Bài thơ viết theo thể thơ thất ngôn bát cú, niêm luật, đối chặt chẽ, hợp cách. Ngôn ngữ thuần nôm, không có một từ Hán – Việt nào, đọc lên nghe thanh thoát, nhẹ nhàng, tự nhiên. Ta có cảm giác như Nguyễn Khuyến xuất thân thành chương. Đặc biệt bố cục bài thơ không theo qui cách; đề, thực, luận, kết – mà lại cấu trúc theo: (1+6+1) câu đầu nói lên niềm vui khi bạn đến; 6 câu giữa hóm hỉnh, cười vui không có gì để tiếp bạn; câu cuối chỉ có tình bạn đẹp mà thôi!
Bài thơ nôm khó quên này cho thấy một hồn thơ đẹp, một tình bằng hữu thâm giao, chân tình, một tấm lòng hồn hậu, đẹp đẽ. Tình bạn của Nguyễn Khuyến trong sáng, thanh bạch, đối lập với nhan tình thế thái “còn bạc, còn tiền, còn đệ tử – Hết cơm hết rượu hết ông tôi” mà Nguyễn Bỉnh Khiêm đã kịch liệt lên án. Hai nhà thơ sống cách nhau mấy trăm năm mà có chung một tâm hồn lớn: nhân hậu, thuỷ chung, thanh bạch. Tâm hồn đó, tấm lòng đó của tiền nhân đối với ngày nay vẫn xứng đáng là tấm gương sáng để mọi người soi chung. Nguyễn Khuyến không những là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam mà còn là nhà thơ của tình bạn trong sáng, thuỷ chung và cao đẹp rất đáng yêu, đáng kính.