Hướng dẫn soạn bài Vợ nhặt

Phạm Đức Dâng

Phân tích giá trị nhân đạo trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân ?

Đinh Tuấn Việt
8 tháng 6 2016 lúc 15:30

I. Mở bài Truyện ngắn giai đoạn 1945 – 1985 đã đạt được  những thành tựu xuất sắc, trong đó Kim Lân là gương mặt tiêu biểu, dù nhà văn sáng tác không nhiều. Theo nhà văn Bôn-đa-rép thì nghệ thuật sinh ra từ những thái cực và xung đột. Ý kiến này có thể chưa đúng trong mọi trường hợp nhưng truyện Vợ nhặt ra đời từ một thái cực của đời sống. Vợ nhặt đã ghi lại chân thực cảnh nạn đói mùa xuân năm 1945, một tai họa thảm khốc trong lịch sử của dân tộc ta. Trên cái nền tăm tối ấy, Kim Lân đã làm nổi bật phẩm chất tốt đẹp của người lao động Việt Nam. Do đó truyện vừa có giá trị hiện thực vừa có giá trị nhân đạo cao quý. II. Thân bài. 1. Giá trị hiện thực. a. Giá trị hiện thực về bức tranh nạn đói Ngay từ đầu tác phẩm, tác giả đã hắt vào truyện thứ ánh sáng của hoàng hôn xám xịt. Theo bước chân Tràng từ phố chợ đến miền quê, người chết rải rác nằm cong queo bên lề đường, người sống thì đi lại dật dờ, mặt mày xanh xám như những bóng ma, những đứa trẻ của xóm ngụ cư ngồi ủ rũ ở những xó đường không buồn nhúc nhích, không khí vấy lên mùi ẩm thối, trên cây gạo đầu làng tiếng quạ gào lên từng hồi thê thiết. Cả một vùng như biến thành bãi tha ma trong không gian đầy mùi tử thi. Mội cõi dương có hơi ám cõi âm. Thời gian và không gian nghệ thuật là một tín hiệu thẩm mĩ, nó báo rằng đó là thời điểm con người đang đứng ở ranh giới giữa ánh sáng với bóng tối, giữa trần gian với địa ngục. Cả dân tộc đang đứng trước hoàng hôn của cuộc đời, đứng mấp mé bên bờ vực thẳm. Điều đó cho thấy sự tàn phá ghê gớm của nạn đói, một hiện thực thê thảm. b. Hiện thực về thân phận người lao động - Trong hoàn cảnh ấy, thân phận con người thật là bèo bọt. Người đàn bà Tràng gặp ngoài kho thóc quần áo rách tả tơi, thân hình gầy sọp vì đói. Người đàn bà này theo không Tràng mà chẳng còn chút sĩ diện, danh dự. Đó là một sự thật, một hiện thực mỉa mai, cay đắng mà cũng đầy xót xa. Thân phận con người chẳng khác gì cỏ rác. - Mẹ con Tràng chỉ chòn cháo cám cầm hơi, nhà cửa chẳng khác gì gia cảnh của chị Dậu (Tắt đèn – Ngô Tất Tố). Họ đứng trước tương lai mờ mịt, nạn đói đang đe dọa đến sinh mạng. Đó là hiện thực về thân phận bọt bèo, hẩm hiu của người lao động trước CMT8. = > Theo bước chân Tràng, truyện mở ra một hiện thực thê thảm, một thế giới điêu tàn xác xơ vì sự phá hoại của nạn đói. Số phận cả dân tộc thật hắt hiu, buồn não. Nguyên nhân là do bọn thực dân, phát xít gây nên truyện không đề cập trực tiếp đến tội ác của chúng nhưng sức tố cáo vẫn mạnh mẽ. 2. Giá trị nhân đạo Trong cảnh bần cùng đói rách, người ta có thể sống lạnh lùng, ích kỉ thậm chí tàn nhẫn, nhưng người lao động Việt Nam vẫn sống nhân hậu, chan hòa yêu thương, vẫn ngời sáng tấm lòng nhân đạo. Từ trong tăm tối, đói nghèo vút lên ánh sáng của lương tri, của tinh thần tương thân tương ái. Đó là phần đẹp nhất, là giá trị tư tưởng chính của tác phẩm. a. Kim Lân đã hết lời ca ngợi tấm lòng tốt đẹp của mẹ con Tràng. - Nhìn bề ngoài có vẻ xấu xí nhưng Tràng có cách ứng xử rất đẹp. Khi đẩy thuê xe thóc ra kho, thấy người đàn bà đói thì Tràng cho ăn, dù anh ta chẳng có dư giả gì. Hành động có vẻ ngẫu hứng nhưng cũng thể hiện sự nhườm cơm sẻ áo. Trong nạn đói miếng ăn là cả vấn đề sinh mạng nên hành động kia là một nghĩa cử cao đẹp. Sau đó người đàn bà theo về làm vợ Tràng cũng chấp nhận, mặc dù anh ta cũng hơi sợ. Tấm lòng cưu mang này còn có một nguyên cớ thật đẹp ở bên trong: niềm khao khát tình yêu và hạnh phúc gia đình. Tâm tư, tình cảm của Tràng đặt trong tình cảnh này thật đáng quý, đáng trân trọng. Dù nghèo nhưng sống nhân ái nên Tràng đã được bù đắp. Sáng hôm sau, Tràng cảm thấy hạnh phúc thực sự. