Có lẽ sẽ có rất nhiều điều để nói sau chuyến đi dã ngoại vừa rồi mà em và các bạn đã được trải qua. Nhưng khi cầm bút viết về những kỉ niệm chuyến đi ấy thì em lại thấy không một từ ngữ nào có thể diễn tả cho hết cảm xúc của các bạn. Điều duy nhất mà em và các bạn có thể cảm nhận được lúc này là những kỷ niệm đáng yêu ấy, những khoảng thời gian thật đẹp đẽ ấy, đã được chúng em cẩn thận thu lại vào chiếc hộp mang tên ký ức.
Ngay từ sáng sớm, không khí háo hức đã tràn ngập khắp sân trường. Chúng em được làm quen với những anh chị hướng dẫn viên nhiệt tình và dễ mến – những người đã hết lòng lo cho chúng em trong suốt chuyến đi. Sau ít phút ổn định và chụp những tấm hình lưu niệm, đoàn xe chuyển bánh, chúng em bắt đầu cuộc hành trình với biết bao điều lí thú. Đoàn xe đưa chúng em đi, để lại sau lưng không khí náo nhiệt của một thành phố du lịch và tất cả các bạn được đến với khung cảnh yên tĩnh của khu tưởng niệm Bác sĩ Alexandre Yersin. Khu tưởng niệm nằm trên một ngọn đồi nhỏ tại khu vực Suối Dầu huyện Diên Khánh. Ngay từ trước ngày đi, nhà trường đã tạo điều kiện tốt nhất để chúng em hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác sĩ Alexandre Yersin. Ông sinh ngày 22/9/1863 tại Thụy Sĩ nhưng ông lại coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình. Gần 50 năm sống và gắn bó với Nha Trang, ông dành trọn cả cuộc đời mình cho sự nghiệp khoa học, nghiên cứu thành công việc sản xuất thuốc chữa bệnh dịch hạch. Ông còn có nhiều đóng góp cho mảnh đất Việt Nam như một người con đang nỗ lực để xây dựng và phát triển mảnh đất mẹ thân yêu. Ông sống giản dị, gần gũi với mọi người, nên được người dân Xóm Cồn quý mến gọi ông với cái tên thân mật là ông Năm. Ngày 1/3/1943, ông mất tại Nha Trang. Theo di chúc, khi khâm liệm người ta đặt ông nằm sấp, đầu quay về biển để ông mãi mãi được ôm mảnh đất quê hương thứ hai của mình. Qua những gì được biết, em càng thêm khâm phục và biết ơn ông vì những cống hiến của ông để giúp nền y học thế giới, đặc biệt là nền y học Việt Nam được phát triển như ngày hôm nay. Đứng trước khu tưởng niệm, chúng em xếp hàng lần lượt, lên thắp nhang cho ông trong không khí trang nghiêm và sự thành kính sâu sắc.
Chia tay khu tưởng niệm bác sĩ Yersin, đoàn xe đưa chúng em đến với địa điểm thứ hai là Khu bảo tồn di tích nhà xưa ông Hai Thái. Khi đến nơi, trời cũng đã gần trưa, chúng em nhanh chóng ổn định, đi theo từng hàng vào tham quan các gian nhà cùng các hiện vật nơi đây. Ở đây, chúng em được trực tiếp nhìn thấy, được chạm vào những hiện vật mà chúng em chỉ mới được biết qua sách vở, hay chưa được nhìn thấy lần nào. Những hiện vật được trưng bày, chứng tỏ người Việt Nam ta từ xưa đến nay luôn có sự sáng tạo trong lao động để có thể tạo ra được những tuyệt tác đẹp đến như vậy. Chúng em còn được các anh chị hướng dẫn chơi các trò chơi tập thể thật vui. Tuy thua các bạn lớp khác nhưng chúng em vẫn tham gia hăng hái để chứng tỏ rằng lớp 7A chúng em không chỉ là những con gà công nghiệp, suốt ngày chỉ biết cặm cụi vào sách vở. Tại đây chúng em đã có những kỷ niệm vui bất tận, nhưng cũng có một kỷ niệm đáng nhớ nhất, đó là câu chuyện “ Mất mắt kính”. Giữa lúc các bạn đang chơi vui vẻ, có một bạn cùng lớp, ngồi buồn rầu một góc. Hỏi ra thì mới biết bạn đã làm rơi chiếc kính ở nhà banh khi vui chơi. Giờ tìm lại thật đúng là “mò kính giữa biển bóng” đúng như thầy Thiện nói, nhưng chẳng ai bảo ai, các bạn đều sắn tay áo lao vào tìm. Những giọt mồ hôi lăn dài trên má, tay chân mặt mũi thì lấm lem, nhưng ai nấy đều hăng hái, vui vẻ, cố tìm giúp bạn mình. Đối với em, đó là những thước phim thật đáng ghi, thật xúc động và thật đẹp mà không từ ngữ nào có thể diễn tả được và em đã hiểu được giá trị của tình cảm bạn bè, hiểu được sự quan tâm chia sẻ, hiểu được sức mạnh của sự đoàn kết. Thật đúng trời không phụ lòng người, sau những cố gắng tìm kiếm của các bạn, cuối cùng chúng em cũng tìm được chiếc kính thất lạc trong nhà banh. Nhìn nụ cười rạng rỡ của bạn mình khi nhận lại chiếc kính, tuy mệt nhưng ai nấy đều rất vui vì việc làm của chúng em đã đem lại niềm vui cho bạn.
