Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, trong bài "Việt Bắc", Tố Hữu đã viết :
"Mình về thành thị xa xôi
Nhà cao còn nhớ núi đồi nữa chăng?
Phố đông còn nhớ bản làng
Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng".
(Việt Bắc - Tố Hữu)
Những lời thơ trên gợi cho em liên tưởng đến lời tâm sự của tác giả nào trong một bài thơ mà em đã học trong chương trình Ngữ Văn 9, tập 1? Em hãy chỉ ró điểm đồng điệu giữa ý thơ của Tố Hữu và lời tâm sự sâu kín của tác giả trong bài thơ em đã tìm được.
Lời thơ gợi nhớ tới bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy.
Sự đồng điệu giữa hai tác phẩm đó là đều nhắc đến đạo lý sống ân nghĩa thủy chung, uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Có điều, Tố Hữu sử dụng âm hưởng của ca dao như lời tâm tình ngọt ngào tha thiết, thể hiện sự băn khoăn trăn trở của người ở lại với người ra đi: có còn nhớ, còn lưu luyến những tình cảm trong suốt mười lăm năm kháng chiến kia không. Thông qua sự băn khoăn trăn trở ấy là lời nhắc nhở mỗi người về đạo lý sống tốt đẹp của dân tộc: ân nghĩa thủy chung.
Còn Nguyễn Duy lại sử dụng thể thơ tự do, thể hiện sự giật mình thức tỉnh lương tri của người lính đã lỡ lãng quên quá khứ, quên đi vầng trăng tình nghĩa đã gắn bó với mình từ tấm bé cho đến suốt những năm tháng kháng chiến. Sự thức tỉnh này đã nhắc nhở mỗi người đừng lãng quên quá khứ, đừng quay lưng lại với những năm gian khổ, những người đã cùng đồng hành với mình thuở hàn vi mà hãy biết trân trọng, uống nước nhớ nguồn.