1. Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng,
Ngày tháng mười chưa cười đã tối.
2. Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa.
3. Ráng mỡ gà, có nhà thì giữ.
1. Trước đây, nhân dân ta chưa có những dụng cụ, máy móc khoa học để đo thời gian, nhưng chỉ bằng kinh nghiệm, bằng trực giác và vốn sống, họ đã có những nhận xét rất đúng đắn về độ dài ngày và đêm mùa hè, mùa đông:
“Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng,
Ngày tháng mười chưa cười đã tối”
Câu tục ngữ vừa có vần lưng (năm với nằm, mười với cười, vần với nhau), vừa có đối (đêm và ngày, tháng năm và tháng mười, nằm và cười, sáng và tối, đối nhau). Cách nói hồn nhiên, hóm hỉnh: lấy giấc ngủ: “chưa nằm đã sáng” để đo chiều dài đêm tháng năm, chỉ ra đêm mùa hè là ngắn, rất ngắn; lấy tiếng cười để đo chiều dài ngày tháng mười, ngày mùa đông là ngắn, rất ngắn, chưa chiều đã tối. Suy luận ra, câu tục ngữ chỉ rõ: ngày mùa hè dài, đêm mùa đông rất dài. Do ánh sáng mùa hè, do mây mù mùa đông, và do kinh nghiệm cuộc sống, mà nhân dân ta nêu lên nhận xét rất đúng đắn: đêm mùa hè ngắn, ngày mùa đông ngắn. Nắm được độ dài thời gian theo đêm và ngày, theo mùa để chủ động bố trí công việc làm ăn và nghỉ ngơi là rất cần thiết. Đây là một câu tục ngữ đặc sắc.
2. Có thi sĩ đã viết: “Nắng mưa là bệnh của trời...”, thì tục ngữ cũng có câu nói về hiện tượng mưa nắng: “Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa”. Câu tục ngữ có 2 vế, mỗi vế gồm 4 chữ đối nhau: chữ nắng vần với chữ vắng. Một cách nói vần vè dễ nhớ. “Mau” có nghĩa là nhiều, dày; “mau sao” là nhiều sao, dày sao và sao xuất hiện sớm, mọc sớm. vê mùa hè, trời vừa chập tối, nhiều sao sáng xuất hiện trên bầu trời xanh qua đó nhân dân ta biết ngày mai và những ngày sắp tới trời nắng, rất đẹp trời, để chủ động sắp xếp công việc làm ăn, cày bừa cấy hái,... “vắng” là thưa sao, ít sao trên bầu trời. Đó là một hiện tượng cho biết trời sắp mưa. Biết trước trời mưa, nắng thì mọi công việc làm ăn, nhất là nghề nông mới chủ động tích cực, mới tránh được rủi ro thiệt hại. Câu tục ngữ “Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa” là một kinh nghiệm hay về dự báo thời tiết mùa hè. Mùa đông thì trái lại: “Nhiều sao thì mưa, thưa sao thì nắng”.
Câu tục ngữ “Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa” có nhiều người còn nói:
- “Nhiều sao thì nắng, vắng sao thì mưa”.
- “Dày sao trời nắng, vắng sao trời mưa”.
3. Nhà nông, dân chài lưới, dân đi rừng ở ta chỉ có nhìn mây, nhìn ráng, nhìn mống cụt, cầu vồng mà đoán được gió bão, lũ lụt,... Câu tục ngữ: “Ráng mỡ gà, có nhà thì giữ” là một kinh nghiệm quý báu về dự báo thời tiết. Ráng là gì ? Cuốn “Từ điển Tiếng Việt” do Văn Tân chủ biên đã giải nghĩa như sau: “Ráng là đám mây màu sắc hồng, hoặc vàng... do ánh mặt trời buổi sáng sớm hoặc buổi chiều tà chiếu vào”. Ráng mỡ gà là ráng vàng tươi óng ánh. Có ráng mỡ gà xuất hiện ở trên bầu trời, nhân dân ta biết trời sắp nổi gió to, sắp bão, cần phải chuẩn bị giữ gìn, chằng buộc, chống đỡ, nhất là nhà gianh vách đất. Còn có những câu tục ngữ khác cũng nói về ráng:
- “Ráng vàng thì gió, ráng đỏ thì mưa”.
- “Ráng vàng thì gió, ráng mỡ chó thì mưa”.