TPP viết tắt của Trans-Pacific Partnership (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương); được khởi xướng từ 2005 bởi 4 nước. Nội dung cơ bản của Hiệp định TPP với 30 chương, 9 phụ lục; Bên cạnh TPP các nước thành viên ký với nhau một số cam kết, thỏa thuận song phương.
TPP là hiệp định chất lượng cao, toàn diện thực hiện tự do hóa ở cấp độ sâu rộng, điều chỉnh nhiều vấn đề từ thương mại truyền thống (mở cửa thanh toán hàng hóa, dịch vụ, đầu tư); đến các vấn đề ít truyền thống hơn, như: mua sắm CP, doanh nghiệp nhà nước, thương mại điện tử…; và thương mại phi truyền thống, như: lao động, môi trường, chống tham nhũng trong thương mại, đầu tư…
Mức độ cam kết sâu rộng của TPP thể hiện rõ nét trong các nội dung liên quan đến thương mại hàng hóa, dệt may, thương mại điện tử, mua sắm của các cơ quan Chính phủ, DNNN, Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường…Đây là những nội dung có ảnh hưởng lớn đến quyền lợi và nghĩa vụ của Việt Nam với mức độ cao hơn, đặc thù hơn so với các FTA mà Việt Nam đã ký kết trước đây.
Tuy nhiên, sau khi nước Mỹ bầu cử Tổng thống thứ 45, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ký lệnh rút Mỹ khỏi TPP, đẩy 11 nước thành viên còn lại (trong đó có Việt Nam), sẽ phải cân nhắc, tính toán, họp bàn và thương thuyết lại một số điều khoản của TPP.
Sau những họp bàn, TPP đã có tên gọi mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Về cơ bản CPTPP vẫn giữ nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ để đảm bảo sự cân bằng trong bối cảnh mới.