Ngay từ rất sớm, Đảng ta đã nhận định, mâu thuẫn Nhật - Pháp ngày càng sâu sắc và tất yếu phát-xít Nhật sẽ hất cẳng thực dân Pháp ra khỏi Đông Dương.Trước diễn biến tình hình rất mau lẹ, ngày 12-3-1945, Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Nội dung Chỉ thị thể hiện tầm nhìn chiến lược, tư duy khoa học và nghệ thuật chỉ đạo cuộc cách mạng tài tình của Đảng ta trong giai đoạn tiền khởi nghĩa; đặc biệt, là xác định đúng kẻ thù, dự báo chính xác thời cơ cách mạng, linh hoạt, sáng tạo và chuẩn bị mọi điều kiện làm tiền đề cho Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân khi thời cơ đến.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công để lại kho tàng lý luận quân sự và nghệ thuật lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Một trong những bài học đó là sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về nghệ thuật nắm và chớp thời cơ, tiến hành cách mạng, giành thắng lợi... Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” không chỉ xác định thời cơ Tổng khởi nghĩa, mà còn chỉ ra các tình thế cách mạng “có thể” tạo thành thời cơ cách mạng một cách linh hoạt, sáng tạo, vừa thể hiện khả năng tư duy chiến lược của Đảng, vừa mang giá trị lịch sử sâu sắc.
*Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” là một bài học có giá trị lịch sử to lớn thể hiện ở khả năng lãnh đạo cách mạng linh hoạt, sáng tạo và độc đáo của Đảng ta trong mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh... Khi nhân dân đã sẵn sàng hành động “giải phóng cho ta”, thì Thường vụ Trung ương Đảng kịp thời phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước mạnh mẽ, làm tiền đề cho Tổng khởi nghĩa; đổi mới hình thức tuyên truyền, cổ động cho thích hợp với thời kỳ tiền Tổng khởi nghĩa (như: Biểu tình, bãi công đơn vị, phá kho thóc của Nhật để cứu đói cho nhân dân, đẩy mạnh xây dựng đội tự vệ cứu quốc...). Tiếp đó, xác định phương châm đấu tranh, Chỉ thị nêu rõ: “Phát động đấu tranh du kích giải phóng từng vùng, mở rộng căn cứ địa ta lúc này là phát động cao trào kháng Nhật cứu nước với những hình thức, phương pháp đấu tranh từ thấp lên cao và phù hợp với giai đoạn tiền khởi nghĩa, xây dựng Mặt trận đoàn kết dân tộc - tức, Chính phủ cách mạng lâm thời...”.