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, sự chuyển biến ý thức này có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Vì cái đói không làm người ta trở thành quay quắt mà làm thức dậy những phẩm giá tốt đẹp. - Bà cụ Tứ là người mẹ có tấm lòng thật cao cả. Việc Tràng lấy vợ làm bà ngạc nhiên đến sững sờ, nhưng nghĩ lại bà đã hiểu ra. Khi hiểu ra sự tình, lòng người mẹ nghèo cảm thấy xót xa, nghẹn ngào nước mắt. Bà thường cho số kiếp nghèo, bèo bọt, thua thiệt của con trai nên mới đi nhặt vợ… Bà tủi thân già không lo được cho con, hận mình không tròn bổn phận làm cha, làm mẹ nên con trai mới đến nông nỗi này. Thương con bao nhiêu, bà thương người bấy nhiêu. Bà nhìn người đàn bà xa lạ kia với ánh mắt ái ngại, cảm thông và ý nghĩ xuất phát từ tấm lòng bao dung, nhân hậu: Người ta có gặp bước khó khăn đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được… Thế nên cụ sẵn sàng cưu mang, chấp nhận nàng dâu mới. Nghĩ đến cảnh sống hiện tại, cụ vừa mừng vừa lo cho hạnh phúc của hai con, nhưng cụ lại tin tưởng: ai giàu ba họ, ai khó ba đời, rồi ra con cái chúng mày về sau… - Còn người vợ nhặt,bị nạn đói đập cho tơi tả, nhưng cô ta cũng cố bám víu, cố gắng vươn lên tìm lấy sự sống, khát khao được sống, được hạnh phúc. Khi trở thành người thân trong gia đình Tràng, cô ta toát ra vẻ đẹp của người vợ hiền, nàng dâu thảo. Như vậy, qua nhân vật Tràng, cụ Tứ và người vợ nhặt, Kim Lân đã ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của người lao động Việt Nam. Họ luôn sống nhân ái, giàu tình cảm, trong hoạn nạn đã nhường cơm sẻ áo, cưu mang đùm bọc nhau, trong đói nghèo vẫn luôn khao khát tình thương, mái ấm gia đình; vẫn tinh tưởng vào tương lai cuộc đời sẽ tốt đẹp. b. Khi cuộc đời của gia đình nông dân này chưa tìm được lối thoát thì Cách mạng đã đến với họ. Hình ảnh đoàn người đi trên đê Sộp với lá cờ đỏ phấp phới hiện lên trong sự tiếc rẻ của Tràng, thì chắc chắn lần sau anh sẽ đi cùng với họ. Anh sẽ hòa chung với dòng người đói khổ để mang về ánh sáng hạnh phúc nó ấm và cả một tương lai tươi đẹp. Cách kết thúc có hậu đã ngầm ca ngợi tư tưởng nhân đạo của một cách mạng. Trong tác phẩm, Kim Lân còn kín đáo bộc lộ niềm đồng cảm của mình đối với nhân vật qua cách kể chuyện, cách xây dựng hình tượng nhân vật. - Giọng kể chậm rãi, từ tốn, nhẹ nhàng, cái nhìn của người kể gần gũi, cảm thông, cách miêu tả tâm lí tinh tế, sâu sắc; chứng tỏ nhà văn đã nhập thân vào nhân vật nên mới hiểu được những ngóc ngách trong tâm tư thầm kín của họ, mới lắng nghe được khát vọng cùng bao nỗi buồn vui của mẹ con Tràng. - Tác giả xây dựng nhân vật Tràng có vẻ hoang sơ nhưng chưa phải là hoang dã, thô kệch nhưng không thô lỗ, hồn nhiên, vô tâm nhưng chưa phải ngờ nghệch. Còn người vợ nhặt có chút điêu ngoa nhưng chưa phải đanh đá, nanh nọc; có chút lẳng lơ nhưng chưa hư hỏng. Ranh giới giữa hai khái niệm trên rất mỏng, nếu ngòi bút thiếu bản lĩnh, rơi vào sa đà thì nhân vật sẽ không chiếm được cảm tình nơi người đọc. Giữ được điều ấy chứng tỏ tác giả đã có một lập trường vững vàng và xây dựng nhân vật của mình bằng cả một tấm lòng. = > Truyện lên án chế độ thực dân phát xít đã gieo rắc đau thương cho nhân dân ta; đồng cảm với cảnh đói nghèo, thân phận đáng thương; ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người lao động, tin tưởng vào phẩm giá và khả năng vươn dậy của con người… là những biểu hiện cảm động của chủ nghĩa nhân đạo. III. Kết bài Bằng tình huống truyện độc đáo, Kim Lân đã mở ra bức tranh nạn đói mùa xuân năm 1945 với cái nghèo khó, tàn tạ của một gia đình nông dân, những thân phận thấp hèn, tủi buồn, chẳng có được bao nhiêu niềm vui trong ngày cưới. Thế nhưng tác giả đã nhìn vào hiện thực ấy bằng cái nhìn yêu thương, tin tưởng nên đã thấy được vẻ đẹp tấm lòng của những mảnh đời khốn khó, thấy được sử vận động đi lên khỏe khoắn của hiện thực sẽ làm thay đổi những kiếp người trong cuộc đời cũ.
Nguồn : http://hoctotnguvan.net/gia-tri-hien-thuc-va-nhan-dao-trong-truyen-ngan-vo-nhat-cua-kim-lan-21-868.html

