VỊ TRÍ CHIẾN LƯỢC CỦA ĐIỆN BIÊN PHỦ |
Lòng chảo Mường Thanh, nơi địa đầu phía Tây Bắc Việt Nam vào năm 1954 đã diễn ra màn cuối của cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược. Ở nơi ấy, một đạo quân với đầy đủ các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại, tối tân, là một trong những quân đội mạnh nhất trên thế giới đã phải đầu hàng một dân tộc “đất không rộng, người không đông”, những con người ăn không đủ no, mặc không đủ ấm và một quân đội không phải là mạnh nhất trên thế giới. Vậy tại sao một nơi hẻo lánh, xa xôi lại trở thành điểm quyết chiến, chiến lược của cả hai bên, đánh dấu một bước ngoặt chiến tranh mà sức ảnh hưởng của nó đã lan tỏa mạnh mẽ tới cuộc đấu tranh chính nghĩa, giành độc lập dân tộc của các nước thuộc địa trên toàn cầu?
Điện Biên là một vùng đất cổ so với nhiều địa danh khác của nước Việt Nam. Các dấu vết và những cổ vật còn xót lại mà người ta tìm thấy tại một số hang động đã cho thấy người Việt đã xuất hiện từ rất sớm ở đây. Nhiều câu chuyện thần thoại, truyền thuyết dân gian lưu truyền cho đến ngày nay cũng nói lên điều đó. Được biết đến là một trong những cái nôi của người Thái và văn hóa Thái nhưng người Lự mới là những người xuất hiện đầu tiên và có một nền văn minh tương đối phát triển. Các chúa Lự đã xây dựng thành Sam Mứn hay còn gọi là thành Tam Vạn, là công trình kiên cố, hiện đại đầu tiên tại lòng chảo Mường Thanh. Thành Sam Mứn được hình thành vào khoảng thế kỷ XI, là thủ phủ của 19 đời chúa Lự trước khi Lạn Chượng đặt chân lên đất Mường Thanh và đặt nền móng văn hóa Thái lên khu vực này cho đến tận bây giờ. Về vị trí địa lý của Điện Biên khá đặc biệt, là một thung lũng rộng lớn nhất ở vùng thượng du phía Tây Bắc, sát biên giới Việt Lào, cách biên giới các nước Trung Hoa, Miến Điện, Thái Lan từ 150 đến 300km, cách Hà Nội gần 500km. Phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Sơn La, phía Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), phía Tây và Tây Nam giáp hai tỉnh Phong Saly và Luang Prabang (Lào) với 170km đường biên giới, Điện Biên là tỉnh có chung đường biên giới với hai quốc gia Trung Quốc và Lào. Cái tên Điện Biên Phủ (phủ Điện Biên) bắt đầu có từ năm 1841 bao gồm hầu hết đất đai tỉnh Lai Châu ngày nay. Về tên đất Điện Biên được đứng vào bậc hay nhất trong các tên đất của nước ta. Điện là vững, Biên là biên giới. Điện Biên là "biên giới vững vàng". Một cách hiểu khác có nghĩa là "Giữ vững vàng nơi biên giới". Điện Biên có tên bằng tiếng Thái là Mường Thanh. Mường Thanh là đọc theo cách phát âm tiếng phổ thông, còn nguyên bản tiếng địa phương là Mướng Theng mà Mướng Theng cũng là từ Mướng Then mà ra. Mướng Then có nghĩa là Mường Trời. Người Thái ở đây gọi đất này là đất của trời. Bố cục thiên nhiên, đất đai ở Điện Biên lại càng đặc biệt. Thường thì nơi nào có núi đồi ắt có thung lũng, bốn bên là núi hoặc những quả đồi nối tiếp nhau, giữa là thung lũng cũng không có gì lạ nhưng rộng đến như thung lũng Mường Thanh thì thật là hiếm thấy. Vùng Tây Bắc có bốn đồng bằng rộng thì Mường Thanh đứng thứ nhất: "Nhất thanh, nhì lò, tam than, tứ tấc". Lò là Nghĩa Lộ; Than là Than Uyên, Tấc là Mường Tấc. Dải đất bằng phẳng này được tô đậm bởi cánh đồng Mường Thanh rộng lớn; Vào cuối thế kỷ 18 nhà bác học Lê Quý Đôn đã miêu tả khá tỉ mỉ về cánh đồng trù phú này trong tài liệu sử học của mình: "thế núi vòng quanh,... ruộng đất bằng phẳng, mầu mỡ... công việc làm ruộng bằng nửa các châu khác mà số hoa lợi thu hoạch gấp đôi...". Sau này, cánh đồng Mường Thanh đã trở thành nơi trọng điểm về lúa gạo của tỉnh Lai Châu. Ngoài điểm mạnh về đồng ruộng, Điện Biên còn có nhiều ưu thế khác. Nguồn tài nguyên rừng vô cùng phong phú, đa dạng, là nguồn nguyên liệu quý giá tại chỗ. Khí hậu chia làm hai mùa rõ rệt, mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10 và mùa khô bắt đầu từ tháng 11, tháng 12 đến tháng 3, tháng 4 năm sau. Bên cạnh đó, Điện Biên Phủ còn nằm trong hệ thống sông Đà (đổ vào sông Hồng) và sông Mã. Riêng khu vực lòng chảo còn