1. Nguồn gốc:
- Từ liên minh chống phát xít, sau chiến tranh, hai cường quốc Liên Xô - Mĩ nhanh chóng chuyển sang thế đối đầu và đi tới tình trạng chiến tranh lạnh do:
+ Sự đối lập về mục tiêu và chiến lược giữa hai cường quốc Xô - Mĩ.
+ Nhưng cũng sau chiến tranh, Mĩ đã vươn lên thành một nước tư bản giàu mạnh nhất, vượt xa các nước tư bản khác, nắm độc quyền vũ khí nguyên tử. Mĩ tự cho mình có quyền lãnh đạo thế giới.
2. Những sự kiện dẫn tới tình trạng Chiến tranh lạnh:
Chiến tranh lạnh là chính sách thù địch, làm căng thẳng trong quan hệ giữa Mĩ, các nước phương Tây với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa.
* Phía Mĩ:
- Sự kiện được xem là khởi đầu cho chính sách chống Liên Xô là thông điệp của Tổng thống Truman ngày 12 – 3 – 1947 tại Quốc hội Mĩ. Thông điệp khẳng định sự tồn tại của Liên Xô là nguy cơ lớn đối với Mĩ và đề nghị viện trợ khẩn cấp 400 USD cho Hi Lạp và Thổ Nhĩ Kì biến hai nước này thành căn cứ tiền phương chống Liên Xô và các nước Đông Âu. Học thuyết Truman được công bố chính thức mở đầu chính sách chống Liên xô, khởi đầu chiến tranh lạnh.
- Hai là, tháng 6 – 1947, thông qua “kế hoạch Mácsan”, Mĩ viện trợ cho Tây Âu 17 tỉ USD, Mĩ giúp các nước Tây Âu khôi phục kinh tế, nhằm tập hợp các nước này vào liên minh quân sự chống Liên Xô và các nước Đông Âu. Việc thực hiện “kế hoạch Mácsan” đã tạo nên sự phân chia đối lập về chính trị và kinh tế giữa Tây Âu tư bản chủ nghĩa và Đông Âu xã hội chủ nghĩa.
- Ba là, việc thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào ngày 4/4/ 1949. Đây là liên minh quân sự lớn nhất của các nước tư bản phương Tây do Mĩ cầm đầu nhằm chống Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu.
* Phía Liên Xô: Để đối phó lại, Liên Xô và các nước Đông Âu đã:
- 1 – 1949, Liên Xô và các nước Đông Âu đã thành lập Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV) để hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau giữa các nước xã hội chủ nghĩa.
- Tháng 5 – 1955, Liên Xô và các nước Đông Âu đã thành lập Tổ chức Hiệp ước Vácsava , một liên minh chính trị - quân sự mang tính chất phòng thủ của các nước xã hội chủ nghĩa châu Âu.
- Như vậy, sự ra đời của NATO và Tổ chức Hiệp ước Vácsava đã đánh dấu sự xác lập của cục diện hai cực, hai phe. Chiến tranh lạnh bao trùm cả thế giới.
3. Xu hướng hòa hoãn Đông – Tây
- Từ đầu những năm 70 của thế kỉ XX, xu hướng hòa hoãn Đông - Tây đã xuất hiện:
+ Đầu những năm 70, hai siêu cường Xô - Mĩ đã tiến hành những cuộc gặp cấp cao mặc dù còn những diễn biến phức tạp.
+ Trên cơ sở những thoả thuận Xô – Mĩ, tháng 11 – 1972, hai nước Cộng hòa Dân chủ Đức và Cộng hòa Liên bang Đức đã kí kết tại Bon Hiệp định về những cơ sở của quan hệ giữa Đông Đức và Tây Đức. Nhờ đó, tình hình căng thẳng tại châu Âu giảm đi rõ rệt.
+ 1972, hai siêu cường Liên Xô và Mĩ đã thỏa thuận về việc hạn chế vũ khí chiến lược và kí Hiệp ước về việc hạn chế hệ thống phòng chống tên lửa (ABM), sau đó là Hiệp định hạn chế vũ khí tiến công chiến lược (SALT-1)
+ Tháng 8 - 1975, 33 nước châu Âu cùng với Mĩ và Canađa kí kết Định ước Henxinki khẳng định những nguyên tắc trong quan hệ giữa các quốc gia (như bình đẳng, chủ quyền, sự bền vững của đường biên giới, giải quyết bằng biện pháp hòa bình các cuộc tranh chấp...nhằm đảm bảo an ninh châu Âu) và tạo nên một cơ chế giải quyết các vấn đề liên quan đến hoà bình và an ninh ở châu Âu
+ Từ đầu những năm 70, hai siêu cường Xô – Mĩ đã tiến hành những cuộc gặp gỡ cấp cao với nhiều văn kiện hợp tác được kí kết: thủ tiêu các tên lửa tầm trung châu Âu, cắt giảm vũ khí chiến lược cũng như hạn chế cuộc chạy đua vũ trang giữa hai nước...
4. Chiến tranh lạnh chấm dứt
- Tháng 12 – 1989, tại cuộc gặp gỡ cấp cao không chính thức Xô - Mĩ tại đảo Manta (Địa Trung Hải) hai nhà lãnh đạo M. Goócbachốp và G. Busơ đã chính thức tuyên bố chấm dứt chiến tranh lạnh.
- Chiến tranh lạnh chấm dứt đã mở ra chiều hướng và những điều kiện để giải quyết hòa bình các vụ tranh chấp, xung đột đang diễn ra ở nhiều khu vực trên thế giới như Ápganixtan, Campuchia, Namibia…