Bình luận (0)
Doraemon
8 tháng 6 2016 lúc 15:31

Năm 1945 đã trở thành dấu ấn lịch sử  không thể phai mờ đối với mỗi con người Việt Nam, thời điểm đó không chỉ đánh dấu sự huy hoàng  của thắng lợi Việt Nam đánh đổ phát xít, thực dân và lật đổ chế độ phong kiến 1000 năm. Đưa nước ta trở thành một nước tự do dân chủ. Đó còn là giai đoạn ghi nhận những đau thương mất mát của dân tộc ta dưới họa xâm lăng. Sự bóc lột dã man tàn bạo của bọn phát xít thực dân và bọn phong kiến tay sai đã đẩy hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói. Trong hoàn cảnh ấy nhà văn Kim Lân đã dựng lên một tình huống nhặt được vợ. Tình huống ấy vừa để tố cáo tội ác của bọn bóc lột, vừa thể hiện niềm cảm thông với nỗi đau khổ của con người, vừa bày tỏ niềm tin vào con người:” dù cuộc sống có đau khổ đến đâu, nhưng con người vẫn thể hiện niềm yêu thương đùm bọc lẫn nhau vẫn không nguôi về khát vọng hạnh phúc, vẫn hướng đến một tương lai tươi sáng”. Đó chính là giá trị nhân đạo của tác phẩm.
   

Trước hết ta phải hiểu giá trị nhân đạo là một giá trị cơ bản trong tác phẩm văn học trân chính, nó được tạo nên bởi tình yêu thương của con người, niềm cảm thông sâu sắc với nỗi khổ của con người, sự nâng niu trân trọng những nét đẹp của con người hơn thế còn là lòng tin khả năng vươn dậy của nó.
   

Tác phẩm “ vợ nhặt” đã bộ lộ được niềm xót xa thương cảm đối với cuộc sống bi đát cú người dân nghèo trong nạn đói. Nạn đói được vi như một trận đại hồng thủy có sức tàn phá dữ dội. Những dãy phố úp sụp tối om :” những người đói dật dờ đi lại như những bóng ma”, “ không khí vẩn lên mùi ẩm mốc thối của rác rưởi và mùi gây gây của xác người” và đặc biệt hơn là âm thanh của tiếng quạ gào thê thiết. Bằng những hình ảnh đau thương của nạn đói, tác giả đã tố cáo được tội ác của bọn thực dân phát xít cùng bọn phong khiến tay sai. Chúng đã dồn người dân đến mức đường cùng của cuộc sống, làm cho bao người chết trong cảnh đói rách..
     

Tác phẩm còn đi sâu khám phá nâng niu trân trọng khát vọng sống và khát vọng hạnh phúc của con người. Tràng luôn khao khát hanh phúc, ẩn sau hình ảnh người đàn ông thô kệch chỉ biết làm lụng kia là con người cũng khao khát yêu thương. Trong hoàn cảnh kéo xe thóc mà anh vẫn buông lời trêu đùa để làm cho cuộc sống thêm tươi vui, anh đùa có ai đẩy xe cùng thì mời bữa cơm xôi giò. Tưởng chỉ là lời trêu đùa vui vơ mà có cô ra đẩy cùng, sau một hồi ăn 2 chập bánh đúc thì người đàn bà ấy theo về làm vợ. Anh cũng nghĩ đến cái đói đang khủng khiếp kia liệu mình có vượt qua được không mà còn thêm cô vợ, nhưng anh “chậc kệ”. Niềm khao khát hạnh phúc khiến anh vượt qua cái đói cái chết sắp tới. Trên đường về nhà khuôn mặt anh vui lạ thường.Thậm chí Kim Lân còn đẩy tình huống truyện đến đỉnh điểm khi miêu tả sự ngạc nhiên của Tràng. Bản thân anh cũng không ngờ rằng việc lên vợ lên chồng của mình lại dễ dàng đến thế, chỉ có bốn bát bánh đúc mà thành vợ thành chồng. Cho nên khi dẫn vợ về nhà, nhìn thất vợ giữa nhà Tràng vẫn không khỏi ngỡ ngàng. Đến bây giờ hắn còn ngờ ngợ không phải” ra hắn đã có vợ rồi đấy ư…”. Đến sáng hôm sau nhìn thấy ngôi nhà đã lâu nay đã được thu dọn sạch sẽ bởi bàn tay người vợ. Hắn không hết bàng hoàng ngạc nhiên việc hắn đã có vợ đến hôm nay hắn vẫn ngỡ ngàng như không phải. Điều đó còn được thể hiện ở ý thức bám lấy sự sống rất mạnh mẽ thể hiện ngay ở nhân vật người vợ nhặt. Chỉ có một câu tầm phơ tầm phào mà cô chấp nhận theo không người đàn ông xa lạ ấy để làm vợ, cô bỏ qua cả ý thức về danh dự và nhân phẩm của bản thân mình.
   

Không chỉ vậy mà Kim Lân còn đi sâu vào ý thức vun đắp cho cuộc sống gia đình của từng nhân vật. Với Tràng thì anh đã nhận ra được trách nhiệm và bổn phận của mình với hai người phụ nữ trong gia đình. Còn nhân vật thị thì thì hôm sau đã hoàn toàn thay đổi trở nên hiền hậu, đúng mực “ nhà cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu gọ sạch sẽ gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ địa vẫn vắt khươm, mươi niên ở góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung bành ngay lối đi đã hót sạch”. Đó là sự thay đổi ngỡ ngàng của thị và quang cảnh nhà sáng hôm sau. Còn bà cụ Tứ thì tạo thêm niềm tin cho các con về những dự định trong tương lai, việc nuôi gà, khuyên dăn con ai giàu ba họ ai khó ba đời, có ăn lên làm ra thì con cái sau này mới sung sướng. Và cuối cùng có lẽ tình thương bà dành cho đứ con trai và con dâu được thể hiện rõ nhất ở hình ảnh bát cháo cám. Người mẹ già không có gì trong hoàn cảnh này, bà lật đật chạy xuống bếp với khuôn mặt vui tươi bê nồi cháp cám lên ăn.
   

