Văn mẫu lớp 7

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
Harry Huan

"Hãy tưởng tượng bạn là cố vấn cho Tổng THư kí mới của Liên hợp quốc: vấn đề toàn cầu nào bạn sẽ giúp ông ấy xử lí trước tiên và cách giải quyết vấn đề đó như thế nào "

Phạm Khánh Linh
19 tháng 1 2017 lúc 9:18

Thưa ngài António Guterres - Tổng thư ký Liên Hợp Quốc!

Trước hết, tôi xin chúc mừng ngài đã chính thức nhậm chức TTK Liên Hợp Quốc. Đây quả là một chức vụ vinh quang nhưng cũng đầy nặng trách nhiệm và ưu tư.

Là một cố vấn bên cạnh ngài, tôi hiểu ngài muốn bắt tay ngay lập tức vào việc giải quyết các vấn đề nóng của thế giới mà LHQ có trách nhiệm.

Thưa ngài Antonio Guterres,

Trong 10 năm ngài giữ vai trò người phụ trách Cao ủy LHQ về người tị nạn, tôi biết ngài đã có những nỗ lực không mệt mỏi để giúp đỡ những người phải rời bỏ nhà cửa để chạy trốn xung đột, nghèo đói và thiên tai. Ngài vẫn cho rằng nghèo đói là vấn nạn lớn nhất của thế giới hiện nay và phải giải quyết nó cho triệt để thì mới có cơ sở để giải quyết nhiều vấn đề khác.

Năm 2015, sau khi Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ hết hạn, chúng ta đã đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) giai đoạn từ nay đến 2030, trong đó hai mục tiêu quan trọng nhất được đề cập đến chính là xóa nghèo, xóa đói.

Hiện nay trên thế giới vẫn còn có 836 triệu người sống ở mức nghèo. Cứ 5 người có 1 người sống với dưới 1,25 USD/ngày. Bên cạnh đó, hiện cứ 9 người thì có 1 người không có đủ thức ăn. Mục tiêu của chúng ta đặt ra là đến năm 2030 sẽ xóa nghèo cho tất cả mọi người ở mọi nơi; xóa đói và đảm bảo tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo và những người dễ bị tổn thương, bao gồm cả trẻ sơ sinh, được tiếp cận với nguồn thức ăn đầy đủ, dinh dưỡng và an toàn trong cả năm.

Hiện nay trên thế giới vẫn còn có 836 triệu người sống ở mức nghèo. Cứ 5 người có 1 người sống với dưới 1,25 USD/ngày. Bên cạnh đó, hiện cứ 9 người thì có 1 người không có đủ thức ăn. Mục tiêu của chúng ta đặt ra là đến năm 2030 sẽ xóa nghèo cho tất cả mọi người ở mọi nơi; xóa đói và đảm bảo tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo và những người dễ bị tổn thương, bao gồm cả trẻ sơ sinh, được tiếp cận với nguồn thức ăn đầy đủ, dinh dưỡng và an toàn trong cả năm.

Xóa đói giảm nghèo rõ ràng là mục tiêu bao trùm của SDGs bên cạnh các mục tiêu về giáo dục, bình đẳng giới, bảo vệ môi trường…

Thưa ngài,

Hiện nay tình trạng đói nghèo đặc biệt cao ở hai khu vực là châu Á và châu Phi. Đây là những khu vực có nền kinh tế kém phát triển, khí hậu khắc nghiệt, thiên tai nhiều, và có lịch sử phải trải qua nhiều biến động, chiến tranh.... Để tiến tới xóa đói, giảm nghèo ở các khu vực này, mà trước hết là tình trạng đói nghèo cùng cực, tôi cho rằng việc đầu tiên là phải phát huy được tối đa các nguồn lực tại chỗ, để mỗi người dân là một đại sứ trong công tác xóa đói giảm nghèo.

Ở Việt Nam - đất nước tôi, nhiều năm qua, chính phủ đã không ngừng nỗ lực giảm tỉ lệ đói nghèo trong nhân dân. Theo tiêu chí cũ, từ 1993, Việt Nam còn 58% hộ nghèo thì đến 2015, giảm còn 4,45%, nếu theo chuẩn nghèo đa chiều tỷ lệ này tương đương với 9,92%. Việt Nam đã về đích trước mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ trong bối cảnh toàn thế giới hiện vẫn còn trên 1 tỷ người nghèo, chủ yếu là ở vùng nông thôn.

Ở Việt Nam - đất nước tôi, nhiều năm qua, chính phủ đã không ngừng nỗ lực giảm tỉ lệ đói nghèo trong nhân dân. Theo tiêu chí cũ, từ 1993, Việt Nam còn 58% hộ nghèo thì đến 2015, giảm còn 4,45%, nếu theo chuẩn nghèo đa chiều tỷ lệ này tương đương với 9,92%. Việt Nam đã về đích trước mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ trong bối cảnh toàn thế giới hiện vẫn còn trên 1 tỷ người nghèo, chủ yếu là ở vùng nông thôn.

Những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam là không thể phủ nhận khi chủ động đưa vấn đề xóa đói giảm nghèo vào các chính sách của Nhà nước, đồng thời vận động, tạo điều kiện cho mọi tổ chức, tầng lớp nhân dân cùng tham gia. Song, ở đất nước Việt Nam cũng tồn tại những mô hình hỗ trợ đói nghèo cực kỳ thú vị và hữu ích, mà tôi xin được chia sẻ với ngài dưới đây.

