TK:
Tượng đài Bác Hồ là điểm nhấn kiến trúc nằm trong hành trình thăm quan không thể bỏ qua khi đến với Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh là điểm nhấn kiến trúc trên toàn bộ không gian rộng lớn của công trình thủy điện Hòa Bình, đồng thời Tượng đài Bác Hồ cũng tồn tại độc lập, là tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh, hoành tráng.
Tượng đài tọa lạc trên đỉnh đồi ông Tượng như tồn tại cùng không gian, trời đất, chứng kiến những nỗ lực, thành quả xây dựng quê hương của cán bộ và nhân dân trong tỉnh. Đứng ở khu vực tượng có thể nhìn ôm trọn không gian nhà máy thủy điện vào tầm mắt, thấy được lòng hồ mênh mang và dòng sông Đà êm ả như dải lụa êm đềm trôi nhẹ phía hạ lưu.
Tượng đài Bác Hồ được hoàn thành vào ngày 8/1/1997, sau đúng một năm khởi công, được khánh thành vào ngày kỷ niệm 67 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Toàn bộ có chiều cao 18 m, trong đó, phần thân Tượng Bác cao 13,5 m (tính từ chân dép cao su trở lên tới đỉnh đầu), bệ tượng (phần sóng nước mây trời) cao 4,5 m. Tượng đài Bác nặng khoảng 400 tấn, bằng chất liệu bê tông siêu cao, bê tông granít do Viện Vật liệu xây dựng nghiên cứu và thực hiện theo yêu cầu của công trình. Tượng đài được xây dựng trên đỉnh đồi ông Tượng có độ cao khoảng 186 m so với mặt nước biển.
Được gọi là đồi ông Tượng bởi nhìn từ xa, quả đồi này trông giống như một ông voi khổng lồ đang nằm phủ phục, vươn vòi xuống uống nước bên dòng sông Đà. Từ chân tượng đài lên khu vực tiền sảnh được thiết kế 79 bậc thang, tương ứng với 79 mùa xuân trong suốt cuộc đời của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc suốt một đời phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, lo cho nước, cho dân được độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.
Tác giả của Tượng đài Bác Hồ là nhà điêu khắc Nguyễn Vũ An - giảng viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Phần kiến trúc sân tượng đài do kiến trúc sư người Nga SEREBRIANSK thực hiện. Tượng đài Bác Hồ đáp ứng yêu cầu về mỹ thuật, cảnh quan, kiến trúc và giá trị văn hóa lịch nhân văn sâu sắc.
Ý tưởng kiến trúc, xây dựng Tượng đài Bác Hồ trên công trình thủy điện Hòa Bình xuất phát từ sự kiện Bác Hồ về thăm Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Trong chuyến thăm, Bác đã ghé thăm trường Thanh niên lao động XHCN, nay thuộc địa phận xã Yên Mông, thành phố Hòa Bình. Bác đến đang vào mùa nước lũ, nhân dân đã làm bè mảng lớn để đưa Bác qua sông. Đứng trên mảng, Bác chỉ tay xuống dòng sông Đà và nói: Sau này nước nhà thống nhất, chúng ta phải chinh phục dòng sông này để ngăn lũ, phục vụ lợi ích nhân dân. Chính vì vậy, kiến trúc tượng Bác với cánh tay chỉ xuống dòng sông như thể hiện tư tưởng lớn lao của Người được các tác giả gửi gắm vào tác phẩm Tượng đài Bác Hồ.
Thực hiện lời dạy của Người, bằng ý chí quyết tâm: "Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên” được sự giúp đỡ của Liên Xô, cả nước bằng tinh thần, ý chí, nghị lực cao độ, đồng lòng nỗ lực vượt qua biết bao khó khăn, hy sinh gian khổ, quyết tâm cải tạo, chinh phục dòng sông Đà hung dữ, xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình bảo đảm tiến độ và chất lượng, phục vụ, chuyển hóa sức nước vô biên thành nguồn điện năng dồi dào, phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước.