Bạn tham khảo :
Mở bài:Thế Lữ là một ngôi sao sáng nổi bậc trên bầu trời thi ca Việt Nam đầu thế kỉ XX. Tuy không trở thành một hiện tượng như Xuân Diệu hay Hàn Mặc Tử hay Chế Lan Viên nhưng ông lại là người đặt những viên gạch đầu tiên trong công cuộc xây dựng tòa lâu đài Thơ mới.
Thân bài:Nhà thơ Thế Lữ:
Xuất thân và vị trí của Thế Lữ trên văn đàn:
Thế Lữ sinh năm 1907 mất năm 1989 tại Hà Nội, tên khai sinh là Nguyễn Thứ Lễ. Ông là nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động sân khấu nổi tiếng ở Việt Nam thế kỉ XX. Thế Lữ nổi danh trên văn đàn vào những năm 1930, với những tác phẩm Thơ mới, đặc biệt là bài Nhớ rừng. Ông còn được xem là người tiên phong đi đầu trong phong trào đổi mới nền thơ ca Việt Nam đầu thế kỉ XX và là cây bút chủ chốt đặt những nền móng đầu tiên khỏi xướng của phong trào Thơ mới.
Những hoạt động chính của Thế Lữ:
Thế Lữ học chữ Nho khi lên 8 tuổi và sớm được học chữ Quốc ngữ khi lên 10. Năm 1925, ông vào học Cao đẳng Tiểu học Bonnal ở Hải Phòng, học được 3 năm thì bỏ. Những năm học Thành chung, ông chịu tác động từ tinh thần yêu nước của giới học sinh, qua báo Việt Nam hồn từ Pháp gửi về, cũng như từ những thầy giáo như Trịnh Đình Rư, Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Hữu Tảo.
Ông sớm tham gia các hoạt động nghệ thuật, trở thành nhà thơ tiêu biểu của phong trào thơ mới ngay từ buổi đầu. Thơ ông hướng đến biểu lộ tâm trạng của lớp người yêu nước nhưng chưa tìm thấy được con đường để cứu nước. Giọng thơ trong trẻo, đôi khi đượm buồn, thấm đẫm tâm trạng uẩn uất.
Từ năm 1937, hoạt động của Thế Lữ chủ yếu chuyển hướng sang biểu diễn kịch nói, trở thành diễn viên, đạo diễn, nhà viết kịch, trưởng các ban kịch Tinh Hoa, Thế Lữ, Anh Vũ, hoạt động cho đến sau Cách mạng tháng Tám. Ở thời kì này, Thế Lữ hoạt động vo cùng sôi nổi, có đóng góp rất lớn cho sự phát triển nền kịch sân khấu Việt Nam đầu thế kỉ XX.
Ngoài ra, Thế Lữ còn viết truyện ngắn, truyện trinh thám, truyện đường rừng, truyện kinh dị. Những tác phẩm của ông có cốt truyện lôi cuốn, hấp dẫn, giọng kể thâm trầm, cốt truyện đầy kịch tính gây được sự say mê trong lòng người đọc.
Khi kháng chiến nổ ra, ông hăng hái tham gia kháng chiến chống Pháp, làm kịch kháng chiến cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của nhân dân. Khi đất nước giải phóng, Thế Lữ vẫn tiếp tục cống hiến sức mình vì sự nghiệp phát triển nền văn học dân tộc. Năm 1986, ông qua đời tại Hà Nội.
Tác phẩm chính của Thế Lữ:
Sáng tác chủ đạo của Thế Lữ ở giai đoạn đầu là thi ca. Ông để lại các tập thơ nổi tiếng như: Mấy vần thơ (1935), Mấy vần thơ, tập mới (1941). Thế Lữ còn viết kịch, truyện ngắn, truyện dài. Tác phẩm kịch: Dương Quý Phi (1942), Người mù (1946), Cụ đạo sư ông (1946), Đoàn biệt động (1947), Đề Thám (1948), Đợi chờ (1949), Tin chiến thắng Nghĩa Lộ (1952). Tác phẩm truyện: Vàng và máu (1934), Bên đường thiên lôi (1936), Lê Phong phóng viên (1937), Mai Hương và Lê Phong (1937), Đòn hẹn (1937), Gói thuốc lá (1940), Gió trăng ngàn (1941), Trại Bồ Tùng Linh (1941), Thoa (truyện ngắn, 1942), Truyện tình của anh Mai (truyện vừa, 1953), Tay đại bợm (truyện ngắn, 1953). Ông còn viết lời bài hát: Xuân và tuổi trẻ (1946) phổ lời cho nhạc bởi La Hối
Thế Lữ cũng là dịch giả nhiều vở kịch của Shakespeare, Goethe, Schiller,… Dù thành công ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật, song khi nhắc đến Thế Lữ người đọc thường nhớ đến một nhà thơ tài hoa, người mở đầu cho sự cách tân trong phong trào thơ Mới ở Việt Nam đầu thế kỉ XX.