Kim Lân đã thắp lên cho gia đình bà cụ Tứ niềm tin hy vọng vào sự đổi mới.Trong bóng tối đau thương tấm lòng cao đẹp của người mẹ vẫn tỏa sáng. Dẫu biết rằng việc lấy vợ lấy chồng là việc không nên diễn ra vào lúc đói khát như lúc này nhưng bà cụ Tứ vẫn vui vẻ chấp nhận “ thôi thì các con phải duyên phải kiếp với nhau u cũng mừng lòng”. Kim Lân đã khéo tìm cho người mẹ già đau khổ ấy một câu nói ẩn chứa sự từng trải của người già, sự bao dung của người mẹ và quan niệm đẹp đẽ của người Việt Nam :”dù có đắng cay cực khổ như thế nào vẫn mừng lòng đón nhận con người, luôn luôn trân trọng con người”. Vì vậy lúc nhìn lại người vợ nhặt bà không thấy cô ta xa lạ nữa mà đã trở thành người thân thuộc:” bà lão nhìn người đàn bà lòng đầy thương  xót nó bây giờ là dâu là con trong nhà rồi”. Trái tim người mẹ mở rộng đón nhận người phụ nữ xa lạ, đón nhận người ấy là con, là người thân, là con dâu. Bà còn nuôi dưỡng niềm tin hy vọng cho những đứa con :” biết thế nào hả con? Ai giàu ba họ , ai khó ba đời. Có ra thì con cái chúng mày về sau…”. Bà an ủi con dâu :”kể có ra làm dăm ba mâm thì phải đấy, nhưng nhà mình nghèo cũng chả ai người ta chấp chi cái lúc này. Cốt làm sao chúng mày hòa thuận là u mừng rồi. Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này u thương quá”. Câu nói tân tình và bao dung của người mẹ đã làm vơi đi bao tủi cực bẽ bàng của người vợ nhặt. Chỉ một câu nói ấy thôi cũng đủ làm cho người phụ nữ Tràng nhặt về có thể ngẩng cao đầu bước vào ngôi nhà này với tư cách là một người vợ, một người con dâu. Kim Lân không đã thắp lên niềm tin bằng hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng trong suy nghĩ của Tràng và hình ảnh người dân đi phá kho thóc của Nhật.
   

Nếu như trong tác phẩm “Chí phèo”,” Lão hạc” nhân vật chính muốn giữ được nhân phẩm thì phải chết, cái chết đau đớn nhưng làm lòng họ cảm thấy thanh thản hơn. Hay chị Dậu trong “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố cùng quẫn bởi sưu cao thuế nặng phải bán sữa mình cho ông cụ già 80 tuổi và cái kết là chị chạy ra ngoài trời tối không biết sẽ ra sao…những tác phẩm viết trước cách mạng tháng 8 thường chưa tìm thấy lối thoát cho nhân vật của mình.

Không những vật Kim Lân đã thể hiện được niềm tin sâu sắc vào phẩm giá, lòng nhân hậu của con người. Nhân vật Tràng chỉ là một thanh niên làm thuê nuôi mẹ,nhưng sẵn sàng bỏ tiền cho người đàn bà xa lạ bốn bát bánh đúc. Anh độ lượng, bao dung hào phóng và rất chu đáo với mẹ già. Anh sống luôn có tình nghĩa có trách nhiệm. Niềm tin ấy còn được thể hiện ở người vợ nhặt, sự biến đổi từ khi bước vào nhà. Nếu lúc trước người đàn bà này chua chát, chỏm lỏm thì giờ lại hiền hậu cư xử đúng mực lễ phép. Lúc mới gặp bà cụ Tứ thì chào hỏi, e thẹn. Sáng hôm sau thì đảm đang dọn dẹp nhà cửa. Đặc biệt trong bữa cơm sáng, mặc dù là bát cháo cám nhưng cô vẫn và vào miệng mặc dù mắt hơi nheo, bởi cô không lỡ làm mất đi niềm vui của người mẹ già khốn khổ kia. Có lẽ thể hiện sâu sắc niềm tin vào cuộc sống phải được thông qua bà cụ Tứ. Bà hết lòng yêu thương con cháu, hết mực cảm thông với nàng dâu trong hoàn cảnh này. Không những thế bà còn trăn trở những tháng ngày tiếp theo đứa con trai và con dâu bà sẽ sống ra sao. Những vượt lên hoàn cảnh ở trước mắt bà vẫn luôn tạo niềm vui trong gia đình bằng những lời khuyên dăn.

