ngày càng có chiều hướng gia tăng. Đây là một vấn nạn và là nỗi lo chung của tất cả mọi người, đặc biệt là các bậc làm cha, làm mẹ. Các loại tội phạm như: Trộm cắp, cướp giật, cưỡng đoạt tài sản, thậm chí giết người, lừa đảo, vi phạm giao thông pháp luật về giao thông, sử dụng tiêm chích ma túy vẫn diễn ra hằng ngày ở mọi lúc, mọi nơi. Nguy hiểm hơn, các tệ nạn ấy đã len lõi vào tận học đường và ở khắp mọi nơi, từ đồng bằng đến miền núi, thậm chí cả những vùng xa xôi hẻo lánh...Hiện tượng “nhỏ hóa” trẻ phạm tội đang là một nguy cơ đáng lo ngại không những cho chính các bậc phụ huynh có con em phạm pháp, mà còn cho các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội trong công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật. Những thanh niên bị bắt giữ về tội “Cướp giật tài sản” Một hiện tượng khá phổ biến hiện vẫn thường xãy ra trên địa bàn huyện Bố Trạch: Mặc dù đang là giờ học trên lớp nhưng lại có mặt rất đông các em học sinh trong các quán càfê, quán game thường xuyên diễn ra. Ngay đối diện với cổng vào của một cơ quan Tư pháp huyện, một quán game được mở từ 6h sáng cho tới gần 24h, và lưu lượng người “tới thăm” nhiều nhất vẫn là các em học sinh, thậm chí có em còn “thường trực” ngày đêm ngay tại quán. Và nơi đây, vẫn diễn ra cảnh các phụ huynh liên tục đến tìm và bắt gặp con mình đang “thỏa chí” chơi điện tử đến nỗi quên ăn, quên học. Có những đêm mưa gió, một số bà mẹ vẫn cố kiên trì đứng đợi sẵn ở quán game để khi con mình vừa bước vào thì “tóm gọn” đưa về nhà. Tôi đã từng có dịp được chứng kiến cảnh một người mẹ “bất lực” trước đứa con “lỳ lợm” khó bảo tại một quán game, mặc cho người mẹ rất nhẹ nhàng nhắc nhở gọi con về, nhưng anh chàng này vẫn thản nhiên “chát” với những câu trả lời như “lát nữa”, “mẹ cứ về trước đi”...Rõ ràng, đó chỉ là những câu trả lời “bâng quơ” cho qua chuyện mà trong ý thức vẫn không chấp hành sự khuyên bảo, căn dặn của phụ huynh. Và một điều đáng tiếc, trong khi sa đà vào các trò chơi, các tệ nạn ấy, một số đã không giữ được mình để rồi rơi vào con đường phạm pháp... Trước đó, TAND huyện Bố Trạch đã từng đưa vụ án Võ Thanh Phương (Sinh năm: 1992) và Nguyễn Văn Hướng (Sinh năm: 1993), cả hai đều trú tại xã Nam Trạch-Bố Trạch bị VKSND huyện Bố Trạch truy tố về tội “Trộm cắp tài sản” ra xét xử theo quy định. Tại phiên tòa, lý do phạm tội theo lời khai của các bị cáo cũng hết sức đơn giản như chính lối sống của các bị cáo. Chẳng ai xúi giục, cũng chẳng phải là loại đối tượng tiền án, tiền sự. Chỉ vì ham với sự chơi bời bên ngoài, và khi số tiền có được của cha, mẹ cho để nộp học hoặc mua sách vỡ đã bị “nướng” vào các trò chơi điện tử, trong cơn “khát” tiền để tiêu xài, Phương và Hướng đã rủ nhau lợi dụng đêm khuya trèo qua hàng rào trụ sở UBND huyện Bố Trạch, rồi tiến tới tiền sảnh đẩy chiếc xe Drem II của anh Nguyễn Thông (cán bộ ủy ban) ra theo lối cổng chính. Sau đó, Phương và Hướng đưa xe máy lấy trộm được của anh Thông vào Huế tiêu thụ thì bị Công an TP.Huế phát hiện và bắt giữ. Trong một vụ án khác, đối tượng phạm tội lại liều lĩnh, bất chấp pháp luật hơn nhiều. Không đi trộm cắp tài sản mà bằng cách tìm đến trường học để “xin đểu” tiền của các em học sinh. Để có tiền tiêu xài cho những mục đích cá nhân, Nguyễn Chí Thanh (SN: 1990; ở thị trấn Việt Trung) đã tìm tới trường cấp 2-3 nông trường Việt Trung để dọa em Nguyễn Thái Sơn (Sinh năm: 1992). Vì sợ bị đánh, Sơn đã lấy 100.000 đ tiền bố mẹ cho để nộp học rồi đưa cho Thanh. Trong lúc Thanh đang “ung dung” đưa số tiền vừa lấy được để đi tiêu xài thì bị Công an thị trấn Việt Trung Phát hiện bắt giữ. Quá trình điều tra, Thanh còn khai nhận trước đó đã từng 03 lần cưỡng đoạt tài sản của nhiều người khác cũng bằng các hành vi tương tự. Với những “chiến tích” đó, TAND huyện Bố Trạch đã tuyên phạt Nguyễn Chí Thanh 24 tháng tù giam về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Hy vọng những ngày được ăn “cơm tù” sẽ sớm làm cho nhận thức của Thanh trở nên tốt đẹp hơn. Trước thực trạng thanh thiếu niên-học sinh phạm tội đang có chiều hướng gia tăng như hiện nay có thể thấy, nguyên nhân trước hết là do ý thức phấn đấu, tự rèn luyện, tu dưỡng của các cá nhân còn quá yếu hoặc hoàn cảnh khách quan đưa đến như bị bạn bè lôi kéo, rũ rê đến với con đường phạm tội. Nguyên nhân thứ hai có thể kể đến việc thanh –thiếu niên- học sinh phạm tội đó là do lỗi của các bậc cha, mẹ ít khi cha mẹ nhìn thấu được những hành vi sai trái của con trẻ để dạy dỗ, răn đe. Có nhiều bậc phụ huynh thương con đến độ sai lệch. Ở một khía cạnh khác, trẻ con hư là do chức năng giáo dục của gia đình đã bị “mất”. Chẳng phải ngẫu nhiên mà đa số trẻ phạm tội đều rơi vào các gia đình bất ổn. Một vấn đề đáng lưu tâm nữa là các bậc cha mẹ thiếu sự quan tâm hiểu biết về tâm lý giới tính tuổi học sinh. Đối với tuổi mới lớn (mà người ta thường hay còn gọi là thế hệ 9X, tuổi Teen) thì những biến đổi về thể chất và tinh thần diễn ra khá phức tạp, chính trong giai đoạn này nhiều em đã bị dao động, mất phương hướng dẫn đến nguy cơ sai phạm trong hành vi cao. Một nguyên nhân khác cũng cần được xem xét đó là công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường ở các cấp học chưa được chú trọng thường xuyên. Đội ngũ giáo viên giảng dạy môn pháp luật còn thiếu và đa phần chưa được đào tạo đúng chuyên ngành. Chính vì vậy mà hệ quả là nhiều học sinh thiếu kiến thức pháp luật, hoặc hiểu lơ mơ dễn đến tình trạng phạm tội và mắc các tệ nạn xã hội ngày một gia tăng. Từ những thực tế trên đang đặt ra vấn đề cần phải quan tâm, đầu tư hơn nữa để nâng cao việc phổ biến giảng dạy pháp luật cho học sinh. Hơn ai hết, nhà trường phải thực sự coi các kiến thức pháp luật là một phần quan trọng cấu thành nhân cách hoàn chỉnh của học sinh, từ đó lựa chọn nội dung giảng dạy thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật trong nhà trường, giảm thiểu tình trạng học sinh phạm tội. Không nên chỉ biết đặt câu hỏi thi về pháp luật, mà hơn hết phải có biện pháp để phát huy nọi lực sự hiểu biết của các em qua những việc làm, những hành động chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật xãy ra trong cuộc sống, trong nhà trường để làm tấm gương cho các em khác học tập. Đây là một nhu cầu cấp thiết của giáo dục hiện nay. Cùng với sự phối hợp tốt giữa gia đình, nhà trường và xã hội, việc tổng hợp các biện pháp giáo dục về kinh tế, hành chính và pháp luật có vai trò to lớn đối với công tác phòng ngừa, ngăn chặn các tệ nạn xã hội và đẩy lùi có hiệu quả sự xâm nhập của các hành vi vi phạm pháp luật xãy ra trong cuộc sống hằng ngày. Đó cũng là những việc làm thiết thực góp phần vào sự thành công chung của công tác đấu tranh phòng chống vi phạm và tội phạm trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Bình nói chung. Vì gia đình là tế bào của xã hội, xã hội trong sạch, bình yên chỉ khi từng gia đình không có người vi phạm pháp luật. Có như vậy xã hội mới phát triển, cuộc sống của mọi người dân mới được bình an, ấm no và hạnh phúc.