Rạng sáng ngày 26-12-1991, trước sự chứng kiến của hàng nghìn người, lá cờ Liên bang Nga được kéo lên nóc điện Krem-li, đánh dấu sự bắt đầu của nước Nga thời hậu Xô-viết. Liên bang Nga, quốc gia kế tục của Liên Xô, chính thức ra đời và trải qua nhiều biến động về chính trị, kinh tế.
Vậy tình hình chính trị, kinh tế Liên bang Nga từ năm 1991 đến nay như thế nào?
a. Tình hình chính trị:
- Chính trị trong nước: Sau cuộc xung đột quyền lực giữa Tổng thống và Nghị viện (diễn ra từ tháng 9 đến đến tháng 10-1993), Hiến pháp Liên bang Nga được thông qua theo hình thức trưng cầu dân ý. Nga xây dựng nhà nước Liên bang theo thể chế cộng hoà. Hai đợt sửa đổi Hiến pháp năm 2008 và năm 2020 đã tăng thêm quyền hạn cho Quốc hội và Tổng thống.
- Đối ngoại:
+ Giai đoạn 1991 – 1999: Thực hiện chính sách ngoại giao thân phương Tây (1991 - 1993), từ năm 1994 chuyển sang "cân bằng Á – Âu", xây dựng vành đai láng giềng thân thiện", chú trọng ngoại giao với các nước trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG)
+ Giai đoạn 2000 – nay: Phát triển quan hệ đa phương, đặc biệt chú trọng quan hệ với các nước SNG; khôi phục vị thế nước lớn của Liên bang Nga trên trường quốc tế; đối trọng với Mỹ và các nước phương Tây....
b. Tình hình kinh tế:
- Giai đoạn 1991 - 1999, Liên bang Nga thực hiện chuyển đổi mô hình từ kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế thị trường tự do bằng chính sách tư nhân hoá. Trong quá trình thực hiện, kinh tế Nga rơi vào khủng hoảng, tăng trưởng âm, lạm phát phi mã, thâm hụt ngân sách trầm trọng.... Đặc biệt, năm 1992, lạm phát tăng lên 1 355%, GDP tăng trưởng âm (-14,5%).
- Từ năm 2000 đến nay, Nga thực hiện các chiến lược dài hạn nhằm xây dựng nền kinh tế thị trường, tăng cường vai trò điều tiết vĩ mô của nhà nước, thúc đẩy hội nhập với kinh tế thế giới. Nền kinh tế Nga phục hồi và GDP liên tục tăng trưởng (trừ năm 2009, 2021). Năm 2020, kinh tế Nga đứng thứ 5 châu Âu, đứng thứ 11 thế giới.