mang trong mình dòng sông Nậm Rốm (chảy vào sông Mê Kông), sau này đã trở thành dòng sông lịch sử. Người Pháp đã chiếm Điện Biên Phủ từ năm 1888 và nơi đây trở thành một trong bốn đạo quan binh của Pháp. Từ năm 1939 Điện Biên Phủ đã có một sân bay có khả năng được nới rộng ra một cách dễ dàng từ hai đến ba lần. Ngày 9 tháng 3 năm 1945, hàng ngàn quân Pháp đã qua con đường Lai Châu chạy sang Trung Quốc. Năm 1945, quân Nhật sau đó là quân Tưởng Giới Thạch đã có mặt ở Điện Biên Phủ. Khi ta ký hiệp định sơ bộ ngày mùng 6 tháng 3 năm 1946 với Pháp, Pháp đã yêu cầu được đưa hơn 800 quân trở lại vùng này để làm nhiệm vụ tiếp phòng quân Tưởng. Lần đầu tiên lên thăm Điện Biên Phủ, ấn tượng với viên chỉ huy cao nhất của người Pháp lúc bấy giờ là một cánh đồng bằng phẳng, rộng lớn trải dài với những vựa lúa đang độ chín vàng, nặng trĩu bông. Mường Thanh đứng đầu trong bốn cánh đồng lớn ở Tây Bắc. Lúa gạo thu hoạch được từ cánh đồng này đạt năng suất rất cao, nhiều thống kê cho thấy lương thực còn có thể nuôi sống từ 20.000 đến 25.000 người trong nhiều tháng. Với con mắt của một nhà binh, Navarre đã nhìn thấy những ưu điểm vượt trội của vùng đất này: "Đất này mà xe tăng cơ động thì tuyệt. Sân bay kia có thể sửa lại và mở rộng gấp hai ba lần. Đảo mắt lên những ngọn núi cao vút, rất xa, vây quanh lòng chảo, viên tướng thấy một không gian rộng cho phép các loại máy bay hoạt động, lên xuống dễ dàng. Những ngọn núi đó, bức thành thiên nhiên ngăn chặn không cho đối phương đặt pháo với tầm tới lòng chảo. Ôi chao! một địa bàn lý tưởng để xây dựng một căn cứ không quân, lục quân hiện đại lớn vào bậc nhất Đông Dương". Thực tế đã cho thấy dù là nơi xa xôi, hẻo lánh nhưng không thể phủ nhận Điện Biên Phủ có một vị trí đặc biệt, chẳng trách Salan rất coi trọng nơi này và cũng không quên nhắc tới Điện Biên Phủ khi Navarre sang Việt Nam nhậm chức. Giờ đây Điện Biên Phủ sẽ trở thành ngã tư chiến lược quan trọng không những đối với chiến trường Đông Dương mà còn đối với miền Đông Nam Á. Một trục giao thông nối liền các miền biên giới Lào, Thái Lan, Miến Điện và Trung Quốc. Đó là “một cái chìa khóa để bảo vệ Thượng Lào”, một “bàn xoay” có thể xoay đi bốn phía Việt Nam, Lào, Miến Điện và Trung Quốc. Đây cũng sẽ trở thành một căn cứ không quân, lục quân lợi hại phục vụ tối ưu cho các chính sách mà Pháp tiến hành ở Việt nam. Từ Điện Biên Phủ, quân Pháp có thể bảo vệ được Lào rồi từ đó đánh chiếm ra các vùng đã mất ở Tây Bắc trong năm 1953 - 1954 và tạo điều kiện thuận lợi để tiêu diệt các sư đoàn chủ lực của đối phương nếu họ đến đấy. Bên cạnh đó, những tính toán của Navarre về khó khăn của Việt Minh đã khiến viên tướng này hài lòng. Việt Minh không thể mở đường lên Điện Biên Phủ bằng sức lao động thủ công nên không thể đưa pháo vào trận địa và vận chuyển cơ giới qua vùng Tây Bắc hiểm trở, nếu có thì cũng là rất ít. Cũng vì thế, vấn đề lương thực là một vấn đề nan giải đối với một lực lượng chiến đấu lên đến hàng chục vạn người. Việt Minh không thể chịu nổi thời tiết, khí hậu khắc nghiệt ở Tây Bắc. Là những người miền xuôi, họ sẽ đau ốm, mệt mỏi không thể duy trì được sức chiến đấu liên tục. Mùa mưa tới vận tải khó, đời sống chiến hào sẽ thiếu thốn, sẽ xảy ra nạn dịch lúc đó không đánh cũng thua. Bộ đội chủ lực Việt Nam không thể nào tiếp cận được các trung tâm đề kháng của Tập đoàn cứ điểm mà không bị thương vong và không thể nào đánh liên tục cả ngày lẫn đêm kéo dài hằng tháng trời. Trên thực tế những gì đã diễn ra sau đó không nằm trong bất cứ sự tính toán nào của Navarre. Tướng Giáp cũng có những tính toán của riêng mình và đó là những tính toán của người Việt Nam trên mảnh đất mà họ được quyền làm chủ. Ngày 07 tháng 5 năm 1954, tiếng kèn Điện Biên Phủ vang dội khắp năm châu, đánh thức phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, đe dọa thành trì của chủ nghĩa thực dân. Chiến thắng Điện Biên Phủ là hệ quả tất yếu của lòng yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và ý chí giành độc lập nước nhà của dân tộc Việt Nam |