Trong thời đại phát triển và bùng nổ của công nghệ thông tin thì việc đọc sách dường như đang bị giới trẻ lãng quên. Thay vào đó, khi cần tới bất kỳ một kiến thức hay thông tin nào chúng ta thường sử dụng mạng internet để tra cứu, điều đó có thực sự tốt?
Vị trí của sách và việc đọc sách trong thời buổi công nghệ thông tin
Mặc dù vài chục năm trở lại đây, sự tiến bộ vượt bậc của khoa học và kỹ thuật - nhất là kỹ thuật in ấn - đã cho phép người đọc dễ dàng tìm được những cuốn sách hay, sách đẹp, có chất lượng tốt. Nhưng ngày nay, người ta cũng đang nói tới một cuộc cách mạng về sách dưới dạng sách báo điện tử. Ở nhiều nước phát triển, người đọc hôm nay có thể ngồi tại nhà hay tại công sở, chỉ cần vào mạng internet là có thể tìm đọc những cuốn sách mình muốn, không cần phải tới thư viện. Song chính điều đó cũng hàm chứa và tiềm ẩn một nguy cơ làm thay đổi hẳn diện mạo của cuốn sách truyền thống.
Sách chỉ là những tờ giấy, trên đó bằng cách này hay cách khác, thông qua ngôn ngữ được coi là những hệ thống tín hiệu, những ý nghĩ, thông tin được truyền đạt cho một đối tượng và đối tượng ấy sẽ nhận thức được vấn đề.
Còn khi truyền một tin tức hay một thông báo bằng hình ảnh, âm thanh thì phương tiện truyền tin sẽ có ít nhiều ảnh hưởng đến bản thân nội dung thông báo đó, tùy thuộc vào các phẩm chất ưu việt của phương tiện nghe nhìn ấy. Trong trường hợp này thì cuốn sách dẫu hay và đẹp đến mấy cũng không thể sánh nổi với màn hình ti vi màu hay băng video, VCD về sự hấp dẫn.
Thêm vào đó, các phương tiện nghe nhìn (tivi, video, đài phát thanh…) ít làm tốn sức trí óc và thời gian hơn cho mọi người so với việc đọc sách báo. Và nói chung đọc sách thường phải tập trung tư tưởng, trí óc, còn thưởng thức nghệ thuật nghe nhìn, con người vẫn có thể kết hợp với những việc khác theo một hình thức và mức độ nào đó. Làm việc hay ăn uống, hai việc chính của con người, vẫn có thể phần nào kết hợp xem tivi hoặc nghe nhạc, nghe đài. Rõ ràng là so với việc đọc sách báo, phương tiện nghe nhìn có những lợi thế hơn và phù hợp, thuận tiện hơn với nhịp sống hiện đại, khi mà đối với con người hiện nay, quĩ thời gian cho việc nghỉ ngơi, giải trí sau những giờ lao động, làm việc căng thẳng còn quá ít ỏi.
Nói như vậy không có nghĩa là sách đang đánh mất dần vị trí của nó trong đời sống xã hội. Nói một cách công bằng, sách vẫn có những ưu thế tuyệt vời của nó. Bởi ngoài đặc tính vật chất, giá trị văn hóa, sách còn có những đặc tính tinh thần to lớn. Nếu những họa tiết, trang trí ở ngoài bìa mỗi cuốn sách thu hút tâm trí và sự tò mò của người đời bao nhiêu, thì cái cốt lõi nội dung tư tưởng và những kiến thức và cuốn sách đang chứa đựng bên trong mới đích thực là nguồn nam châm mạnh mẽ thu hút tâm trí của người đọc bấy nhiêu.
Dù xã hội có phát triển đến đâu thì văn hóa đọc vẫn giữ vai trò quan trọng và thực sự cần thiết đối với mỗi con người bởi văn hóa đọc gắn liền với chữ viết, qua quá trình đọc, con người sẽ suy nghĩ, phân tích, tổng hợp, tư duy, biến tri thức thành của mình và trở thành vốn kiến thức vận dụng vào cuộc sống. Trước khi có phương tiện nghe nhìn thì sách là con đường giúp con người tiếp cận thông tin, văn hóa, tri thức. Đọc sách là một trong những cách giúp chúng ta thư giãn, tích lũy kiến thức. Song một thực tế đang diễn ra hiện nay đó là bạn đọc giảm dần, nhất là lớp trẻ rất thờ ơ với văn hóa đọc sách.
Duy trì văn hóa đọc sách trong thời buổi công nghệ thông tin bùng nổ
Cần đẩy mạnh quản lý, nâng cao chất lượng công tác xuất bản Việc tuyên truyền, định hướng, rèn luyện văn hóa đọc trong nhà trường là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm đến việc hình thành thiết chế cho văn hóa đọc, đó chính là hệ thống thư viện, tạo môi trường đọc sách thoải mái, hấp dẫn bạn đọc.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện, tổ chức phục vụ phòng truy cập và khai thác thông tin, nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ trên các lĩnh vực”.
Công tác phục vụ bạn đọc cần được đẩy mạnh qua việc ngành thư viện tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức triển lãm tư liệu; đổi mới phương thức phục vụ thông qua các hình thức phục vụ ngoài thư viện như xây dựng và mở rộng các điểm luân chuyển sách báo.
Bên cạnh đó bản thân mỗi người từ học sinh bậc học mầm non cho đến người lớn tuổi phải tạo ra được thói quen yêu sách, đọc sách để văn hóa đọc đến với người đọc tự nhiên, tự nguyện, có như vậy mới tạo gốc rễ tốt cho việc phát huy trí tuệ, bổ sung vốn kiến thức và hoàn thành nhân cách của mỗi con người.