Em hãy đọc thông tin và trả lời câu hỏi
Thông tin
Liệt sĩ – bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm sinh ra trong một gia đình trí thức. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Y khoa Hà Nội, chị xung phong vào công tác ở chiến trường B. Trong một chuyến công tác, chị bị địch phục kích và hi sinh lúc chưa đầy 28 tuổi đời, 2 năm tuổi Đảng và 3 năm tuổi nghề. Một trong những kỉ vật chị để lại là hai cuốn nhật kí.
Trang đầu cuốn nhật kí, Đặng Thuỷ Trâm đã ghi những dòng nổi tiếng trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của văn hào N.A.Ostrovsky: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống, đời người ta chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi phải xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi phải hổ thẹn vì những năm tháng sống hoài, sống phí, để khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói rằng: Cả đời ta, cả sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời: Sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người".
Những trang tiếp theo, chị viết về những ngày tháng sống ở chiến trường với công việc của một bác sĩ phụ trách bệnh viện điều trị cho các thương bệnh binh.
"20.7.68
Những ngày bận rộn công tác dồn dập, thương nặng, người ít, mọi người trong bệnh
xá đều hết sức vất vả. Riêng mình, trách nhiệm càng nặng nề hơn bao giờ hết, mỗi
ngày làm việc từ sáng tinh mơ cho đến đêm khuya. Khối lượng công việc quá lớn mà người không có nên một mình mình vừa phụ trách bệnh xá, vừa lo điều trị, vừa giảng dạy. Vô cùng vất vả và cũng còn nhiều khó khăn trong công việc, nhưng hơn bao giờ hết mình cảm thấy rằng mình đã đem hết tài năng, sức lực của mình để cống hiến cho cách mạng. Đôi mắt người thương binh hôm nào đau nhức tưởng như bỏ hôm nay cũng đã sáng lại một phần. Cánh tay anh bộ đội sưng phù đe doạ chảy máu bây giờ cũng đã lành lặn. Những cánh tay xương gãy rời cũng đã liền lại,... Đó chính là nhờ sức lực của mình và những người y tá đêm ngày lăn lộn trong công tác bên giường bệnh".
(Theo Đặng Kim Trâm và Vương Trí Nhàn (2005), Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, NXB Hội nhà văn, Hà Nội, trang 64-65)
a. Em hiểu như thế nào về câu nói trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của văn hào N.A.Ostrovsky? Theo em, câu nói của văn hào N.A.Ostrovsky có ý nghĩa như thế nào đối với Đặng Thùy Trâm và các thế hệ thanh niên Việt Nam?
b. Em nhận xét gì về mục đích sống, việc làm của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trong thông tin?
c. Hãy kể về một tấm gương sống có lí tưởng ở quê hương em. Điều em học được từ tấm gương đó là gì?
a. Câu nói của N.A.Ostrovsky trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” nhấn mạnh giá trị quý giá của cuộc sống con người. Nó khuyên rằng mỗi người chỉ sống một lần, do đó phải sống một cách ý nghĩa và trọn vẹn. Không nên để cuộc sống trôi qua một cách vô nghĩa và không làm điều gì đáng kể. Thay vào đó, cần cống hiến hết mình cho những mục tiêu cao cả và tốt đẹp, để khi nhìn lại, không phải hối tiếc hay xấu hổ về quãng đời đã qua.
Câu nói này trở thành kim chỉ nam cho cuộc đời và sự nghiệp của bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Đồng thời cũng khuyến khích các thế hệ thanh niên Việt Nam sống có lí tưởng, biết hi sinh cho những mục tiêu lớn lao của đất nước, dân tộc, sống một cuộc đời đáng tự hào và ý nghĩa
b. Mục đích sống và việc làm của bác sĩ Đặng Thùy Trâm thể hiện sự hết mình vì lí tưởng cao đẹp, hướng đến lợi ích chung của quốc gia, dân tộc. Bác sĩ đã không quản khó khăn, vất vả, cống hiến cả cuộc đời của mình cho sự nghiệp giải phóng của dân tộc.
c. Nguyễn Quang Hưng, sinh năm 1988 tại Hải Phòng, là Phó Giáo sư, Tiến sĩ và nhà nghiên cứu về vật liệu mới tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Anh nổi bật với các công trình nghiên cứu về vật liệu nano và đã công bố nhiều bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín. Nguyễn Quang Hưng đã nhận nhiều giải thưởng danh giá, như Giải thưởng Tạ Quang Bửu (2017). Ngoài ra, anh còn tích cực tham gia giảng dạy và hướng dẫn sinh viên, góp phần đào tạo thế hệ trẻ Việt Nam trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Nguyễn Quang Hưng là tấm gương sáng về lòng đam mê, kiên trì và nỗ lực không ngừng trong nghiên cứu khoa học, chứng minh rằng người trẻ Việt Nam có thể đạt được những thành tựu xuất sắc trên trường quốc tế.