Sau bữa trưa, chúng em cùng nhau vui chơi ở hồ bơi, đây là khoảng thời gian vui nhất trong suốt chuyến đi. Bao nhiêu trò chơi ngộ nghĩnh của tuổi học trò được bày ra. Nào là đá gà, nào là nhảy cầu, từng tốp còn làm đoàn tàu nối đuôi nhau chạy quanh hồ. Niềm vui cứ nối tiếp niềm vui, tiếng cười, tiếng nói làm rộn rã cả không gian vốn thường ngày yên tĩnh của khu nhà.
Qua bài viết ngắn ngủi này em không thể diễn tả được hết những cảm xúc mà mình cùng các bạn đã và đang trải qua. Những cảm xúc như vậy, chỉ có thể cảm nhận trọn vẹn nhất khi chúng ta được trải nghiệm trực tế. Chúng em là những học sinh lớp 7 – năm học cuối cấp của thời THCS đầy mộng mơ và chỉ vài tháng nữa thôi, chúng em sẽ phải chia tay nhau tạm xa mái trường Thái Nguyên thân yêu. Nhưng những chuyến tham quan, học hỏi thực tế này sẽ mãi mãi là những kỷ niệm đẹp của tuổi học trò, là những hành trang quý báu mà chúng em mang theo trong suốt cuộc hành trình, để nhắc cho chúng em nhớ rằng ở ngôi trường Thái Nguyên này, chúng em đã có những người bạn tốt, luôn bên cạnh sẻ chia, đã có các thầy cô giáo như những người cha, người mẹ luôn hết lòng chăm lo, dìu dắt chúng em. Trên hết sau chuyến đi này, chúng em càng cảm nhận rõ hơn về tình đoàn kết bền chặt, tình thầy trò keo sơn. Và cuối cùng em muốn gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất đến BGH nhà trường, các thầy cô giáo và Hội phụ huynh học sinh – những người đã không ngại gian khổ tạo điều kiện tốt nhất để chúng em có được chuyến đi dã ngoại đầy ý nghĩa này. Để rồi qua đó, điều đọng lại trong chúng em không chỉ là niềm vui của tình bạn, sự ấm áp của tình thầy trò, mà còn là những kiến thức, những bài học không có trong sách vở, mà chỉ có được trong những chuyến đi dã ngoại. Qua chuyến đi tham quan, tìm hiểu, khám phá cùng các bạn học sinh khối 7 vừa qua, đã giúp chúng em tích lũy thêm kỹ năng sống của bản thân, cách ứng xử với mọi người, cách sinh hoạt, vui chơi cùng tập thể và phần nào hiểu thêm về lịch sử, những danh lam thắng cảnh của quê hương Khánh Hòa - nơi mình sinh ra và lớn lên. Một lần nữa, em thay mặt các bạn học sinh khối 7 nói riêng, học sinh của trường THCS Thái Nguyên nói chung xin chân thành cảm ơn BGH, các thầy các cô – những người cha, người mẹ thứ hai của chúng em. Chúng em xin gửi tấm lòng tri ân tình nghĩa của mình đến BGH nhà trường và các thầy cô giáo