Từ Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), Việt Nam bắt đầu đổi mới toàn diện trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh,... Đất nước phát triển, đời sống nhân dân bình yên, hạnh phúc. Đó là những thành quả ngọt ngào mà công cuộc Đổi mới mang lại. Từ năm 1991 đến nay, công cuộc Đổi mới tiếp tục diễn ra như thế nào và đạt được những thành tựu tiêu biểu gì?
Giai đoạn 1991 - 1995: Đất nước dần dần ra khỏi tình trạng trì trệ, suy thoái. Nền kinh tế tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng: đã khắc phục được tình trạng trì trệ, suy thoái, tốc độ tăng trưởng đạt tương đối cao, liên tục và toàn diện, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều vượt mức: GDP bình quân tăng 8,2%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13,3%/năm; nông nghiệp tăng 4,5%/năm; lĩnh vực dịch vụ tăng 12%/năm; tổng sản lượng lương thực 5 năm (1991 - 1995) đạt 125,4 triệu tấn, tăng 27% so với giai đoạn 1986 - 1990
Giai đoạn 1996 - 2000: Đây là giai đoạn đánh dấu bước phát triển quan trọng của kinh tế thời kỳ mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mặc dù cùng chịu tác động của khủng hoảng tài chính - kinh tế khu vực (giai đoạn 1997 - 1999) và thiên tai nghiêm trọng xảy ra liên tiếp, đặt nền kinh tế nước ta trước những thử thách khốc liệt, tuy nhiên, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá.
Giai đoạn 2001 - 2005: Sự nghiệp đổi mới ở giai đoạn này đi vào chiều sâu, việc triển khai Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 và Kế hoạch 5 năm 2001 - 2005 mà Đại hội IX của Đảng thông qua đã đạt được những kết quả nhất định. Nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, theo hướng tích cực, năm sau cao hơn năm trước. GDP tăng bình quân 7,5%/năm, riêng năm 2005 đạt 8,4%; trong đó, nông nghiệp tăng 3,8%; công nghiệp và xây dựng tăng 10,2%; các ngành dịch vụ tăng 7%. Từ một nước thiếu ăn, mỗi năm phải nhập khẩu từ 50 vạn đến 1 triệu tấn lương thực, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Năm 2005, Việt Nam đứng thứ nhất thế giới về xuất khẩu hạt tiêu; đứng thứ hai về các mặt hàng gạo, cà phê, hạt điều; thứ 4 về cao su;…Cùng với sự tăng trưởng kinh tế, sự ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì, bảo đảm sự ổn định chính trị, xã hội, quốc phòng và an ninh, bước đầu phát huy được nhiều lợi thế của đất nước, của từng vùng và từng ngành; cải cách thể chế kinh tế, từng bước hoàn thiện các cơ chế chính sách quản lý và hệ thống điều hành; cải cách và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống tài chính, tiền tệ; phát triển nguồn và chất lượng lao động, khoa học và công nghệ;…
Giai đoạn 2006 - 2010: Nền kinh tế vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên, nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, từ nhóm nước thu thập thấp đã trở thành nước có thu nhập trung bình (thấp). GDP bình quân 5 năm đạt 7%. Mặc dù bị tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu (từ cuối năm 2008), nhưng thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn đạt cao.
Trong năm 2011 đến nay, mặc dù sự phục hồi kinh tế sau khủng hoảng tài chính toàn cầu còn rất chậm nhưng vẫn được đánh giá cao hơn bình quân các nước trong khu vực. Nhìn chung, các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế đều có bước phát triển khá, trong đó sự phát triển ổn định trong ngành nông nghiệp, nhất là sản xuất lương thực đã bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; sản phẩm công nghiệp phát triển ngày càng đa dạng và phong phú về chủng loại, chất lượng được cải thiện, từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo đảm cung cầu của nền kinh tế, giữ vững thị trường trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu; chú trọng đầu tư phát triển một số ngành công nghiệp mới, công nghệ cao; khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng ổn định.