Tần Thuỷ Hoàng Đế thích đi vi hành trong kinh thành vào ban đêm, cũng như thích vi hành tới các thành trì , núi non, sông ngòi, bờ biển. Tương truyền rằng khi gió mạnh khiến đoàn vi hành không thể vượt sông, ông đã bắt ba nghìn tù nhân san bạt một quả núi gần đó, vốn được tin là nơi có nữ thần gió trú ngụ.
Tần Thuỷ Hoàng Đế chết năm 210 TCN ở tuổi 49. Đế chế mà ông đã xây dựng lên sụp đổ chỉ 4 năm sau khi ông qua đởi. Chính sự tàn nhẫn mà triều đình Pháp gia của Tần Thuỷ Hoàng sử dụng hiệu quả trong việc kiểm soát quốc gia và hệ thống quan lại đã góp phần vào sự sụp đổ của nó. Vị hoàng đế đã hy vọng lập nên một vương triều kéo dài hơn mười nghìn năm nhưng lại làm cho nhiều người xa lánh, đặc biệt là tầng lớp quý tộc địa chủ. Các dự án xây dựng của nhà Tần đòi hỏi sức lao động và thuế má nặng nề, khiến người dân trên toàn đế chế cận kề nổi loạn. Hơn nữa, nhà Tần đã tạo ra một triều đình hầu như có thể hoạt động mà không cần đến Hoàng đế, vốn càng tách biệt khỏi chính sự triều đình.
Ngay khi Tần Thuỷ Hoàng chết, hai vị quan cấp cao nhất là Lý Tư và Triệu Cao đã che giấu cái chết của ông và chiếm lấy triều đình. Họ mạo chiếu của Thuỷ Hoàng, bắt người con cả Phù Tôphải tự sát và lập ra một vị vua mải chơi là Tần Nhị Thế. Nghe theo lời Triệu Cao, để củng cố ngôi vị đã đoạt của người anh cả Phù Tô, Nhị Thế khép tội và giết tất cả các anh chị em của mình dù những người này không hề có tội.
Triệu Cao đề xướng và sau đó Lý Tư hùa theo, thực hiện việc dùng pháp luật hà khắc hơn nữa so với thời Thuỷ Hoàng, không chỉ với nhân dân mà ngay cả với những quan lại cấp dưới; mặt khác vì muốn lừa vua Nhị Thế thích chơi bời hưởng thụ không muốn nhắc tới binh đao, hai người ém nhẹm chuyện nhân dân nổi dậy khởi nghĩa khắp nơi. Các quan chức địa phương cũng sợ bị trừng phạt nên giữ bí mật về các vụ nổi loạn và nổi dậy trong lãnh thổ. Cuối cùng, Triệu Cao loại trừ Lý Tư để độc chiếm ngôi vị thừa tướng và các cuộc nổi dậy tại các nước chư hầu cũ lúc đó trở nên quá lớn mạnh tới mức không còn giữ bí mật được nữa. Tới lúc đó, đã là quá muộn, và vương triều với mục tiêu kéo dài Thiên thu Vạn thế biến mất chỉ 4 năm sau cái chết của người sáng lập ra nó.
Tần Thuỷ Hoàng đương thời là ông vua bách chiến bách thắng, đánh dẹp tàn sát 6 nước phía đông, gọi là "6 nước Sơn Đông". Người dân Sơn Đông, nhất là con em các chư hầu và quan lại của các nước đó căm hờn cái thù mất nước và chế độ hà khắc của nhà Tần nhưng không dám nổi lên khởi nghĩa khi Thuỷ Hoàng còn sống vì uy vũ của ông quá lớn. Các hành động chống đối đều là hành thích, ám sát (Kinh Kha, Cao Tiệm Ly, Trương Lương). Người Sơn Đông vừa căm vừa sợ Tần Thuỷ Hoàng, tới mức có hòn thiên thạch rơi xuống, có người khắc vào hòn đá mấy chữ: "Thuỷ Hoàng chết thì đất bị chia", đủ biết mối thù họ canh cánh bên lòng và hẹn trả sau khi ông nằm xuống