Bằng cái nhìn mới mẻ về cuộc sống của người dân sau cách mạng tháng Tám, Kim Lân đã vẽ lên một bức tranh hiện thực về nạn đói và cái chết đầy bi thương của những năm tháng này. Qua đó thể hiện giá trị nhân đạo sâu sắc góp phần tạo nên thành công trong tác phẩm. Từ đó ta thấy được chiều sâu so với các tác phẩm văn học hiện thực trước đó

Bình luận (0)
Võ Thị Thùy Dung
8 tháng 6 2016 lúc 15:31

I.Mở bài:

-         Giới thiệu tác giả, tác phẩm,

-         Dẫn nội dung luận đề: Tác phẩm đã thể hiện rõ nét giá trị nhân đạo sâu sắc...

II. Thân bài

    1.Giải thích khái niệm giá trị nhân đạo: Gía trị nhân đạo là một giá  trị cơ bản của những tác phẩm văn học chân chính, được tạo nên bởi niềm cảm thông sâu sắc đối với nỗi đau của con người, sự nâng niu, trân trọng những nét đẹp trong tâm hồn con người và lòng tin vào khả năng vươn dậy của họ.

    2. Phân tích giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm với các biểu hiện chính:

- Tác phẩm bộc lộ niềm xót xa, thương cảm với cuộc sống bi đát của người dân nghèo trong nạn đói, qua đó tố cáo tội ác tày trời của bọn thực dân phát xít đối với nhân dân ta. (Người chết như ngả rạ, những xác người còng queo bên đường, tiếng qụa gào thê thiết, tiếng hờ khóc trong đêm, mùi xác người chết gây gây, những khuôn mặt u ám, những dáng ngồi ủ rũ….)

- Tác phẩm đi sâu khám phá và nâng niu trận trọng khát vọng hạnh phúc, khát vọng sống của con người.

    + Những khao khát hạnh phúc của Tràng (cái “tặc lưỡi” của Tràng có phần liều lĩnh khi Tràng đưa vợ về nhà…; Cảm giác “mơn man khắp da thịt”, “êm ái lơ lửngnhư người vừa ở trong giấc mơ đi ra”;  Chưa bao giờ hắn cảm thấy yêu và gắn bó với căn nhà này đến thế)

    + Ý thức bám lấy ự sống rất mạnh mẽ ở nhân vật người Vợ nhặt (Thị chấp nhận theo không Tràng về làm vợ, bỏ qua ý thức về danh dự…)

    + Niềm hi vọng về một cuộc đổi đời của các nhân vật 9hình ảnh lá cờ đoe bay vấn vương trong tâm trí Tràng)

- Tác phẩm thể hiện lòng tin sâu sắc váo phẩm giá, vào lòng nhân hậu của con người

    + Cái đẹp tiềm ẩn của Tràng đó là sự thông cảm, lòng thương người, sự hào phóng chu đáo (đãi người dàn bà lạ một chặp bốn bát bánh đúc, mua cho chị ta cái thúng con… tình nghĩa thái đọ và trách nhiệm.

    + Sự biến đổi của người vợ nhặt sau khi theo Tràng về nhà: vẻ chao, chỏng lỏn ban đầu biến mất, thay vào đó là sự hiền hậu, đúng mực, sự mau mắn trong việc làm, ý tứ trong cách cư xử…

    + Tấm lòng nhân hậu của bà cụ Tứ: Thương con rất mực, cảm thông với tình cảnh của nàng dâu, trăn trở về bổn phận làm mẹ, cố tạo niềm vui trong gia đình giữa cảnh sống thê thảm…

3. Đánh giá chung về giá trị nhân đạo của tác phẩm:

- Điểm đáng nói nhất về giá trị nhân đạo của tác phẩm này là niềm tin tưởng sâu sắc vào con người lao động, vào bản năng sống, khát vọng sống mạnh mẽ của họ.

- Tình cảm nhân đạo ở đây rõ ràng có nét mới mẻ so với tình cảm nhân đạo được thể hiện trong nhiều tác phẩm của văn học hiện thức trước Cách mạng.

III. Kết bài

- Khẳng định giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm

Bình luận (0)

Các câu hỏi tương tự
Lê Tiến Đạt
Xem chi tiết
Lê An Bình
Xem chi tiết
Nguyễn Hoàng Minh Đức
Xem chi tiết
Trương Văn Châu
Xem chi tiết
Nguyễn Thị Hồng Nhung
Xem chi tiết
Hoàng Thảo Trang
Xem chi tiết
Sách Giáo Khoa
Xem chi tiết
Sách Giáo Khoa
Xem chi tiết
Sách Giáo Khoa
Xem chi tiết