Cuối năm 2011 - 1 nhà báo của Việt Nam - ông Trần Đăng Tuấn có thành lập một dự án nhỏ để giúp các em học sinh ở một vùng dân tộc có thêm những bữa ăn có thịt. Dự án này đã lớn mạnh nhanh chóng ngoài dự kiến ban đầu của những người khởi xướng và Quỹ trò nghèo vùng cao với chương trình trọng tâm "Cơm có thịt" đã ra đời!

Quỹ này hoạt động với lời kêu gọi đơn giản "Chương trình "CƠM CÓ THỊT" - Để nhiều em bé được ăn cơm ngon hơn, mặc áo ấm hơn… cần nhiều người chung tay, mỗi người một chút, ít thôi nhưng đều đặn!" Quỹ sẽ hỗ trợ tiền để bổ sung dinh dưỡng cho bữa ăn tại lớp tại các trường vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Khởi điểm ban đầu là mang đến cho các em nhỏ vùng khó khăn những bữa cơm có đủ dinh dưỡng - xóa đói, quỹ đã dần tiến tới hỗ trợ xây dựng phòng học, ký túc xá, bếp ăn, đồ dùng, vật dụng học tập cần thiết cho học sinh, các phương tiện nâng cao đời sống tinh thần của học sinh, giáo viên vùng cao.

Thưa ngài, chỉ 4 năm sau khi ra đời, chương trình Cơm có thịt đã góp phần xóa đói thiết thực cho hàng ngàn học sinh nghèo trên khắp Việt Nam. Số tiền quyên góp cho dự án đã lên tới vài triệu USD. Đặc biệt, đây là một dự án có sức lan tỏa lớn. Từ Việt Nam, Cơm có thịt đã có mặt tại Australia, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc...và nhiều đất nước khác. Với tiêu chí hoạt động công khai tài chính, tôi tin rằng Cơm có thịt sẽ còn tiếp tục lan tỏa và thực hiện tốt vai trò của mình.

Hàng năm, Liên Hợp Quốc vẫn có các chương trình cứu đói cho nạn nhân ở nhiều vùng quốc gia, lãnh thổ khó khăn. Liên Hợp Quốc cũng có nhiều hoạt động, ký kết, thỏa thuận với các quốc gia để cùng nhau bắt tay xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên theo tôi, chúng ta cần có thêm các chương trình tuyên truyền, vận động mạnh mẽ hơn nữa; với những chiến dịch hỗ trợ thực sự hữu ích tăng cường khả năng hỗ trợ tự xóa đói giảm nghèo ở từng địa phương, quốc gia. Tôi cho rằng nếu chúng ta thực sự sâu sát, không ngần ngại sát cánh bên các dự án đang đạt hiệu quả cao hoặc sắp được triển khai mà xác suất thành công lớn ngay tại các địa phương thì kết quả chúng ta mong muốn cũng sẽ gần hơn.

Khó khăn của mỗi nơi thì chính nội tại sẽ là hiểu rõ nhất. Như ông Trần Đăng Tuấn vì đến tận nơi mà biết rõ lũ trẻ nghèo vùng cao cần nhất thịt và gạo để bữa cơm đủ no, đủ dinh dưỡng. Các nạn nhân đói nghèo ở Ấn Độ có thể cần hỗ trợ để có việc làm; các nạn nhân tại một số nước châu Phi có thể lại cần nước nhất. Một cách tiếp cận đa chiều và cần thật sâu sát, với những nghiên cứu và định hướng chiến lược nhằm tăng cường năng lực ở cấp địa phương, coi đây là những nhân tố chính trong các chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững của mỗi quốc gia là rất cần thiết.

Chúng ta cũng nên hỗ trợ Chính phủ các nước đo lường các kết quả đạt được; dùng những ảnh hưởng đặc biệt của Liên Hợp Quốc để hỗ trợ những chương trình đang có tác động tốt tới việc xóa đói giảm nghèo, cải thiện các chỉ tiêu phát triển con người; nghiên cứu khả năng nhân rộng ở những khu vực phù hợp.

Tôi hy vọng rằng, đói nghèo cùng cực sẽ chấm dứt. Tỉ lệ đói nghèo sẽ giảm dần không chỉ ở đất nước tôi mà còn ở nhiều quốc gia khu vực kém phát triển khác trên thế giới; tiến tới một thế giới bình đẳng hơn, các quyền con người được đảm bảo hơn, mỗi cá nhân sẽ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; và chúng ta sẽ có một thế giới hòa bình, an lành hơn!

Chúc ngài sức khỏe

Ánh Dương Hoàng Vũ
24 tháng 1 2017 lúc 12:02

Kính thưa Tổng thư ký LHQ ngài António Guterres.

