Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, phụ nữ đã có những đóng góp, cống hiến vô cùng to lớn, góp phần xây dựng và bảo vệ non sông gấm vóc của Tổ quốc Việt Nam. Bác Hồ đã nhận xét: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ” (Hồ Chí Minh – TT, tập 6, Nxb. CTQG, HN. 2001, tr. 432).
Phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, phụ nữ Việt Nam ngày nay đang tiếp tục đóng góp quan trọng trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngay từ khi mới thành lập, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ, động viên, khuyến khích chị em phát huy truyền thống và phẩm chất tốt đẹp, đoàn kết, sáng tạo, tự tin, trung hậu, đảm đang. Ngày nay trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phụ nữ càng có nhiều cơ hội để đóng góp sức lực và trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam ngày càng được minh chứng và tỏa sáng. Họ không chỉ thực hiện tốt thiên chức làm vợ, làm mẹ mà còn hoàn thành tốt vai trò của một công dân đối với đất nước và dân tộc. Đánh giá về vai trò của phụ nữ, Nghị quyết số 11của Bộ Chính trị khóa X đã khẳng định: “Phụ nữ giữ vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của xã hội. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, qua mọi thời kỳ, phụ nữ luôn là lực lượng hùng hậu, có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng quốc gia độc lập, tự cường, đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giữ gìn nền độc lập của dân tộc”. Trải qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, phụ nữ Việt Nam luôn nêu cao phẩm chất “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, lập nên nhiều chiến công to lớn. Từ trong thực tiễn ấy phụ nữ Việt Nam đã nêu cao ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với dân tộc. Phụ nữ đã và đang đóng góp tài năng, trí tuệ của mình trong tất cả các lĩnh vực như: Kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, giáo dục, tư tưởng… trong đó việc chống giặc ngoại xâm, giữ nước nổi lên như một điểm sáng. Qua những chặng đường vô cùng oanh liệt dựng nước và giữ nước của dân tộc, người phụ nữ Việt Nam đã tỏ rõ tinh thần “Thông minh, sáng tạo, lao động cần cù, chiến đấu dũng cảm”. Những phẩm chất đạo đức tốt đẹp ấy luôn được hun đúc và không ngừng tỏa sáng. Nhà thơ Yên Lan đã viết: “Trên đất nước nghìn năm chảy máu/ Nghìn năm người con gái vẫn cầm gươm”. Biết bao thế hệ người phụ nữ Việt Nam đã trở thành những anh hùng bất khuất, khi đất nước bị xâm lăng. Hàng vạn, hàng triệu người phụ nữ Việt Nam hữu danh, hoặc vô danh, đã âm thầm cống hiến, hi sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Họ chính là những con người “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” mà không có kẻ thù nào có thể đè bẹp nổi, không sức mạnh xâm lược nào có thể bẻ gãy được. Nhưng trong cuộc sống đời thường thì rất đỗi sự bình dị và đầy lòng nhân ái, nặng ân tình và yêu thương đằm thắm. Vậy nên, cho dù trong hoàn cảnh lịch sử nào, người phụ nữ cũng là hậu phương vừa là tiền tuyến vững chắc, đóng góp tài năng và trí tuệ của mình cho đất nước. Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hiện nay người phụ nữ tiếp tục phát huy những truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam, đồng thời không ngừng trau dồi phẩm chất đạo đức, học tập và rèn luyện: “Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang”. Họ tự tạo ra bản lĩnh riêng có của mình, đó là nâng cao trí tuệ, trau dồi đạo đức nghề nghiệp, nhạy bén và năng động trên mọi lĩnh vực công tác. Cùng với vẻ đẹp đoan trang hiền thục tỏa ra từ tấm lòng nhân hậu của người phụ nữ chắc chắn họ sẽ thành công trong mọi lĩnh vực của cuộc sống và xã hội.
Những đóng góp của phụ nữ Việt Nam trong các chặng đường đã qua sẽ là hành trang và kinh nghiệm quý báu để phụ nữ Việt Nam tiếp tục đem tài năng, trí tuệ của mình góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong giai đoạn mới. Xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ khen tặng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
tham thảo nha bạn