Hàng ngày, bà cụ nấu nước chè tươi, ngồi nhấn nha bán dưới gốc cây mít cổ thụ đầu làng nên mọi người từ lâu đã quen gọi là quán bà cụ Mít. Cụ Mít chắc phải ngoài bảy mươi rồi. Tóc bạc trắng như cước, lưng còng gập, đi lại chậm chạp, lòng khòng. Cụ sống một mình, không chồng, con, ngay trong quán hàng nhỏ xíu của mình.
Cái Gái rất thích cõng em ra chơi nhặt lá mít làm trâu, vênh sừng nghé ọ, nhảy lò cò... Thấy quán vắng khách là nó lại sà vào lòng bà cụ Mít, nhổ tóc sâu, để được nghe cụ kể chuyện cổ tích. Gái thích nhất là truyện Tấm Cám. Nó hay ngửa cổ nhìn lên ngọn cây Mít và ước ao: Giá như cây mít này biến thành cây thị. Sẽ có một quả thị thật to, để cụ Mít đem cái bị ra, bảo:
- Thị ơi thị! Thị rơi bị bà, bà đem bà ngửi chứ bà không ăn?
Rồi sẽ có một cô Tấm từ trong quả thị chui ra và sống mãi ở đây với bà cụ Mít.
Một lần mẹ đi chợ, cái Gái lẽo đẽo cõng em theo mẹ ra tận đầu làng, cứ dặn đi dặn lại:
- U nhớ nhé! Con không ăn bánh đa đâu! U mua cho con một quả thị rõ thật to, u nhé!
Hôm ấy mẹ mua cho Gái quả thị chín vàng, tròn như cái bát. Gái thích lắm, cầm quả thị, chạy một mạch ra quán cụ Mít. Lúc ấy, cụ Mít đang lúi húi rửa chè xanh ngoài cầu ao. Cái Gái liền lẻn vào quán. Nó để quả thị lên cái đĩa gỗ trên bàn thờ rồi tong tả chạy về nhà với nỗi vui mừng, thấp thỏm, chờ mong...
Ngày nào Gái cũng ra chơi với cụ Mít để dò xem có cô Tấm nào chui ra quả thị hay không?
Cụ Mít cứ hinh hỉnh cái mũi lên mà hít hà và bảo:
- Quái lạ! Có mùi thị ở đâu thơm quá! Gái có ngửi thấy không cháu?
Gái tủm tỉm cười, vờ như không biết:
- Vâng! Đúng là có mùi thị, thơm thật!
Năm ngày sau, quả thị bị héo tóp lại, vỏ thâm xì, chảy cả nước thị ra cái đĩa gỗ. Gái vừa thất vọng vừa tiếc của, nó đành ném quả thị héo ấy ra bụi tre.
Chuyện đó, cụ Mít hoàn toàn không biết gì.
Năm ấy, cái Gái đã là học sinh lớp 10. Nó không còn tin là trong quả thị có cô Tấm nữa. Nhưng nó vẫn ước ao làm được một việc gì đó để giúp đỡ cụ Mít như tất cả mọi người trong làng này đối xử với cụ.
Mỗi ngày, cứ buổi sáng, cái Gái lại cắp rổ đi kiếm rau lợn. Hôm nào nó cũng ghé qua quán cụ Mít để bí mật làm một việc gì đó, vì cụ Mít thường đi mua chè vào buổi sáng. Cửa quán luôn chỉ khép hờ. Gái lách cửa, vào nhà, gặp việc gì làm được, là nó làm ngay. Vại nước sắp hết, nó lấy đôi thùng ra giếng gánh, đổ đầy tràn cả ra ngoài. Hôm thì nó quét lá tre, lá ổi rụng đầy vườn, vun vào gốc cho bà cụ lấy cái đun bếp.