Góp phần tìm ra những giải pháp vượt qua những thách thức mới, Hội nghị chính sách thế giới hồi giữa tháng 10 vừa qua tại TP Ma-ra-kếch của Ma-rốc đã đưa ra một nhận thức chung cho rằng, cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế phát sinh từ các nước phát triển, song các nước đang phát triển chịu hậu quả nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng và được coi là đầu tàu vượt bão tài chính thế giới. Tuy nhiên, các nước đang phát triển chưa có được tiếng nói xứng đáng trong việc hoạch định chính sách kinh tế toàn cầu. Bài học rút ra từ khủng hoảng là quản lý kinh tế toàn cầu không thể bỏ qua những đối tượng dễ bị tổn thương nhất hoặc thiệt thòi nhất trong xã hội, vì đẩy hết gánh nặng cho những người hầu như không chịu trách nhiệm về các cuộc khủng hoảng tài chính là điều không thể chấp nhận được.

Tôi cho rằng, cộng đồng quốc tế cần tập trung nguồn lực, phối hợp hành động giải quyết ba vấn đề lớn của thế giới hiện nay, gồm hỗ trợ những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, chống biến đổi khí hậu và tăng cường quản trị toàn cầu. Các nước đang phát triển và chậm phát triển là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề bởi những biến động xấu trên thế giới. Hai khối các nước phát triển và các nước đang phát triển cần tập trung nỗ lực vượt qua những thách thức từ biến đổi khí hậu. Vì vậy, các nước phải giảm 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào thời điểm này và biến đổi khí hậu phải trở thành phần thiết yếu trong chương trình phát triển bền vững. Báo cáo của LHQ vừa công bố cho biết, trong chín tháng qua, các thảm họa thiên nhiên trên thế giới như động đất, bão, lũ lụt và lở đất... đã ảnh hưởng cuộc sống của 256 triệu người trên toàn cầu, cướp đi sinh mạng của hơn 236 nghìn người và gây thiệt hại vật chất ước tính 81 tỷ USD. Ðại hội đồng LHQ khóa 65 đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia tăng cường hợp lực, cùng nhau đối phó những thách thức đối với loài người. Hiện nay, nhu cầu quản trị toàn cầu cần được tăng cường để đối phó với những thách thức của thế kỷ mới, trong đó có công nghệ sinh học, hoạt động tội phạm có tổ chức, chủ nghĩa khủng bố và những vấn đề liên quan tới dòng người nhập cư vì nhiều lý do. Nguy cơ các tổ chức khủng bố sở hữu nguyên liệu hạt nhân đang đặt thế giới trước nhiệm vụ khẩn cấp mới trong chương trình an ninh hạt nhân toàn cầu. Quản trị toàn cầu là vấn đề quá lớn và quá quan trọng mà một nhóm nước hoặc một tổ chức không thể đảm đương nổi.

Cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu trong hai năm qua đã xóa đi thành tựu kinh tế đạt được trong hai mươi năm qua. Thống kê của LHQ cho thấy có khoảng 40 triệu người trở lại cảnh đói nghèo, bao gồm cả những người ở các nước phát triển. Tình trạng thất nghiệp gia tăng nảy sinh những vấn đề xã hội khác. Chính phủ nhiều nước châu Âu phải áp dụng các biện pháp khắc khổ và cắt giảm các khoản chi tiêu xã hội. LHQ đã kêu gọi các nước tập trung giải quyết tình trạng thất nghiệp cao trong thanh niên, coi đây là giải pháp hiệu quả nhất để xóa giảm đói nghèo trên toàn cầu. Số liệu thống kê năm 2009 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết, trong số 212 triệu người thất nghiệp trên thế giới, có khoảng 81 triệu người là thanh niên và đây là tỷ lệ cao nhất trong lịch sử. Số người thất nghiệp trong năm 2009 tăng 0,9% so với năm 2007, trong khi tỷ lệ này ở nhóm thanh niên là 1,6%. Số lực lượng lao động là thanh niên thất nghiệp cao gấp ba lần so với lực lượng lao động thuộc các lứa tuổi khác, trong khi hơn 50% số dân ở độ tuổi lao động trên thế giới đang đối mặt với nguy cơ cao mất việc làm. Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO), I-ri-na Bô-cô-va cho rằng, cuộc chiến xóa giảm đói nghèo cần gắn với sự đáp ứng những nhu cầu cơ bản của con người, trong đó có giáo dục, y tế, chỗ ở, lương thực,... cũng như cơ hội việc làm tốt. Bà nêu rõ giáo dục đóng vai trò trung tâm để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và mang lại việc làm tốt cho mỗi cá nhân. Vì thế, đầu tư cho giáo dục và đào tạo là chìa khóa để xóa giảm đói nghèo.

