tham khảo:
Truyện “Những ngôi sao xa xôi” là một trong số những truyện ngắn đầu tay của nhà văn nữ Lê Minh Khuê. Đường Trường Sơn và những cô gái thanh niên xung phong, những anh bộ đội lái xe đã thành đề tài của nhiều tác phẩm văn học thời kì này. Nhưng “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê vẫn có nét đặc sắc riêng.
Đoạn kết truyện tả cơn mưa đá ở Trường Sơn được xem là đoạn hay nhất. Đó là đoạn thơ bằng văn xuôi vừa miêu tả chân thực cơn mưa đá vừa gợi lên vẻ đẹp tâm hồn của Phương Định – cô gái thanh niên xung phong làm nhiệm vụ phá bom. Truyện được viết vào năm 1971, giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mĩ.
Đoạn trích kể lại chuyện Nho bị thương trong lúc làm nhiệm vụ, Phương Định chăm sóc cho Nho chu đáo. Một cơn mưa đá bất ngờ ập xuống, các cô gái thanh niên xung phong hồn nhiên đón nhận. Mưa tạnh, Phương Định thả hồn mình về với góc phố nhỏ bình yên ngay trong lòng Hà Nội, cô nhớ nhà, nhớ mẹ… Nỗi nhớ thật dịu êm.
Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Phương Định trong đoạn trích qua hình cơn mưa đá bất ngờ xuất hiện, từ đó cho thấy vẻ đẹp khác ở Phương Định. Bên cạnh lòng dũng cảm, tinh thần trách nhiệm, yêu thương đồng đội, Phương Định còn là một cô gái giàu cảm xúc, tâm hồn dịu dàng, trong sáng.
Cơn mưa đá đến bất ngờ sau khi các cô gái trẻ vừa hoàn thành nhiệm vụ phá bom và một trong các cô bị thương. Vậy mà, họ đón nhận mưa đá bằng sự háo hức, hồn nhiên như trẻ thơ. Cơn mưa đá được miêu tả hết sức chân thực với hình ảnh quen thuộc: một đám mây kéo qua cửa hang. Một đám nữa bay ngày càng nhiều. Bầu trời mở rộng trước cửa hang đen đi. Cơn dông quật xuống những cành khô cháy. Lá bay loạn xạ. Cát bay lên,…
Câu văn ngắn, nhịp nhanh, nhiều động từ mạnh tạo ấn tượng một cơn mưa ào đến nhanh, bất ngờ. Nhưng đây không phải cơn mưa bình thường mà là mưa đá nên có “tiếng lanh canh”, “có cái gì sắc, xé không khí ra từng mảnh vụn”. Nhà văn miêu tả thật sinh động, chân thực cơn mưa đá giữa rừng Trường Sơn qua cách nhìn, cách cảm của nhân vật chính.
Dường như bom đạn, chiến tranh, máu đổ, hi sinh… đã lùi xa, đã biến mất. Chỉ còn có cơn mưa đá bất ngờ, khiến các cô gái thanh niên xung phong quên hết hiểm nguy, trở lại bản tính gốc của những người trẻ tuổi. Phương Định thì kêu to lên “Mưa đá! Cha mẹ ơi ! Mưa đá!”. Cô chạy ra, chạy vào “vui thích cuống cuồng”. Đến Nho đang bị thương mà cũng nhỏm dậy xòe tay ra xin mấy viên đá.
Cơn mưa gợi về miền tuổi thơ trong sáng, êm đềm; mưa đá đã đưa cô về với dòng sông kỉ niệm. Nỗi nhớ thật mông lung, góc phố nhỏ bình yên trong lòng Hà Nội. Nơi có mẹ, có hoa công viên, có con đường loang loáng nước sau cơn mưa, cô gái nhớ cả tiếng rao của bà bán xôi, nhớ những quả bóng sút vô tội vạ của những đứa trẻ và cả những ngôi sao to trên bầu trời thành phố. Mỗi chi tiết trong nỗi nhớ ấy gắn liền với những kỉ niệm thời thơ ấu thần tiên, ngọt ngào bên mẹ, bên cạnh bạn bè, những con người thân quen yêu dấu… mà cô đã tạm rời bỏ để lên đường tham gia chiến đấu. Tính đến nay đã bốn năm, góc quê ở trong tim các cô gái trẻ cứ thao thức, bồi hồi. Cái khốc liệt của bom đạn không làm tâm hồn các cô bị chai sạn, điều mà chiến tranh không thể hủy diệt được ở tuổi trẻ Việt Nam là đây.
Nhà văn Lê Minh Khuê đã rất khéo léo khi xây dựng hai không gian đối lập để rồi ở mỗi không gian trong câu chuyện kể, nhân vật lại hiện ra với những vẻ đẹp đáng quý. Ngoài mặt đường bom đạn ác liệt, khi làm nhiệm vụ, Phương Định và đồng đội rất kiên cường dũng cảm. Khi trở về hang, không gian bình yên, các cô trở lại bản tính con gái – dịu dàng, nữ tính, giàu cảm xúc, mộng mơ…
Hình ảnh những ngôi sao xuất hiện trong nỗi nhớ Phương Định “Mà tôi nhớ một cái gì đây, hình như mẹ tôi, cái cửa sổ hoặc những ngôi sao to trên bầu trời thành phố ”làm sáng thêm ý nghĩa nhan đề “Những ngôi sao xa xôi”: Vẻ đẹp tâm hồn của các cô gái thanh niên xung phong làm nhiệm vụ trinh sát mặt đường trên tuyến đường Trường Sơn thời đạn bom.