Nhân dân ta có truyền thống tôn sư trọng đạo và rất hiếu học. Trong mỗi gia đình Việt Nam dù khó khăn đến mấy, các bậc cha mẹ đều lo cho con cái được học hành nên người. Có biết bao câu tục ngữ, bài ca, lời hay ý đẹp nói về việc học hành được truyền tụng trong dân gian. Cổ nhân cũng có câu:
"Tiên học lễ, hậu học văn".
Đó là câu nói của "thánh hiền" mà các cụ đồ nho ngày trước thường dùng để răn dạy học trò. Nó không phải là một câu tục ngữ nhưng được lưu truyền như một câu tục ngữ, hàm chứa một bài học đạo lí sâu sắc.
Tham khảo thêm bài làm hãy hoặc trong tác phẩm chữ người tử tù
"Tiên" là trước, "hậu" là sau. "Học lễ" nghĩa là học lễ nghĩa, đạo đức... "Học văn" nghĩa là học văn chương, văn hóa, chữ nghĩa, khoa học, kĩ thuật... "Tiên học lễ, hậu học văn" nghĩa là, trước tiên phải học lễ nghĩa đạo đức, đạo lí làm người, sau mới học đến văn chương, chữ nghĩa, học các kiến thức khẳng định việc giáo dục đạo đức cho học sinh là vô cùng quan trọng để hình thành nhân cách văn hóa cho thanh thiếu nhi.
Câu "Tiên học lễ, hậu học văn" là một châm ngôn đã được khắc sâu vào hồn người qua hàng nghìn năm lịch sử.
Mục đích học tập là gì? Học để làm người, con người có nhân cách và có văn hóa. Học để trở nên tài giỏi, người công dân tốt, người lao động giỏi, đem đức tài làm rạng rỡ cho gia đình, phục vụ đắc lực cho Tổ quốc vì mục tiêu "dân giàu nước mạnh".
Đức và tài là hai tố chất hợp thành nhân cách văn hóa. Học để phát triển đức, tài. Đạo đức là cái gốc của con người. Tài năng chỉ có thể phát triển rực rỡ trên nền tảng đạo đức. Cây cối phải sâu rễ, gốc bền mới có nhiều hoa thơm trái ngọt. Con người cũng vậy, đạo đức, tư cách là điều kiện làm nảy nở tài năng. Do đó, người dạy cũng như người đọc phải biết "Tiên học lễ, hậu học văn" một cách sâu sắc. Một khi người học chưa được giáo dục đến nơi đến chốn thì đừng vội "học văn" vì có "học văn" cũng vô ích. Kẻ có tài mà kém đức là vô dụng, chỉ làm nên những chuyện bất lương. Học giỏi văn, toán... được điểm cao, nhưng bất hiếu, vô lễ, càn quấy... thì có giá trị gì? Chúng ta phải phấn đấu trở nên con ngoan, lễ phép, vâng lời, chăm học chăm làm... của cha mẹ. Phải là người học sinh biết kính thầy, mến bạn, giúp đỡ bạn bè và nỗ lực học giỏi.
"Tiên học lễ, hậu học văn" là một định hướng, một phương châm giáo dục giúp học trò trở thành những con người vừa có đức, vừa có tài.
Câu nói của cổ nhân trên đây làm chứa một nội dung sâu sắc về việc dạy và việc học. Nhân dân ta đề cao đạo lí, đạo đức, lễ nghĩa, không phải tư tưởng phong kiến mà trong lời dạy "Tiên học lễ, hậu học văn" đã mang màu sắc và tính chất của đạo đức nhân dân. Nguyễn Trãi, người anh hùng, nhà thơ lớn trong thế kỉ 15 đã từng viết trong "Quốc âm thi tập": "Trồng cây đức để con ăn". Muốn trồng được "cây đức" thì trước hết phải dạy con cái "Tiên học lễ, hậu học văn".
Nói "học lễ" trước, "học văn" sau không có nghĩa tách rời hai khâu trong một quá trình dạy và học. Học lễ để đảm bảo cơ sở cho việc học văn, học văn để phát huy việc học lễ. Hai khâu học gắn bó với nhau, tác động nhau để hình thành nhân cách văn hóa cho thế hệ trẻ.
Nói "học văn" sau không có nghĩa là coi nhẹ việc học tập văn hóa. Con người mới phải là con người yêu nước, có trình độ cao về văn hóa, khoa học kĩ thuật. Người có đức mà không có tài cũng chẳng làm nên trò trống gì! Bởi vậy, đừng nên học văn hóa một cách đơn thuần mà không coi trọng việc rèn luyện đạo đức. Hoặc chỉ coi trọng việc "học lễ" mà coi nhẹ "học văn" cũng là cách học bất cập.
Giáo dục là thước đo tầm vóc của một dân tộc. Trong bốn nghìn năm dựng nước, dân tộc ta rất coi trọng mở mang việc học hành. Văn miếu với bia đá khắc tên hàng nghìn tiến sĩ. Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm... là những ông thầy vĩ đại, đã đào tạo cho đất nước bao nhiêu nhân tài lỗi lạc. Các cụ đã đề cao "Tiên học lễ, hậu học văn" nên mới làm rạng rỡ nền văn hiến Đại Việt.
