Đề cương ôn tập văn 8 học kì I

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
nguyễn thanh

thuyết minh về 1 danh lam thắng cảnh Núi Thiên ẤN ở Quảng Ngãi

ngoc rong thử chơi nhan
4 tháng 4 2019 lúc 21:56

Vừa qua, có dịp ngang Quảng Ngãi, tiện ghé thăm người bạn, đang công tác ở Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi. Buổi chiều, sau khi lai rai vài chai Dung Quất ở bờ sông Trà Khúc, bạn nói với tôi: “Sáng mai đi Thiên Ấn chơi nhé”. Tôi gật đầu.

Sáng hôm sau, bạn đèo tôi trên chiếc Honda thẳng lên núi Thiên Ấn. Thú thiệt, tôi vốn người gốc Quảng Ngãi, nhưng do tha hương từ nhỏ, nên chưa biết gì nhiều về nơi chôn rau, cắt rốn của mình. Mặc dù tôi đã có thơ về Quảng Ngãi, được đăng trên báo, song đó chỉ là những cảm nhận thoáng qua, với những địa danh, mà chỉ có dịp nhìn hoặc nghe nói đến chứ chưa bao giờ tìm hiểu cặn kẽ, rạch ròi. Ví như: “Quê tôi đó miền sông Trà, núi Ấn. Có Cổ lũy cô thôn, có La Hà thạch trận” …

Trên đường đi, bạn nói với tôi: Là người Quảng Ngãi mà chưa một lần lên núi Thiên Ấn là một thiệt thòi không nhỏ. Còn nếu là khách thập phương, đến Quảng Ngãi mà chưa lên núi Thiên Ấn cũng có nghĩa là chưa biết gì về Quảng Ngãi. Núi Thiên Ấn và sông Trà chính là biểu tượng của Quảng Ngãi. Khi bạn lên Thiên Ấn, bạn sẽ có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp lộng lẫy của sông Trà và toàn cảnh Thành phố Quảng Ngãi.

Thiên Ấn còn có tên là Kim Ấn Sơn, cao 100 m, tựa hình một chiếc ấn, bốn phía sườn có hình thang cân. Giữa thiên nhiên thoáng đãng, ngọn núi như chiếc ấn của trời cao niêm cạnh dòng sông xanh nên người xưa gọi là Thiên Ấn Niêm Hà. Nhà thơ Phạm Thiên Thư, cũng đứng từ đỉnh Thiên ấn mới viết nên được bài thơ “ Thiên Ấn Niêm Hà”: “Vuông vức in xanh núi Ấn trời/ Đá hoa sớm tối bốc mù hơi/ Bốn phương quần tụ mây làm tổ/ Một nét thơ đề sông hướng khơi/ Cong vút chùa xưa đầm nguyệt giải/ Lô nhô tháp cổ lạnh sao rơi/ Có thầy đào giếng khơi dòng nước/ Biến mất vào Thiên Ấn độ đời”.

Tương truyền, có nhà sư, khi lên lập chùa và trụ trì trên núi, để có nước sinh hoạt, nhà sư đã đào một cái giếng sâu khoảng 30 mét. Đào giếng xong, nhà sư biến mất. Hiện nay giếng vẫn còn đó, cho nước ngọt trong ngon nuôi sống sư sãi tại chùa.

Khi lên đến đỉnh Thiên Ấn, quả thật cảnh sắc sao mà đẹp tuyệt vời. Tôi có cảm tưởng như là mình đang đi vào nơi non bồng nước nhược, thần tiên cảnh giới. Ngôi chùa cổ kính thấp thoáng dưới bóng cây che u tịch, gió vi vu như tiếng sáo diều khoan nhặt; chuông ngân từng hồi hòa với giọng đọc kinh trầm trầm, làm cho con người nhẹ nhàng thư thái.