Trong báo cáo hằng năm về hiện trạng đói nghèo ở nông thôn, LHQ nêu rõ, nạn đói nghèo ở nông thôn đang là thách thức lớn đối với tiến trình thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về xóa đói nghèo trên toàn cầu. Thanh niên và trẻ em là các nhóm dân cư lớn nhất trong cộng đồng người nghèo ở nông thôn hiện nay. Vì vậy, tạo các cơ hội mới và tốt hơn để thanh niên và trẻ em nông thôn thoát khỏi đói nghèo là nhiệm vụ cấp thiết và cũng là thách thức không chỉ đối với các nước mà cả cộng đồng thế giới. LHQ khuyến cáo các nước cần mở rộng các cơ hội về giáo dục, đặc biệt là kỹ năng nghề nghiệp cần thiết để tạo điều kiện cho thanh thiếu niên nông thôn vượt qua đói nghèo. Thách thức toàn cầu trong tương lai gần là thế giới cần sản xuất đủ lương thực để nuôi sống chín tỷ người trên Trái đất vào năm 2050. Theo Báo cáo, để đáp ứng nhu cầu này, sản xuất lương thực toàn cầu phải tăng thêm 70% và sản lượng lương thực của các nước đang phát triển phải tăng gấp hai lần. Sản lượng nông nghiệp của nông dân sản xuất nhỏ phải được coi trọng và sẽ đóng vai trò tích cực và hiệu quả hơn ở các nước đang phát triển. Các nước cũng cần nỗ lực lớn hơn và hiệu quả hơn để xử lý những lo ngại về khả năng người nghèo ở nông thôn trở thành người mua lương thực.

Để giảm nghèo bền vững ở nông thôn cần tạo ra môi trường chính sách hỗ trợ người nghèo. Các chính sách đối với nông thôn cần chú ý phân bổ nguồn lực lớn hơn cho phát triển nông thôn và chú trọng đến sự tiến bộ của phụ nữ vì đây là điều kiện tiên quyết cho mọi phát triển. Theo đó cần bảo đảm bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, giúp họ có quyền tiếp cận lớn hơn các tài sản, dịch vụ, nguồn lực, kể cả quyền quyết định chính sách phát triển ở nông thôn. Với nhiều sự kiện diễn ra, cục diện chính trị - quân sự thế giới năm 2016 có những biến chuyển lớn, thay đổi cơ bản, nhanh chóng. Trong đó, trật tự thế giới đa cực được thể hiện ngày càng rõ cùng vai trò nổi lên của nhiều nước. Đây sẽ là tiền đề quan trọng, tác động tới cục diện quốc tế năm 2017 với cả hai gam màu “sáng - tối”.

Tôi mong Tổng thư ký LHQ ngài António Guterres sẽ nhìn nhận và xem xét những ý kiến của tôi đã phân tích những mặt nổi cộm của thế giới gần đây, chúng ta cần giải quyết những vấn đề này trong những hướng tích cực nhất như tôi đã nêu.

Ánh Dương

Việt Nam, ngày 24 tháng 1 năm 2017

Trần Nguyễn Bảo Quyên
24 tháng 1 2017 lúc 12:09

Kính thưa Tổng thư ký LHQ Ngài Antonio Guterres!

Có lẽ Ngài cũng biết, khủng bố hiện nằm trong những mối đe dọa hàng đầu của nhân loại. Hiện nay, chủ nghĩa khủng bố đang lan rộng về quy mô và dưới rất nhiều hình thức.

Nói đến khủng bố người ta hay nghĩ tới tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhiều người cho rằng đây là nhóm khủng bố khủng khiếp nhất thế giới. Tuy nhiên, một thống kê mới đây cho thấy phiến quân Boko Haram ở Nigeria mới là nhóm sát hại nhiều người nhất thế giới.

Theo báo cáo Chỉ số Khủng bố toàn cầu do Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP) tại New York công bố ngày 18/11, Boko Haram, nhóm Hồi giáo cực đoan ở miền Bắc Nigeria, đã giết hại 6.644 người trong năm 2014, nhiều hơn so với con số 6.073 người chết dưới tay IS. Con số này đã tăng 317% so với năm ngoái. Nhóm này đã thu hút được sự chú ý lớn từ quốc tế thông qua những chiến dịch tấn công trường học, bắt cóc hàng trăm bé gái.
Rồi câu chuyện về đất nước Iraq tiếp tục là quốc gia bị khủng bố nặng nề nhất, với 9.929 người bị sát hại năm 2015. Đây là con số thiệt mạng do khủng bố cao nhất tại một quốc gia.

Vì sao khủng bố lại lan nhanh và khủng khiếp tới thế? Thưa Ngài Antonio Guterres, chính bạo lực và xung đột chính trị là hai nguồn gốc căn bản dẫn đến khủng bố. Bên cạnh đó, các yếu tố kinh tế - xã hội cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn tới khủng bố tại các nước phát triển. Sự thiếu gắn kết xã hội là một nhân tố quan trọng, đang còn thiếu, dẫn đến khủng bố.

Chủ nghĩa khủng bố phát triển, khiến nó trở thành nỗi ám ảnh của cả thế giới, đe dọa an ninh, kinh tế và sự phát triển của nhân loại. Vì thế, việc giải quyết vấn đề từ cội rễ bằng cách triển khai những chính sách nhằm giải quyết các vấn đề chính trị, xã hội trong nước là vô cùng quan trọng góp phần giải quyết khủng bố.

Tôi còn nhớ, có ai đó đã nói với tôi rằng: Chủ nghĩa khủng bố đang là nỗi ám ảnh của nhân loại. Đúng thế, khủng bố đã khiến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người thiệt mạng chỉ trong vài phút và đằng sau đó là những người mẹ mất con, đứa con mất cha, người vợ mất chồng…

Tôi thực sự bị ám ảnh bởi những ánh mắt vô hồn, những tiếng gọi thảm thiết tìm người thân trong bãi đổ nát của cuộc khủng bố ngày 19-12, xảy tại khu chợ Giáng Sinh ở thủ đô Berlin của nước Đức, khiến ít nhất 12 người thiệt mạng và gần 50 người khác bị thương.

