Huy Cận là một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào thơ mới. Thơ ông chịu ảnh hưởng của thơ Đường, thơ Pháp, giọng thơ ảo não. Thơ Huy Cận trước cách mạng tháng 8 thường mang tâm trạng buồn,u uất. Đó cũng là một tâm trạng chung của cả thế hệ một dân tộc.
Bài thơ "Tràng giang" được trích từ tập "Lửa Thiêng" thể hiện một nỗi buồn cô đơn, một nỗi buồn nhớ nhà, nhớ quê hương trong cảnh hoàng hôn trước tràng giang. Tác phẩm được viết vào mùa thu năm 1939 với cảm xúc sông nước mênh mông.
"Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài"
Xuân Diệu đã nhận xét:"Tràng giang là bài thơ ca hát non sông đất nước,do đó dọn đường cho lòng yêu giang sơn, tổ quốc".
Thật ra, khi xét kết cấu,ngôn từ bài thơ ta thấy nổi lên một tâm trạng buồn, cô đơn đến cực độ, chới với tưởng như không còn gì có thể liên hệ được với cuộc sống bên ngoài: "Không cầu, không đò, không khói hoàng hôn". Nhưng khi đi sâu vào mạch cảm xúc, thi tứ người đọc sẽ phát hiện ra một lòng ham sống, lòng yêu đời gắn bó máu thịt với thiên nhiên, đất nước, một đất nước đang đắm chìm trong nỗi đau thương vì đã mất chủ quyền.
Ngay từ câu thơ mở đầu, tác giả đã thể hiện những tâm trạng buồn:
"Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song"
Huy Cận có lúc tự tạo ra chân dung của thi sĩ: "Một chiếc linh hồn nhỏ/ Mang mang thiên cổ sầu". Đến bài "Tràng giang" nhà thơ không dối nổi cái linh hồn cô đơn tội nghiệp ấy mà đã mượn hình tượng con sóng để thể hiện nỗi buồn kéo dài theo cả không gian lẫn thời gian. Độ âm vang của vầng điệu câu thơ đã đẩy nỗi buồn trở nên bất tận. Hình ảnh "sóng gợn" cứ xô mãi vào lòng tác giả. Cái buồn không phải ở sóng mà ở lòng người, cái buồn của lòng được con sóng đánh thức nên lay động vang xa không ngừng, không ngớt. Cả một hệ thống hình ảnh: "con sóng, con thuyền, đến một cành củi khô lưu lạc đã thấm đẫm nỗi chia lìa".
"Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng"
Nỗi sầu như càng được đẩy lên cao hơn khi cái tôi cá nhân càng ngày càng thấy mình cô đơn, bé nhỏ. Cái tôi ấy có khác nào con thuyền đang buông xuôi bất lực: "thuyền xuôi mái" có khác chi một kiếp người nổi trôi vô định: "Củi một cành khô lạc mấy dòng". Cảnh vật là không gian lại cứ vận động không ngừng mà tâm trạng con người dường như ngưng đọng, hẳn lên bao nỗi sầu: "sầu trăm ngả". Hình ảnh một cành củi khô là rất hiện đại không tô điểm thi vị hoá, khác thơ ca truyền thống.
Bước sang khổ hai nỗi buồn như càng thấm sâu hơn vào cảnh vật:
"Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu".
Điểm đặc sắc của hai câu thơ trên là cách dùng từ của tác giả: từ "sâu" gợi được ở người đọc ấn tượng thăm thẳm, hun hút khôn cùng. Từ "chót vót" khắc hoạ được chiều cao dường như vô tận . Càng rộng, càng sâu, càng cao thì cảnh vật càng thêm vắng lặng chỉ có sông dài trời rộng với bến lẻ loi xa vắng "bến cô liêu". Nỗi buồn như đang thấm vào không gian ba chiều, con người ở đây trở nên nhỏ bé có phần như bị rợn ngợp trước vũ trụ rộng lớn, vĩnh hằng và không thể không cảm thấy lạc loài giữa cái mênh mông của đất trời, cái xa vắng của thời gian.
Bước sang khổ ba mạch thơ lại trở về với những hình ảnh gần gũi, quen thộc của cuộc đời:
"Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng."
Cảnh vật tuy nhiên vẫn hết sức quạnh vắng. Toàn cảnh sông nước trời rộng tuyệt nhiên không có bóng dáng con người: "không một chuyến đò" và cũng không có lấy một nhịp cầu nối giữa đôi bờ tạo nên sự gấn gũi giữa con người với con người mà chỉ có thiên nhiên với thiên nhiên xa vắng hoang vu: "lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng". Vì vậy, nỗi buồn của bài thơ này không chỉ là nỗi buồn trước trời rộng, sông dài mà còn là nỗi buồn về nhân thế, về cuộc đời.
Kết thúc bài thơ tác giả vừa miêu tả cảnh vật, vừa nói lên tâm trạng riêng. Thiên nhiên tuy đẹp và tráng lệ nhưng cũng đượm buồn, nhiều hình ảnh quạnh vắng, hắt hiu:
"Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa"
Huy Cận cho biết, ông học được chữ "đùn" trong thơ Đỗ Phủ:
"Lưng trời sóng gợn lòng sông thẳm
Mặt đất mây đùn cửa ải xa"
Lấy lại ý thơ của người xưa, hình ảnh "mây cao đùn núi bạc" tạo ấn tượng về sự hùng vĩ của thiên nhiên. Trước cảnh sông nước mấy trời bao la ấy, bỗng hiện lên một cánh chim bé bỏng, đơn chiết, điều này đã làm cho thiên nhiên thêm rộng lớn hơn, thoáng hơn và đặc biệt là cũng buồn hơn.
Trước không gian vô tận ấy, tâm trạng nhà thơ là nỗi nhớ nhà:
"Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà"
Tuy mượn ý thơ Đường nhưng nỗi nhớ nhà của Huy Cận gần gũi hơn, da diết hơn Thôi Hiệu.
Huy Cận không cần có khối sóng, không cần có ngoại cảnh tác động mà vẫn nhớ quê hương tha thiết.
Trong bài "Tràng Giang" Huy Cận đã sử dụng nhiều điệp ngữ kết hợp với phép đối ngầm để lột tả không gian và thể hiện tâm trạng buồn của mình. Bài thơ có ý vị cổ điển tạo được những quang hưởng kì lạ do tác giả đã chọn được thể thơ phù hợp, cách ngắt nhịp truyền thống nhưng vẫn là bài thơ rất Việt Nam vì thế cổ điển mà cũng rất hiện đại