Đọc những dòng lịch sử về Thiên Ấn tự mới biết thêm: Chùa Thiên Ấn được ChúaNguyễn Phúc Chu ban biển ngạch vào năm 1716. Năm 1830, ngọn núi được khắc vào dinh tự và năm 1850, vua Tự Đức đưa núi vào hàng danh sơn của đất nước và ghi vào tự điển. Chùa được khởi công xây dựng vào năm 1694 và hoàn thành vào cuối năm 1695 (năm Chính Hòa thứ 15), đời Lê Huy Tông (Chúa Nguyễn Phúc Chu đàng trong).

Tổ khai sơn chùa là Thiền sư Pháp Hóa (1670 - 1754), tục danh Lê Diệt, hiệu Minh Hải Phật Bảo, gốc người tỉnh Phúc Kiến, Trung Hoa, trụ trì tại tổ đình 41 năm, viên tịch giờ ngọ ngày 17 tháng 01 năm Giáp Tuất, thọ 84 tuổi, thuộc dòng Thiên Lâm Tế. Lúc đầu chùa chỉ là một thảo am tĩnh mịch, sau được dần trùng tu mở rộng thu hút được nhiều tăng ni phật tử và trở nên nổi tiếng.

Phía Đông chùa có khu "Viên Mộ" thiết diện hình lục giác, gồm nhiều tầng, là nơi an tán các vị sư trụ trì của chùa và mộ nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947). Núi Thiên Ấn là đệ nhất thắng cảnh và là "núi thiêng" của người Quảng Ngãi. Năm 1990 núi Thiên Ấn - chùa Thiên Ấn - mộ cụ Huỳnh đã được Bộ Văn hóa Thông tin Việt Nam xếp hạng di tích và thắng cảnh quốc gia.

Thấy tôi tần ngần, ngẩn ngơ trước vẻ đẹp trầm mặc, u tịch của chùa, bạn nói thêm: “Gần đến Rằm tháng Bảy, mùa Vu Lan báo hiếu rồi. Đến lúc ấy thì không thể nào chen chân lên chùa được. Người dân thập phương, tứ xứ đổ về đây đông lắm. Không những đông đảo tăng ni phật tử toàn tỉnh Quảng Ngãi tôn xưng chùa Thiên Ấn là ngôi vị tổ đình mà đối với người dân, ngôi chùa này có sự gắn bó bền chặt trong tâm linh, tình cảm, thể hiện qua các giai thoại, truyền thuyết về Giếng Phật, chuông Thần, được truyền khẩu từ đời này qua đời khác”.

Quả thật, khi đứng trên đỉnh Thiên Ấn, bên mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng nhìn xuống sông Trà, trước mắt tôi là một vùng nước biếc non xanh tuyệt đẹp. Dòng sông Trà mùa này cạn nước lộ nên những mô đồi lồi lõm vàng xanh tít tắp phía chân trời. Thành phố trẻ Quảng Ngãi thấp thoáng xa xa tạo hình nền tôn vẻ đẹp của chiếc cầu Sông Trà II, hiện đại, hoành tráng vắt ngang trên Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc- Nam ...

Rời núi Thiên Ấn, chia tay người bạn thân, quay về Nam mà lòng tôi vẫn còn bâng khuâng thương nhớ về miền quê yêu thương Quảng Ngãi của mình. Chạnh lòng nhớ lại những câu thơ ngày trước, khi trên bước đường tha hương lưu lạc, tưởng về quê hương Quảng Ngãi: “Chiều vàng rung một tiếng chuông/ Mây giăng Thiên ấn cánh buồm Trà giang/ Niềm riêng gió núi mưa ngàn/ Tương tư rụng vỡ tiếng đàn ly quê”.


Các câu hỏi tương tự
đỗ thị kiều trinh
Xem chi tiết
Zenitsu
Xem chi tiết
Vani
Xem chi tiết
nguyễn hoàng dũng
Xem chi tiết
Khiem Nguyen
Xem chi tiết
Thảo Nguyên
Xem chi tiết
Bùi Thị Thu Hồng
Xem chi tiết
Như Trần
Xem chi tiết
NGUYỄN VĂN BẮC
Xem chi tiết