Nhưng tôi vẫn tràn đầy hy vọng khi trong những giờ phút đau thương nhất, người dân Đức đã nắm tay nhau, hát bài We are the World để động viên nhau vượt qua khó khăn. Bởi sâu thẳm con người, tính chân, thiện, mỹ vẫn là điều cốt lõi. Khơi được tính chân, thiện, mỹ của hàng tỷ con người trên thế giới này, chính là sức mạnh để vượt qua thiểu số những kẻ khủng bố đang gieo rắc kinh hoàng.

Hi vọng với cương vị mới, Ngài có thể giải quyết tốt vấn đề bạo lực và chính trị để đẩy lùi nguy cơ khủng bố và vì một thế giới tươi đẹp hơn!

Ms. Thanh

Việt Nam, ngày 24 tháng 12 năm 2016

Trần Nguyễn Bảo Quyên
24 tháng 1 2017 lúc 12:09

Kính thưa Tổng thư ký LHQ Ngài Antonio Guterres!

Chắc hẳn Ngài cũng biết tình hình thế giới của chúng ta trong những năm gần đây đang có những biến động đáng kể: Sự liều lĩnh của các tổ chức khủng bố, căng thẳng trên Biển Đông, sự leo thang của các chiến dịch quân sự và các bệnh dịch, thiên tai đang kéo đến với những tần suất liên tục khiến con người chúng ta phải đối mặt với bao hệ lụy.

Biết bao nhiêu người mất nhà, mất cửa, phải di cư; biết bao trẻ em tị nạn hàng ngày sống “vật vờ” quanh các bến xe, các khu chợ chỉ để chờ “bố thí” một miếng ăn. Điều ấy báo động sự bùng nổ của các cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Ngài có biết, ở Nam Sudan kể từ tháng 12/2013, hơn 2 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa của họ. Khoảng 1,6 triệu người đã phải đi lánh nạn ở trong nước, trong khi có hơn 900.000 người đã phải đi tị nạn tại các quốc gia láng giềng.

Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn kể từ khi xảy ra các vụ đụng độ hôm 7/7 tại Juba, giữa các lực lượng ủng hộ Tổng thống Salva Kiir và các lực lượng ủng hộ ông Riek Machar. Chỉ riêng trong tháng 7/2016, khoảng 70.000 người Nam Sudan đã vượt qua biên giới để sang Uganda xin tị nạn.

Trong khi đó, khoảng 4,8 triệu người trên khắp cả nước vẫn đang phải đối mặt với an ninh lương thực trầm trọng và có tới 250.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng. Bên cạnh đó, Nam Sudan cũng phải đang chống chọi với sự bùng phát của dịch tả. Chính những điều này đã khiến cho cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Nam Sudan ngày càng trầm trọng hơn.

Hiện nay, các chiến dịch quân sự và các cuộc tấn công của lực lượng khủng bố khiến cho nguy cơ khủng hoảng nhân đạo xảy ra ngày càng cao. Ngày 17/10 Liên Hợp Quốc cảnh báo cuộc tổng tấn công của các lực lượng Chính phủ Iraq nhằm giành lại thành phố Mosul từ Tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, với hàng trăm nghìn dân thường phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Trong khi trước đó, 1,5 triệu người vẫn đang mắc kẹt tại Mosul và giao tranh có thể khiến 1 triệu người phải đi sơ tán. Đó là chưa kể, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) ước tính khoảng 100.000 người Iraq sẽ tới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ để tránh các cuộc giao tranh tại thành phố Mosul.

Một trong những hệ quả rõ ràng nhất từ các cuộc xung đột trên thế giới là số lượng người dân tại các nước bất ổn buộc phải liều mạng vượt biển đang tăng cao. Ít nhất 2.000 người thiệt mạng khi tìm cách vượt qua Địa Trung Hải để tới các nước châu Âu trong năm 2015.

Nếu đến những vùng tôi kể trên hay bất cứ nơi nào đang có giao tranh về quân sự trên thế giới, Ngài sẽ chẳng khó khăn gì để nhìn thấy những đoàn người lê từng bước mệt mỏi, trên tay cầm tất cả những gì quý giá nhất với họ. Có thể, chỉ là một cái bánh hay vài bộ quần áo. Và đương nhiên, trong con đường đi tị nạn ấy cũng chẳng thiếu gì người già hay trẻ nhỏ.

Để tìm kiếm sự sống họ sẵn sàng liều mình vượt biển, vượt đại dương nhưng lại chẳng thể nào biết được cuộc đời mình sẽ về đâu trong những ngày tháng tiếp theo.

Họ ngủ giữa đường cao tốc, gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào khi lênh đênh trên xuồng quá tải và kiệt sức khi tới bờ là vấn đề mà bất cứ người tị nạn vượt biển nào cũng phải đối mặt. Có thể đất nước mà họ đã phải vất vả đi hàng trăm kilomet để tới nó cũng chẳng sáng sủa gì với cái nơi mà họ đã rời đi để bảo vệ sự sống.