Năm điều dạy thiếu nhi của Bác Hồ: "Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Học tập tốt, lao động tốt.... Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm..." đã bao hàm ý nghĩa "Tiên học lễ, hậu học văn" dưới ánh sáng đường lối giáo dục của Đảng.
Hiện nay, đó đây còn có một số thanh thiếu nhi lười học, nói tục, chửi bậy, vô lễ với thầy cô giáo, thô bạo với bạn bè... Hiện tượng ấy nói lên việc giáo dục đạo đức trong gia đình, trong nhà trường chưa được coi trọng đúng mực.
Câu "Tiên học lễ, hậu học văn" có giá trị như một châm ngôn giúp học sinh chúng ta nâng cao nhân cách, trau dồi đạo đức, có ý thức học tập tốt. Qua hàng nghìn năm tồn tại, câu nói của cổ nhân, không hề bị phù mờ lớp bụi thời gian mà trái lại, chân lí ấy vẫn tỏa sáng. Nó vẫn có giá trị định hướng việc tu dưỡng và học tập cho thế hệ trẻ.
Thời cắp sách với bao mộng đẹp: Lớn lên mang đức tài làm rạng rỡ Tổ Quốc. Câu nói của cố nhân giúp ta đi đúng hướng để thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu"...
Từ xưa đến nay, lễ nghĩa luôn là điều mà cha ông ta muốn con cháu có được, không ngừng rèn luyện để đối nhân xử thế đúng chừng mực nhất. Cha mẹ vẫn khuyên chúng ta trước khi học những kiến thức văn hóa thì cần phải rèn luyện kiến thức đạo đức, rèn luyện lễ nghĩa. Mỗi lần bước vào một ngôi trường, chúng ta vẫn thường thấy đập vào mắt là dòng chữ “Tiên học lễ, hậu học văn”. Vậy câu tục ngữ này có ý nghĩa gì trong cuộc sống của mỗi chúng ta?
“Tiên học lễ, hậu học văn” là câu tục ngữ bao gồm hai vế song song với nhau, sóng đôi nhau nhằm bổ sung ý nghĩa cho nhau, để hoàn thiện một nội dung nhất định. Câu tục ngữ ngắn gọn nhưng có nội dung sâu xa nhằm khuyên răn con người ở trên đời.
Vế thứ nhất của câu tục ngữ là “Tiên học lễ”. Tiên chính là đầu tiên, là trước hết. Lễ chính là nghi lễ, là lễ phép hay chính là đối nhân xử thế với những người và những việc xung quanh. Ý nghĩa của vế thứ nhất muốn khuyên răn chúng ta điều trước tiên cần phải học tập và trau dồi lễ nghĩa, cách ứng xử đối với người khác làm sao cho đúng mực, cho được lòng và cho phù hợp với thuần phong mĩ tục của xã hội.
Vế thứ hai là “hậu học văn”. Hậu chính là sau, văn chính là các môn học văn hóa, các kiến thức mà chúng ta học được từ bên ngoài xã hội. NHư vậy vế này muốn nói rằng sau khi đã học được lễ phép thì hãy bắt đầu học các kiến thức văn hóa, trau dồi và rèn luyện kiến thức của mình khi đã biết cách ứng xử với những người xung quanh.
Như vậy, ý nghĩa của cả câu nói chính là khuyên chúng ta nên học cách ứng xử, đối nhân xử thế với người khác trước; rồi sau đó mới bàn đến vấn đề học hỏi những kiên thức văn hóa.
Câu tục ngữ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mỗi chúng ta. Bởi rằng nếu một người có học vấn uyên thâm, được đi khắp năm châu bốn bể, được đất nước công nhận những cống hiến. Nhưng ngược lại người đó lại không biết cách ứng xử với mọi người, không coi cha mẹ ra gì, không coi quê hương ra gì. Như vậy thứ anh ta có được là kiến thức nhưng thứ anh ta không có được chính là lễ nghĩa. Một trong những điều làm nên nhân cách, phẩm chất của con người đó.
Khi thiếu đi nền tảng lễ nghĩa thì bản thân chúng ta trở thành một con người không có nhân phẩm. Dù kiến thức có sâu rông bao nhiêu thì cũng không có ý nghĩa gì hết.
Lễ nghĩa, đạo đức chính là nền tảng quan trọng của xã hội. Người có nhân phẩm tốt con hơn là người có kiến thức rộng và đạo đức không có. Như chúng ta đã biết đất nước cần những người tài, nhưng đất nước cần hơn những người có tâm, có tình vì dân vì nước chứ không phải có tài nhưng vô tâm và thất đức.
Mỗi người sống trong xã hội này cần phải rèn luyện đạo đức, lễ nghĩa của mình hằng ngày để trở thành một người công dân tốt. Và từ đó sẽ là nền tảng để chúng ta học hỏi kiến thức bên ngoài, trau dồi theo tháng năm để thành người tài.
Như vậy câu tục ngữ “Tiên học lễ hậu học văn” có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mỗi người chúng ta. Nó chính là thước đo đạo đức, nhân phẩm của một người. Như Bác Hồ nói “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.