Hôm nay, vừa lách vào nhà, Gái đã nhìn thấy ngay máy cái bát cáu đen những nhựa chè. Nó hối hả bưng ngay chén, bát ra bờ ao, lấy rơm và tro bếp đánh thật sạch cả trong lẫn ngoài, trông như mới vậy! Có sáu cái bát, nó đánh xong được năm cái. Đến cái thứ sáu, vì hơi mạnh tay, nên cái bát bị sứt một mảnh nhỏ. Gái sợ hãi luống cuống, trông ngực đánh thình thịch... Làm sao bây giờ? Chỉ tại mình cọ mạnh quá! ... nó vội dấu cái bát vỡ dưới bụi khoai nước bên bờ ao rồi đem năm cái bát kia úp trên nhà, nó lấy vôi cô' gắn mảnh bát vỡ, loay hoay mãi đến toát mồ hôi mà mảnh vỡ vẫn không chịu dính vào.
Vừa lúc đó, bà cụ Mít lọc cọc chống gậy, bưng rổ chè về.
- À, à! Bà bắt được quả tang rồi nhé! Hôm nào bà cũng nằm mơ thấy cô Tấm về làm giúp bà mà! Cháu vừa chui ở quả thị nào ra thế?
- Nhưng... nhưng cháu không ngoan đâu Cháu lỡ tay đánh vỡ bát của bà rồi!... Hu!... Hu..!
- Không sao đâu! Nín đi cháu! Cái bát ấy đã nứt sẵn rồi, vỡ là phải! Cháu không có lỗi gì đâu! Cô Tấm của bà ngoan lắm!
“Con lớn lên trong tình thương của mẹ
Nơi yêu thương tha thiết từ bao giờ”
Khi lắng nghe những câu ca trên vang vọng từ những chiếc nôi đong đưa, Bông chỉ biết khóc trong âm thầm và giấu đi những giọt nước mắt tủi hờn của mình.
Mặc dù hằng ngày, Bông vẫn nhận được sự yêu thương, đùm bọc, chở che từ bà - một người bà không cùng chung huyết thống nhưng trong em vẫn mang trong mình những mặc cảm của một đứa bé mồ côi. Bông vốn là một đứa bé bị cha mẹ ruồng bỏ. Vào một buổi sáng tinh sương, khi mở cửa hàng để chuẩn bị cho công việc mua bán trong ngày, bà lão bán nước bỗng nhìn thấy một bọc vải đặt ngay trên chiếc chõng mà các bác nông dân vẫn thường dừng chân để nghỉ ngơi, uống nước và trút hết những nỗi niềm, câu chuyện sau một ngày lao động mệt mỏi. Khi đến gần, bà lão nhìn thấy một đứa bé sơ sinh còn say giấc một cách ngon lành. Và rồi, đứa bé bỗng nhiên cất tiếng khóc oa oa. Bà lão xúc động trước tiếng khóc đó, bởi bà là một người phụ nữ bất hạnh khi không có bản năng làm mẹ, người chồng vì thế mà rời bỏ bà và tạo dựng một gia đình khác. Kể từ đó, bà lão sống trong sự lặng lẽ, cô đơn. Giây phút nhìn thấy đứa trẻ, bà đã xem nó như là một phép màu và là món quà do ông trời ban tặng, an ủi những năm tháng cô đơn lúc về già.
Thời gian cứ thế qua đi, Bông lớn lên trong sự chăm sóc ân cần, yêu thương của bà cụ một cách vô tư và hồn nhiên với sự hạnh phúc vô bờ bến. Mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng Bông vẫn lon ton giúp đỡ bà những công việc nhỏ như rót nước, mời trà các bác nông dân với thái độ ngoan ngoãn, lễ phép. Khi Bông lớn lên cũng là lúc tấm lưng của bà còng hơn, mái tóc bạc hơn xưa rất nhiều.
