Khoản 1 và 2, Điều 32 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác. Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ.
Trong đời sống xã hội, việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của mỗi chủ sở hữu diễn ra rất đa dạng, phong phú. Một nguyên tắc quan trọng về việc thực hiện quyền sở hữu đó là chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
Nguyên tắc này đã được ghi nhận tại điều 165 Bộ luật Dân sự 2005. Trên nguyên tắc này, chủ sở hữu thực hiện các hành vi chiếm hữu, sử dụng, định đoạt các tài sản của mình để phục vụ cho nhu cầu của bản thân, trong đó bao gồm cả việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho người khác.
Quyền thừa kế là một trong những quyền cơ bản của công dân được pháp luật ghi nhận. Pháp luật bảo vệ quyền thừa kế của con người xuất phát từ quan điểm coi gia đình là tế bào của xã hội, phải đảm bảo quyền lợi chính đáng của mọi thành viên và sự ổn định của từng gia đình.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự thì cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Mọi cá nhân đều được bảo hộ quyền định đoạt đối với tài sản sau khi cá nhân đó chết thông qua việc lập di chúc, nếu không lập di chúc thì việc thừa kế được giải quyết theo pháp luật.
Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền thừa kế, không phân biệt nam, nữ, tuổi tác, thành phần, tôn giáo, địa vị chính trị xã hội…đều có quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng tài sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Pháp luật tôn trọng quyền định đoạt của người có tài sản, người hưởng tài sản nhằm củng cố, giữ vững tình thương yêu và đoàn kết trong gia đình. Nguyên tắc này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định diện và hàng thừa kế theo pháp luật dựa trên cơ sở huyết thống gần gũi, quan hệ hôn nhân, trong việc bảo vệ quyền lợi của người đã thành niên nhưng không có khả năng lao động.
Pháp luật được coi là công cụ sắc bén và hữu hiệu nhất trong việc bảo vệ quyền sở hữu, bảo đảm cho chủ sở hữu thực hiện có hiệu quả và hợp lý các quyền sử dụng, định đoạt một cách bình thường nhất. Bảo vệ quyền sở hữu chính là biện pháp tác động bằng pháp luật đối với hành vi xử sự của con người, ngăn ngừa những hành vi xâm hại đến chủ sở hữu khi người này sử dụng quyền của mình.
Bằng các quy phạm pháp luật, Nhà nước xác nhận và quy định phạm vi những quyền của một chủ sở hữu đối với tài sản của họ. Mặt khác, Nhà nước dùng pháp luật như một công cụ pháp lý để bảo vệ các quyền năng đã được pháp luật công nhận và ngăn ngừa những hành vi xâm phạm đến quyền của các chủ sở hữu.
Mọi hành vi xâm phạm của người không phải là chủ sở hữu đều bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Khi quyền sở hữu bị xâm phạm, thì người nào có hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu của một chủ thể xác định phải chịu những hậu quả pháp lý tương ứng do Bộ luật Dân sự quy định.
Việt Nam cũng sử dụng nhiều ngành luật khác nhau để bảo vệ quyền sở hữu. Tuy nhiên, mỗi ngành luật bảo vệ quyền sở hữu theo những phương pháp, cách thức phù hợp với chức năng vốn có của nó. Điển hình, ngành luật hành chính bảo vệ quyền sở hữu bằng việc quy định những thể lệ nhằm quản lý và bảo vệ tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân công dân.
Ngành luật hình sự bảo vệ quyền sở hữu bằng việc quy định một số hành vi nhất định xâm phạm đến quyền sở hữu là tội phạm và quy định mức hình phạt tương xứng với những loại hành vi phạm tội đó. Ngành luật dân sự bảo vệ quyền sở hữu bằng việc quy định những phương thức kiện dân sự trước tòa án để chủ sở hữu có thể thông qua đó mà đòi lại tài sản của mình đang bị người khác chiếm giữ bất hợp pháp…