Tôi còn nhớ như in hình ảnh một ông bố Syria bế con cố bơi về đảo Lesbos khi xuồng của họ hỏng động cơ lúc vượt qua biển Aegean từ Thổ Nhĩ Kỳ ngày 18/9. Khi đưa con vào bờ thành công, dù sự lo lắng và mệt mỏi thể hiện rõ trên khuôn mặt nhưng ông bố ấy đã nói một câu khiến tôi ám ảnh mãi cho tới tận giờ: "Bạn không cần quá nhiều để có thể cảm thấy hạnh phúc. Đôi khi, những điều giản đơn nhất lại đem đến niềm hạnh phúc lớn hơn cả".

Có thể với những người như tôi, như Ngài thì sự giàu sang phú quý, có con đường danh vọng xán lạn, có nhiều người nể phục là hạnh phúc. Nhưng với những người tị nạn, nhất là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhân đạo có nguy cơ bùng nổ cao hơn thì được sống mới là hạnh phúc của họ.

Tôi hi vọng rằng với sự sáng suốt của ngài Tổng thư ký LHQ António Guterres ngài sẽ tìm cách để cộng đồng thế giới cần phải thay đổi hẳn tư duy về công tác cứu trợ để giải quyết tận gốc sự khủng hoảng nhân đạo.

Bên cạnh đó quyết tâm chính trị phải đi kèm với hành động cụ thể. Trong đó, những quốc gia phát triển giàu có thể hiện hành động cụ thể đối với vấn đề nhân đạo.

Tôi tin rằng, với sự quyết liệt của Ngài trong việc giải quyết vấn đề khủng hoảng nhân đạo thì một tương lai không xa, thế giới của chúng ta sẽ được mang tên “Thế giới hạnh phúc”.

Việt Nam, ngày 13 tháng 12 năm 2016

Ms. Thanh

Trần Nguyễn Bảo Quyên
24 tháng 1 2017 lúc 12:11
Syria, Jan 23th 2017
Dạ thưa ông Antonio !

Trong không khí cả đất trời đang vào xuân, ai ai cũng hân hoan đón chào năm mới, với hi vọng những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với mình và những người thân yêu. Cháu cũng vậy, cháu cũng cầu mong rằng thế giới sẽ càng ngày càng đáng sống, con người mọi miền đều thân thiện, yêu thương nhau. Trong không khí vui tươi và đầm ấm ấy, cháu mạo muội biên thư này gửi đến ông lời chúc mừng và lời chào kính mến!

Cháu biết rằng ông rất bận, vì thế cháu chỉ dám xin ông một ít phút thôi. Hiện nay trẻ em như cháu ở các nơi trên thế giới đang còn phải lao động cực nhọc, thiếu ăn, thiếu đói triền miên, gia đình ly tán, loạn lạc … chẳng có được một mùa xuân no đủ ông ạ. Do vậy, trong các vấn đề nóng của thế giới mong ông hãy suy xét lại, quan tâm đến vấn đề trẻ em, quyền trẻ em với. Trẻ em là mầm non tương lai của đất nước, mà bị vùi dập, bị ép buộc, … phải bỏ mạng nơi phố xá đổ nát, nơi biển cả hoang vu thật là đau đớn.


Dưới những đường tên, mũi đạn chúng con ngày đêm lo sợ không biết rồi đây tính mạng của mình sẽ ra sao? Tương lai như thế nào? Khi đất nước mãi đắm chìm trong bạo loạn, khủng bố. Mới đây thôi em bé Aylan Kurdi đã ra đi mãi mãi trên bờ biển Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ trong một cuộc chạy trốn chiến tranh nơi quê nhà Syria. Hình ảnh đó ám ảnh chúng cháu lắm ông ạ! Ngay cả trong mơ cháu cũng thấy đoàn người tị nạn bu như kiến trên con tàu chật chội cố bám lấy một chút hi vọng mong manh rằng mình sẽ sống sót đến nơi yên bình. Ngày hôm qua bạn cháu vừa trở về từ cõi chết sau khi may mắn trốn thoát khỏi trại IS. Bạn cháu kể rằng nó đã bị IS đã tra tấn dã man, hăm doạ khủng bố cả thế giới, giết sạch cha mẹ và người thân của nó, bắt nó cầm dao cắt cổ tù binh, dùng súng AK bắn hạ tù binh, … và còn rất nhiều cảnh rùng rợn mà cháu không thế kể. Ông ơi! Nếu ông đã có tấm lòng với dân tị nạn, xin ông hãy rủ lòng thương cứu vớt cuộc đời của bọn cháu với. Cháu tha thiết mong ông bằng mọi cách như: đàm phán, thoả thuận, chuyển giao quyền lực hoặc ra sắc lệnh cứng rắn để chấm dứt cuộc nội chiến này.

Cháu biết rằng mảnh đất Syria rất giàu tài nguyên nên các nước tranh nhau giành giật, không từ thủ đoạn nào kể cả đem bom rải thảm, để chiếm giữ cho mình được nhiều nhất. Nhưng hỡi ôi! Ai cũng chỉ sống vài chục năm, có ai thay vỏ sống đời được đâu? Dạ dày cũng đựng có giới hạn mà, tại sao lại tham lam đến vậy? Có phải những con người ấy đã biến thành một loài ác quỷ, một loại phù thuỷ nham hiểm không? Nếu thật vậy thì cháu xin ông hãy thành lập một đội quân hùng mạnh nhất quét sạch chúng đi. Trả lại cho thế giới một đêm yên bình, trả lại cho chúng cháu một tuổi thơ vui vẻ hồn nhiên, được đến trường, được ấm no hạnh phúc.

Ông à, cháu sẽ hát cho ông nghe một bài hát mà cháu rất thích nhé! “Trái đất này là của chúng mình, vàng trắng đen tuy khác màu da, Bồ Câu ơi tiếng chim gù thương mến, Hải Âu ơi tiếng chim vờn trên sóng, cùng bay nào, cho trái đất quay, cùng bay nào, cho trái đất quay”.

Cảm ơn ông đã nghe cháu hát, một lần nữa chúc ông mạnh khoẻ, hạnh phúc và thành công trên con đường phía trước .
Trần Nguyễn Bảo Quyên
24 tháng 1 2017 lúc 12:12

Kính thưa Tổng thư ký LHQ Ngài Antonio Guterres!

Vừa qua, văn phòng cảnh sát hình sự Liên bang Đức (BKA) xác nhận ít nhất 8.991 trẻ em tị nạn không còn liên hệ với chính quyền. Trong số này hầu hết những đứa trẻ ở độ tuổi thiếu niên từ 14-17 nhưng 867 trường hợp chỉ dưới 13 tuổi.

Theo RT, con số này nhiều gấp đôi so với số liệu được công bố hồi tháng 1/2016 với 4.749 trẻ tị nạn được thông báo đã mất tích.

Năm 2015, số trẻ tị nạn bị mất tích ở Đức là 5.800 em trên số lượng tiếp nhận người tị nạn là 1,1 triệu trường hợp.

Trong năm nay, Văn phòng Liên bang về người di cư và tị nạn của Đức dự kiến sẽ tiếp nhận tối đa 300.000 người xin tị nạn ở nước này.

Các em là những đứa trẻ lang thang, không cha, không mẹ, rất dễ bị bóc lột thậm tệ, dưới mọi hình thức. Vì thế, có những em mới 5 tuổi nhưng đã phải lao động cực nhọc, dưới mọi hình thức để có thể kiếm cơm nuôi sống bản thân... Cũng có nhiều em phải đi ăn xin từng bữa…và ngủ ở gầm cầu, ven đường, xó chợ và cay đắng hơn là các em bị xua đuổi, an ninh không được bảo đảm.

Chắc hẳn Ngài vẫn còn nhớ bức ảnh chụp em bé Syria tên là Aylan, 2 tuổi, người Syria chết bên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ đã làm rúng động cả thế giới, trở thành hình ảnh đại diện về những cuộc hành trình tị nạn khắc nghiệt. Trường hợp cậu bé Aylan không phải ngoại lệ.

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, đầu năm 2015 đến nay hơn 300.000 người di cư vượt Địa Trung Hải vào châu Âu để mong một cuộc sống tốt đẹp hơn. Họ phải lênh đênh trên biển trong nhiều ngày, đối mặt với nạn buôn bán người, thiếu thốn đồ ăn, thuốc men và có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào. Và quan trọng là sự sống và cái chết của họ chỉ trong gang tấc.

Ngài có biết trong lúc chúng ta ngủ trong chăn ấm, đệm êm và ăn những thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng thì những đứa trẻ tỵ nạn phải sống thế nào không? Thực sự khi nhìn những hình ảnh về trẻ tị nạn Syria nằm ngủ vật vờ trên đường phố lạnh lẽo hay trong cánh rừng hoang sơ mà truyền thông đưa tin khiến tôi rất chạnh lòng. Những đứa trẻ ấy đáng lẽ phải được chăm sóc đươc nuôi dạy, được vui chơi và học hành, được sống trong tình thương của gia đình thay vì lang thang khắp nơi, kiếm được gì ăn nấy và mệt ở đâu thì ngủ ở đó.

Và…đương nhiên, khi ở những quốc gia mà những cuộc xung đột diễn ra liên tục thì mạng sống của họ còn bị tước đoạt đi bất cứ lúc nào.

Được biết, Ngài là một trong số những người dành sự quan tâm đặc biệt đối với người tỵ nạn, mà nhất là trẻ em. Vì thế, ngay từ lúc này, với cương vị là Tổng thư ký Liên hợp quốc, mong Ngài hãy hành động để thể hiện quyết tâm của Liên Hợp Quốc trong việc hợp sức với tất cả mọi người để bảo vệ quyền con người của tất cả những người di cư và tị nạn;

Tăng cường hỗ trợ những quốc gia bị làn sóng di cư và tị nạn ảnh hưởng nặng nề nhất; Trợ giúp những người dân đang tuyệt vọng trong các cuộc khủng hoảng kéo dài; Đảm bảo trẻ em di cư tị nạn được đi học; Cải thiện các hoạt động tìm kiếm và giải cứu người di cư và tị nạn; Tăng cường ngân sách viện trợ nhân đạo và tái định cư cho người tị nạn.

Tôi rất mong ngài António Guterres với vai trò là Tổng thư ký Liên Hợp Quốc vào tháng 1/2017 sẽ nhìn nhận những gì tôi đã phân tích và có những động thái quyết liệt để chúng ta cùng nhau chung tay hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho những người tỵ nạn để cuộc sống của họ có thể bớt một chút bất hạnh và hơn thế nữa là vì một thế giới yên bình hơn.