Nhưng rồi, đến tuổi đi học, Bông thường xuyên bị bạn bè trêu chọc và bị cô lập bởi em là một đứa bé không cha, không mẹ. Kể từ lúc biết về sự thật về bản thân, cô bé thường khóc lặng lẽ khóc một mình. Rồi đến một ngày trái gió trở trời, bà cụ bỗng nhiên ốm nặng. Vì lo lắng cho bà, Bông đã trốn học và ngồi ngoài hiên, lúc bà cụ thiếp đi, Bông lại vào nhà dọn dẹp và nấu cháo cho bà nhanh khỏi ốm. Nhưng vì sợ bà không đồng ý với việc tự mình nghỉ học, Bông chỉ lặng lẽ, âm thầm tiến hành những công việc đó. Ngày ngày, sau khi tỉnh giấc, bà lão đều nhìn thấy một bát cháo bốc khói nghi ngút ngay cạnh chiếc bàn tre kê ở đầu giường. Lấy làm lạ vì điều này, bà lão đã quyết định tìm hiểu sự tình. Khi nhìn thấy đứa cháu gái bé bỏng của mình đang loay hoay bên chiếc bếp lửa để nấu cháo, bà vô cùng xúc động và ôm chầm lấy Bông:
- Nhờ có những bát cháo nóng hổi của Bống, bà đã khỏi ốm rồi. Nhưng sao giờ này cháu vẫn chưa đi học.
Nhìn thấy bà đã hoàn toàn tỉnh táo, bao nhiêu nỗi buồn và tủi hờn bị kìm nén bao lâu bỗng tuôn trào thành những giọt nước mắt:
- Bà ơi! Cháu không muốn đi học nữa đâu, cháu không muốn tới trường nữa! Cháu chỉ muốn ở nhà, bà cho cháu ở nhà với bà mãi, bà nhé!
Vẻ mặt bà ánh lên vẻ buồn rầu:
- Có phải vì bà ốm yếu nên cháu muốn nghỉ học hay không? Như vậy là cháu không ngoan, như vậy bà buồn lắm.
Bông òa khóc nức nở:
- Bà ơi! Ở lớp các bạn không ai chơi với cháu, ai cũng bảo cháu là đứa trẻ mồ côi, không cha không mẹ, lớn lên cũng trở thành người vô dụng vì không ai cần đến cháu cả.
Bà lão xúc động, hóa ra bấy lâu nay, tâm hồn mong manh, ngây thơ của cô bé đã vô tình bị tổn thương:
- Cháu ngoan của bà! Cháu là một cô bé ngoan ngoãn, lễ phép. Ai nói không ai cần cháu? Bà ngày ngày vẫn cần cháu ở bên cạnh, rồi khi học hành chăm chỉ, cháu sẽ trở thành một người hữu ích cho xã hội và nhận được sự tôn trọng từ người khác. Cháu xuất hiện trong cuộc đời bà như một phép màu. Đối với bà, cháu là cô Tấm hiền lành, ngoan ngoãn, tốt bụng, lễ phép. Và bây giờ, bà muốn cháu nỗ lực, cố gắng học tập để trở thành cô Tấm trong lòng mọi người.
Bông ôm chầm lấy bà, những giọt nước mắt vẫn lã chã rơi và tự hứa sẽ không bao giờ nghỉ học nữa. Từ đó, sức khỏe bà lão cũng yếu dần. Để có tiền đi học, Bông đã cố gắng giúp đỡ bà những công việc buôn bán hằng ngày, đồng thời khi lớn lên, cô bé cũng xin đi làm thêm để duy trì việc học.
“Thời gian thấm thoắt qua đi”, ít ai có thể ngờ rằng, đứa bé mồ côi bị bỏ rơi, cô cháu gái bé bỏng ngày nào của bà lão bán nước đã trở thành một bác sĩ nổi tiếng bằng hành trình vượt khó, vượt lên những mặc cảm của bản thân. Chỉ có một điều duy nhất không bao giờ thay đổi, đó là tình cảm, lòng hiếu thuận dành cho bà. Hằng ngày, Bông đều chăm sóc bà rất chu đáo và bà lão luôn tự hào về cô cháu gái. Trước sự nỗ lực của Bông và cuộc sống đầm ấm của hai bà cháu, người dân trong vùng đều cảm phục và truyền tai nhau về câu chuyện về Bông - một cô Tấm thời hiện đại đã xây nên một câu chuyện cổ tích giữa đời thực về hành trình bước tới hạnh phúc.