Đánh giá về Thế Lữ:
Có thể nói, Thế Lữ là một con người đa tài. Ở lĩnh vực nào ông cũng đạt được nhiều thành công. Ở ông, người ta nhân thấy một sức sáng tạo mạnh mẽ, một ý chí phi thường, một nhân cách cao đẹp. Đánh giá sự nghiệp Thế Lữ, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan đã ghi: “… công đầu trong việc xây dựng nền thơ mới. Phan Khôi, Lưu Trọng Lư chỉ là những người làm cho người ta chú ý đến Thơ mới mà thôi, còn Thế Lữ mới chính là người làm cho người ta tin cậy ở tương lai Thơ mới. Thơ ông không phải chỉ mới ở lời mà còn mới cả ở ý nữa”…
Để ghi nhận điều này, trong cuốn “Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh đã trân trọng nêu tên ông ở đầu tập sách như một nhà tiên phong. Còn Xuân Diệu ca ngợi Thế Lữ được “người đương thời ưa thích nhất giữa các nhà thơ mới khoảng 1932 – 1937”. Có lẽ, có được vinh dự đó là do bởi thơ Thế Lữ lúc nào cũng nhẹ nhàng, tinh tế; vừa như tiếng ca ở trong lòng lúc bay bổng, lúc âm thầm; lại vừa như tiếng gió thổi, tiếng sáo reo lúc xa lúc gần, có sức mê hoặc lạ thường.
Dù như thế nào, ảnh hưởng và vai trò tiên phong của Thế Lữ đối với thơ mới vẫn được công nhận. Trong quyển Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh nhận xét: “Thế Lữ như vừng sao đột hiện, ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam. Người ta không thể không nhìn nhận cái công Thế Lữ đã dựng thành nền thơ mới ở xứ này…Độ ấy thơ mới vừa ra đời, Thế Lữ như vầng sao đột hiện ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam… Thế Lữ không bàn về Thơ mới, không bênh vực thơ mới, không bút chiến, không diễn thuyết, Thế Lữ chỉ lặng lẽ, chỉ điềm nhiên bước những bước vững vàng, mà trong khoảnh khắc cả hàng ngũ thơ xưa phải tan vỡ”.
Đó cũng là đánh giá danh giá nhất dành cho một nghệ sĩ đã cống hiến hết mình vì sự nghiệp phát triển của nền văn học nước nhà.
Phong cách thơ Thế Lữ:
Thế Lữ được xem là người tiên phong đề cao cái đẹp trong nghệ thuật. Ông công khai tuyên bố làm nghệ thuật là đi tìm cái đẹp. Bởi thế, thơ ông thể hiện niềm say mê cái đẹp, đi tìm cái đẹp ở mọi nơi, ở mọi âm thanh và sắc màu. Nhiều bài thơ của ông thể hiện hình ảnh cõi tiên tuyệt sắc, hay cảnh vật trong trạng thái tràn trề vẻ đẹp. Cái đẹp trong thơ Thế Lữ là cái đẹp thoát tục, thanh cao và lý tưởng.
Thơ Thế Lữ cũng có nhiều bài nói về tình yêu, tuy nhiên tình yêu trong thơ Thế Lữ thường thiên về sự thanh cao, mộng ảo, dè dặt chứ không đắm say, cuồng nhiệt như các bài thơ tình thời kỳ sau. Ông chủ trương lấy tình yêu để tôn vinh vẻ đẹp con người, lấy khổ đau làm cảm hứng nghệ thuật. Ông tìm thấy ở đó là vẻ đẹp của niềm hi vọng mong manh, của đức hi sinh thầm kín mà vĩ đại.
Thơ Thế Lữ thể hiện cái tôi muốn thoát ly với thực tại xã hội-đó cũng là một xu hướng của các nghệ sĩ lúc bấy giờ muốn tìm một hướng vượt thoát cho tâm hồn mình. Ông tạo dựng hình ảnh một tài tử bất hòa với xã hội, chán ghét cuộc sống giả tạo, ông muốn sống nghênh ngang, cô độc và đầy kiêu hãnh.
Ông muốn dược sống tự do, thoát khỏi tù túng để đến với thế giới bao la, rộng lớn hơn. Dường như thực tại nhỏ bé không thể bao chứa nổi tâm hồn đang sôi nổi của ông. Tâm sự và khát vọng của Thế Lữ cũng là tâm sự và khát vọng của thế hệ thanh niên tri thức tiểu tư sản lúc bấy giờ đang cuộn mình tìm lấy một lối đi riêng.
Thế Lữ đã tạo nguồn cảm hứng sáng tạo cho các thế hệ kế cận. Có thể nói ông là người gây ảnh hưởng nhiều nhất đối với các nhà thơ mới tài năng sau này như Xuân Diệu, Huy Cận, Anh Thơ,…
Sau khi qua đời, Thế Lữ tiếp tục được ghi nhận như một nghệ sĩ tiên phong, đặc biệt có công lớn trong việc mở đầu phong trào Thơ mới và là “người đầu tiên đưa hoạt động nghệ thuật biểu diễn kịch nói ở nước ta trở thành chuyên nghiệp và có công xây dựng nó trở thành một nghệ thuật sân khấu hoàn chỉnh”.
Năm 2000, Thế Lữ được Nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật trong lĩnh vực sân khấu cho hai tác phẩm Cụ đạo, Sự ông và Đề Thám, hai vở kịch được ông sáng tác và biểu diễn trong những năm kháng chiến. Ông đã được dựng tượng đặt ở chính giữa Nhà truyền thống của Nhà hát Kịch Việt Nam.
Thế Lữ đã được đặt tên cho một số đường phố ở Đà Nẵng, Hải Phòng, Huế và Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều tác phẩm của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên khắp thế giới.
Kết bài:Những gì có giá trị sẽ luôn còn mãi với thời gian. Tuy ngày nay, thị hiếu tiếp nhận và ý thức nghệ thuật đã có nhiều thay đổi nhưng những bài thơ của Thế Lữ viết ở giai đoạn đầu vẫn còn làm say mê người đọc, những vở kịch của ông vẫn còn được tiếp tục dàn dựng công diễn. Thế Lữ thực sự là một nghệ sĩ đích thực, là niềm tự hào của nền thi ca dân tộc qua mọi thời đại.