Ms. Thanh

Việt Nam, ngày 8 tháng 12 năm 2016

Lưu Hạ Vy
24 tháng 1 2017 lúc 20:41

Kính thưa Tổng thư ký LHQ Ngài Antonio Guterres!

Hiện nay, nhân loại chúng ta đang phải đối mặt với biết bao tai họa là hệ quả của việc biến đổi khí hậu. Vừa qua, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) đã chỉ ra những tác động tiêu cực của việc biến đổi khí hậu: Khí thải nhà kính làm Trái Đất của chúng ta ấm dần lên, hiện đã vượt quá nồng độ cao nhất được ghi nhận trong các lõi băng trong vòng 800.000 năm qua.

Bên cạnh đó, mức độ carbon dioxide (CO2) trong khí quyển đã tăng 40% kể từ thời tiền công nghiệp hóa, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc đốt các nguyên liệu hóa thạch.

Những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của con người trên thế giới. Chắc hẳn ngài vẫn chưa thể quên được trận động đất kinh hoàng xảy ra vào ngày 12/1/2010 tại nước Cộng hòa Haiti đã cướp đi mạng sống của 250.000 người chỉ trong nháy mắt. Với rung chấn mạnh 7 độ Richter nó là trận động đất mạnh nhất kể từ năm 1887 của lịch sử nước này.

Chỉ trong chưa đầy 1 tháng sau trận động đất ở Haili thì ở Chile tiếp tục xảy ra trận động đất kinh hoàng 8,8 độ Richter đã gây dư chấn mạnh lan khắp Nam Mỹ và trở thành một trong những trận động đất dữ dội nhất trong lịch sử thế giới. Trận động đất này đã khiến ngành bảo hiểm phải chi trả số tiền lên tới 8 tỷ USD, trong khi thiệt hại kinh tế cho Chile sau thảm họa này là khoảng 30 tỷ USD.

Riêng với bản thân tôi, tôi vẫn nhớ như in về trận lụt dữ dội nhất trong lịch sử Pakistan hồi tháng 8/2010 đã tàn phá từ vùng Tây Bắc đến miền Nam và cướp đi sinh mạng của 1.600 người, ảnh hưởng tới 20 triệu người, gây thiệt hại vật chất ít nhất 43 tỷ USD, châm ngòi cho dịch bệnh-bạo lực bùng phát ở đất nước này.

Hình ảnh những con người lang thang với khuôn mặt đầy mệt mỏi xin ăn từng miếng, những đứa trẻ bị cuốn đi trong nước lũ chỉ trong vài giây và khuôn mặt hốc hác của người mẹ tìm con sau trận lũ vẫn ám ảnh tôi tới tận bây giờ.

Biến đổi khí hậu cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe con người khi tầng ozon bị thủng và tia cực tím chiếu thẳng xuống mặt đất gây nên những đại dịch về da. Đó chính là lí do tại sao tỷ lệ người mắc bệnh ung thư ngày càng tăng mạnh. Chắc Ngài António Guterres cũng nhớ vào năm 2014 dịch bệnh Ebola đã cướp đi sinh mạng của hơn 8.000 người và ảnh hưởng tới cuộc sống của hơn 20.000 người khi dịch bệnh này được liệt vào danh sách những bệnh có nguy cơ lây lan khủng khiếp nhất từ trước đến nay.

Hơn thế, một báo cáo của Chương trình Lương thực Thế giới dự đoán rằng, các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, cháy rừng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành nông nghiệp và đồng thơi đe dọa an ninh lương thực cho hàng triệu người.

Theo dự đoán, đến năm 2050, sản lượng cây trồng ở châu Á dự kiến sẽ giảm 50% đối với lúa mì, 17% đối với gạo và điều này sẽ đe dọa hàng tỷ người sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, người tiền nhiệm của Ngài từng xem vấn đề thay đổi khí hậu là một nội dung quan trọng trong nhiệm kỳ của mình, đã kêu gọi các nước cải thiện những hệ thống cảnh báo thiên tai sớm, đồng thời tăng cường giáo dục để giảm thiểu tác hại của các thảm họa.

Có thể thấy cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu là một cuộc chiến chung, đòi hỏi mọi người, mọi quốc gia chung sức, đồng lòng. Vậy, tôi rất mong ngài António Guterres với vai trò là Tổng thư ký Liên Hợp Quốc vào tháng 1/2017 sẽ nhìn nhận những gì tôi đã phân tích và có những động thái quyết liệt để chúng ta cùng nhau chung tay chống lại biến đổi khí hậu vì một thế giới yên bình hơn.

Ms. Thanh

Việt Nam, ngày 7 tháng 12 năm 2016


Các câu hỏi tương tự
dethuong
Xem chi tiết
dethuong
Xem chi tiết
Bùi Thị Hiền
Xem chi tiết
lan anh nguyễn
Xem chi tiết
Harley Quinn
Xem chi tiết
Đức Vương Hiền
Xem chi tiết
Trần Quang Hiếu
Xem chi tiết
Linh Khánh
Xem chi tiết
oanh luong
Xem chi tiết