Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thực phẩm ở nước ta. Năm 2021, tỉ trọng nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm khoảng 32% GRDP của vùng. Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu hàng hoá.
- Lúa gạo: Đồng bằng sông Cửu Long đứng đầu cả nước về diện tích, sản lượng lúa gạo. Năm 2021, vùng chiếm 53,9% diện tích gieo trồng và 55,5% sản lượng lúa gạo của cả nước, với nhiều giống mới cho năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cơ giới hoá được áp dụng rộng rãi trong sản xuất. Các tỉnh có sản lượng lúa lớn là Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang.
- Cây ăn quả: Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất cây ăn quả lớn, chiếm khoảng 33% diện tích cả nước (năm 2021), với các loại trái cây chủ lực là: nhãn, cam, xoài, bưởi, chôm chôm, sầu riêng,... Các vùng trồng cây ăn quả quy mô lớn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đã được hình thành ở Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long....
- Thuỷ sản phát triển mạnh, vùng đứng đầu cả nước về nuôi trồng và khai thác. Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng của vùng tăng nhanh và chiếm khoảng 70% sản lượng thuỷ sản nuôi trồng cả nước, trong đó, cá tra và tôm có giá trị xuất khẩu cao. Các tỉnh nuôi trồng thuỷ sản nhiều là: Đồng Tháp, An Giang,.... Sản lượng thuỷ sản khai thác chiếm khoảng 38,5% so với cả nước (năm 2021), chủ yếu là cá biển. Các tỉnh có sản lượng thuỷ sản khai thác lớn là: Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre....