1. Truyền thống nói lên hàng đầu của 24 đời dòng họ Nguyễn Cảnh, là tinh thần yêu nước, thà chết không chịu cảnh nước mất nhà tan. Đỉnh cao của tinh thần yêu nước, không chịu khuất phục kẻ thù được thể hiện trong mấy câu thơ của Thái phó Tấn quốc công làm cách đây 438 năm (1576) sau khi sa lưới thù, như ngọn lửa rực cháy trong huyết quản các thế hệ cháu con:
Bẩm sinh vốn cương nghị
Trọn đời rất trung trinh
Trời đất vang khí phách
Nhật nguyệt thấu chân tình
Rạng rỡ danh bất hủ
Lẫm liệt chết như sinh
Thách thức lớn nhất đối với con người là lựa chọn giữa sống và chết. Trong cuộc đấu tranh bản thân để chọn cái chết vinh quang, hay sợ cái chết để sống những tháng ngày nhục nhã, đã phân chia con người thành hai loại: anh hùng và tên đầu hàng bán nước, người có khí phách hay tên hèn nhát, vỹ nhân lịch sử hay là tên phản bội. Trước thách thức đó, Thái phó Tấn quốc công đã chọn cái chết, “Mô này chỉ một chết mà thôi”.
Khí phách cha ông để lại cho con cháu đời sau, niềm tự hào ý chí quyết chiến, quyết thắng. Đó cũng là nguồn gốc sản sinh ra hàng nghàn con cháu đã chiến đấu ngoan cường và ngã xuống vinh quang trên chiến địa, hoặc đè bẹp quân thù, dành chiến thắng vẻ vang. Trong Hoan Châu văn vật, nhà sử học Trần Thanh Tâm đã viết “ở Nghệ An để ghi nhớ công lao chính nghĩa yêu nước của Nguyễn Cảnh Mô, mà nhân dân đã lập 18 đền thờ để thờ phụng ngài”.
2. Đối với đồng bào, với làng xóm, hết lòng giúp đỡ khi hoạn nạn khó khăn. Dân tộc Việt Nam từ nghàn xưa đã có truyền thống tốt đẹp: “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”. “Một miếng khi đói, bằng một gói khi no”. Họ Nguyễn Cảnh đã có truyền thống giúp đỡ đồng bào khi hoạn nạn, khó khăn, coi như là niềm tự hào của cha ông mình.
3. Nghề làm thuốc cứu người được bắt đầu từ vị tổ thứ hai Nguyễn Cảnh Luật, từ đó con cháu kế truyền cho nhau, cho tới ngày hôm nay. Trong cuốn “thiên nam liệt truyện” cũng như trong hơn 20 cuốn gia phổ đều ghi lại câu chuyện về đạo đức của vị tổ thứ ba Nguyễn Cảnh Cảnh: Sống nghèo khổ, nhà một gian, giường một chiếc, mái dột, phên xiêu, nhưng chữa khỏi bệnh, người ta trả 100 đồng tiền thì chỉ lấy 10 đồng. Thái phó tấn quốc công, làm đến chức binh bộ thượng thư vẫn nghiên cứu sách thuốc. Còn Thiếu phó tả tư mã Nguyễn Cảnh Kiên vừa là tướng tài đánh giặc, vừa làm thuốc giúp dân, nên được người đời tặng ngài hai câu. “Thượng Y Y quốc, thứ Y Y dân, thư quận công, kỳ thứ cơ yến”. Gia phổ các chi ghi chép từ đời thứ 7 tới nay đều ghi lại rất nhiều vị tiền liệt noi gương tổ tiên, Lao động cần cù, sống thanh bạch, giúp người khi hoạn nạn, đói nghèo. Đó là niềm tự hào là di sản quý giá của dòng họ Nguyễn Cảnh.
4. Truyền thống hiếu học: Không phải ngẫu nhiên, suốt thế hệ này đến thế hệ khác, họ Nguyễn Cảnh đều có nhiều vị học rộng, đậu đạt cao, tấm gương Thái phó Tấn quốc công trong cảnh hàn vi, theo cha vừa đánh giặc vừa khẩn hoang, vừa học tập ,lên 15 tuổi đậu cử nhân. 18 tuổi làm tướng, 50 tuổi làm binh bộ thượng thư. Tuy vậy ngài không ngừng nghiên cứu nâng cao trình độ.
Lịch sử 600 năm của dòng họ Nguyễn Cảnh để lại cho con cháu mai sau, niềm tự hào chính đáng: tự hào về truyền thống cha ông mình, tự hào được làm người con xứ Nghệ, tự hào về tổ quốc anh hùng, dân tộc anh hùng. Quá khứ vạch cho ta bước đi trong hiện tại và phương hướng trong tương lai. Phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông, con cháu nguyện đem hết sức mình để xây dựng xã hội ngày càng giàu đẹp. Truyền thống đó còn đặt ra nhiệm vụ cho các bậc cha mẹ phải giáo dục rèn luyện con cháu, trở thành những tấm gương sáng lưu truyền đến mai sau. Những trang sử của dòng họ Nguyễn Cảnh tiếp theo, cha ông đã dành cho các thế hệ con cháu mai sau, sẽ không phải hổ thẹn, khi đặt bút ghi vào đây những dòng kế tiếp.