Lý Công Uẩn (974-1028), tức Lý Thái Tổ, người châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang (nay là Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh). Trong 20 năm làm vua ông đã có những đóng góp to lớn đối với đất nước trên các phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, củng cố nền độc lập, tự chủ dân tộc. Một trong những đóng góp to lớn có ý nghĩa lịch sử của Lý Công Uẩn là việc ông cho dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra thành Đại La, đổi tên Đại La thành Thăng Long và đổi tên nước thành Đại Việt, xây dựng kinh đô Thăng Long trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước, xây dựng vương triều Lý thành một triều đại thịnh trị, khẳng định bản lĩnh và truyền thống lịch sử lâu đời, củng cố khối đoàn kết thống nhất, đem lại cho dân tộc và đất nước một vị thế mới trên bước đường phát triển, mở ra một thời kỳ lớn mạnh hùng cường của dân tộc trên con đường xây dựng một chế độ phong kiến tập quyền hùng mạnh để bảo vệ nền độc lập, tự chủ của Đại Việt. Thiên đô chiếu (Chiếu dời đô) được Lý Công Uẩn ban bố năm 1010, với ý nghĩa đặc biệt, đã trở thành một văn kiện chính trị, lịch sử, văn hóa quan trọng ở nước ta hàng nghìn năm qua, là một văn phẩm có ý nghĩa quan trọng trên nhiều phương diện chính trị, sử học, địa lý, văn học.
Mục đích của chiếu dời đô
Mở đầu bài Chiếu, Lý Công Uẩn đưa ra những dẫn chứng hùng hồn từ sử sách Trung Hoa cho thấy việc dời đô xưa nay không hiếm, nhưng rời đô là một việc lớn không thể chỉ làm theo lợi ích vị kỷ của mỗi cá nhân. Việc làm của các vua như Bàn Canh nhà Thương, Thành Vương nhà Chu không phải là tự theo ý riêng cá nhân mà với mục đích muốn “đóng đô ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu; trên theo mệnh trời, dưới theo ý dân, thấy thuận tiện thì thay đổi”. Nói một cách khác, việc dời đô là một việc lớn, vì lợi ích chung của cả cộng đồng, vì sự phát triển lâu dài của dân tộc, vừa hợp mệnh trời, vừa hợp lòng dân, là để xây dựng đất nước cường thịnh, đem lại hạnh phúc, thái bình cho nhân dân.
Với lý lẽ sắc bén, dẫn chứng lịch sử là sự thật hiển nhiên, giàu sức thuyết phục lòng người, Lý Công Uẩn đã tỏ ra có tầm nhìn xa trông rộng, toàn diện, sâu sắc, chính xác về các mặt vị trí địa lý, địa thế, nhân văn. Việc dời đô mang tính mạo hiểm, song với tầm nhìn chiến lược của một bậc minh quân, thấy yêu cầu củng cố sự lâu bền của một triều đại, tiền đồ của đất nước và dân tộc, do vậy ông đã kiên quyết đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích vị kỷ cá nhân. Qua những câu văn ngắn gọn của bài Chiếu, nhà vua đã nói lên nguyện vọng xây dựng một quốc gia độc lập, giàu mạnh, một vương triều bền vững, một nhà nước phong kiến tập quyền mạnh mẽ. Nguyện vọng đó của nhà vua cũng là nguyện vọng của dân tộc. Điều này đã được các quần thần khẳng định trong khi đáp lại Chiếu dời đô: “Bệ hạ vì thiên hạ mà lập kế lâu dài để trên cho cơ nghiệp to lớn được thịnh vượng, dưới cho nhân dân được giàu của, nhiều người, việc lợi như thế, ai dám không theo”.
Chủ trương dời cố đô của Lý Công Uẩn nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế của công cuộc dựng nước và phù hợp với xu thế của lịch sử, do đó, nó mang tính tất nhiên chứ không phải là một công việc giản đơn, tuỳ tiện theo sở thích chủ quan của một cá nhân nào. Bởi vậy, nhà vua đã khẳng định: “Phải đâu các vua thời Tam Đại theo ý riêng mình mà tự tiện chuyển dời”. Cuốn Lịch sử Việt Nam của Viện Sử học đã viết: “Việc dời đô về Thăng Long phản ánh yêu cầu phát triển mới của quốc gia phong kiến tập quyền và chứng tỏ khả năng, lòng tin và quyết tâm của cả dân tộc giữ vững nền độc lập”.
Để chứng minh thành Đại La (tức Thăng Long) xứng đáng là kinh đô của cả nước, Lý Công Uẩn đã chỉ ra rằng Đại La có địa thế rất thuận lợi, rất đẹp để đóng đô: “Thành Đại La… ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn, hổ ngồi, chính giữa nam, bắc, đông, tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tốt tươi, phồn thịnh”[1].
Thiên đô chiếu tức Chiếu dời đô là một đoạn văn được Ngô Sĩ Liên ghi lại sớm nhất ở thế kỷ XV trong sách Đại Việt sử ký toàn thư , bài văn này được cho rằng do vua Lý Thái Tổ ban hành vào mùa xuân năm 1010 để chuyển kinh đô của nước Đại Cồ Việt từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra thành Đại La (Hà Nội). Theo ý kiến GS Trần Quốc Vượng, Chiếu dời đô đã khẳng định được vai trò của kinh đô Thăng Long, là tác phẩm khai sáng văn học triều Lý. Tuy nhiên, chiếu dời đô chưa nêu bật được tinh thần dân tộc và khát vọng độc lập, hơn nữa ngôn ngữ sử dụng trong văn bản này mang đượm màu sắc dị đoan, phong thủy.
Đây mới đúng!!!~~~~~~