KIẾN THỨC CƠ BẢN TIẾNG VIỆT LỚP 9 HỌC KÌ II
Khởi ngữ
Khởi ngữ là thành phần đứng trước chủ ngữ để nêu lên đề tài được nói đến trong câu.
Trước khởi ngữ thường có thể thêm các quan hệ từ: về, đối với, còn…
Vd. Học bài, anh ấy / chăm chỉ lắm.
I. Thành phần biệt lập: Là bộ phận không tham gia vào việc diễn đạt nghĩa sự việc của câu nên được gọi là thành phần biệt lập.
1. Tình thái: - Thành phần tình thái được dùng để thể hiện cách nhìn của người nói đối với sự việc được nói đến trong câu
Vd. Anh quay lại nhìn con vừa khe khẽ vừa lắc đầu cười. Có lẽ vì khổ tâm đến nỗi không khóc được, nên anh phải cười vậy thôi.
(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà)
2. Cảm thán: - Thành phần cảm thán được dùng để bộc lộ tâm lí của người nói (vui, buồn, hờn, giận, mừng, giận,yêu,ghét…)
Vd. Trời ơi! Chỉ còn có năm phút.
(Nguyễn Thành Long, Lặng lẽ Sa Pa)
3. Gọi đáp: - Thành phần gọi – đáp được dùng để tạo lập hoặc duy trì quan hệ giao tiếp Vd. Này! ông giáo ạ! Cái giống nó cũng khôn.
(Nam Cao – Lão Hạc)
4. Phụ chú: - Thành phần phụ chú được dùng để bổ sung một chi tiết cho nội dung chính của câu.
-Thành phần phụ chú thường được đặt giữa hai dấu gạch ngang, hai dấu phẩy, hai dấu ngoặc đơn hoặc giữa một dấu gạch ngang với một dấu phẩy, nhiều khi thành phần phụ chú còn được đặt sau dấu hai chấm.
Vd. Lúc đi, đứa con gái đầu lòng của anh- và cũng là đứa con duy nhất của anh, chưa đầy một tuổi
(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà)
II. Liên kết câu và liên kết đoạn văn - Các đoạn văn trong một văn bản cũng như các câu trong một đoạn văn phải liên kết chặt chẽ với nhau về nội dung và hình thức.
1.Về nội dung:
- Các đoạn văn phải phục vụ chủ đề chung của văn bản, các câu phải phục vụ chủ đề của đoạn văn (liên kết chủ đề)
- Các đoạn văn và các câu phải sắp xếp theo một trình tự hợp lí (liên kết lôgic)
2.Về hình thức: các câu và các đoạn văn có thể được liên kết với nhau bằng một sồ biện pháp chính như sau:
- Phép lặp
- Phép đồng nghĩa, trái nghĩa và liên tưởng
- Phép thế
- Phép nối
Vd. “(1)Tác phẩm văn nghệ nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. (2)Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại những cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ.(3) Anh gửi vào tác phẩm một lá thư, một lời nhắn nhủ, anh muốn đem một phần của mình góp vào đời sống chung quanh.” ( Tiếng nói của văn nghệ - Nguyễn Đình Thi)
=>Phép nối: C2-C1: (Nhưng)
=> Phép thế: C2-C1:
( Cái đã có rồi – những vật liệu mượn ở thực tại).
=> Phép thế:C3- C2: ( Anh – nghệ sĩ)
III. Nghĩa tường minh – hàm ý
1. Nghĩa tường minh:
- Là phần thông báo được diễn đạt trực tiếp bằng từ ngữ trong câu.
2.Hàm ý:
- Là phần thông báo tuy không được diễn đạt trực tiếp bằng từ ngữ trong câu nhưng có thể suy ra từ những từ ngữ ấy.
A: - Tối mai bạn đi xem phim với tôi được không?
B. - Buổi tối mình còn phải trông nhà. (không đi được)=>Hàm ý
- Ừ, được => Nghĩa tường minh.
Chúc bạn học tốt