Bài 24. Khai thác thế mạnh ở trung du và miền núi Bắc Bộ

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
datcoder

Dựa vào các hình 24.1, 24.2 và thông tin trong bài, hãy:

- Chứng minh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có thế mạnh về cây trồng có nguồn gốc cận nhiệt, ôn đới.

- Trình bày hiện trạng và định hướng phát triển trong khai thác thế mạnh về cây trồng có nguồn gốc cận nhiệt, ôn đới của vùng.

datcoder
24 tháng 3 lúc 17:45

* Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có thế mạnh về cây trồng có nguồn gốc cận nhiệt, ôn đới

- Trung du và miền núi Bắc Bộ có địa hình chủ yếu là đồi núi. 

+ Phần lớn diện tích là đất feralit trên đá phiến, đá vôi và các loại đá mẹ khác. 

+ Khí hậu mang tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa có mùa đông lạnh, phân hoá theo độ cao. 

=> Trung du và miền núi Bắc Bộ có điều kiện thuận lợi để phát triển các loại cây trồng có nguồn gốc cận nhiệt, ôn đới.

- Dân cư, lao động của vùng có nhiều kinh nghiệm trong canh tác và chế biến các sản phẩm cây công nghiệp, rau quả cận nhiệt và ôn đới. 

- Vùng có cơ sở hạ tầng, vật chất – kĩ thuật đang được nâng cấp; công nghệ trong canh tác và chế biến phát triển; thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ngày càng mở rộng.

* Hiện trạng 

- Cây công nghiệp:

+ Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn của nước ta, nhất là các cây công nghiệp có nguồn gốc cận nhiệt và ôn đới. 

+ Tiêu biểu là cây chè, chiếm hơn 3/4 diện tích cây công nghiệp lâu năm của vùng. 

+ Các vùng chuyên canh chè đã hình thành và phát triển ở các tỉnh như Thái Nguyên, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang,... 

+ Sản lượng chè búp đạt khoảng 805 nghìn tấn, chiếm 73,8% sản lượng chè búp cả nước (năm 2021).

- Rau, quả: 

+ Trung du và miền núi Bắc Bộ có diện tích cây ăn quả lớn thứ 2 cả nước (sau vùng Đồng bằng sông Cửu Long) với các sản phẩm có nguồn gốc cận nhiệt, ôn đới như đào, vải thiều, xoài, mận, nhăn,... 

+ Diện tích cây ăn quả của vùng có xu hướng mở rộng, hình thành các vùng chuyên canh ở Sơn La, Hoà Bình, Bắc Giang,... 

+ Một số tỉnh có thể trồng và sản xuất hạt giống rau ôn đới như Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang,...

+ Cây dược liệu: các loại cây dược liệu như quế, hồi, tam thất, đỗ trọng,... phân bố ở Cao Bằng, Lạng Sơn, dãy Hoàng Liên Sơn,...

* Định hướng 

Trung du và miền núi Bắc Bộ phát triển nền nông nghiệp hàng hoá, ứng dụng công nghệ cao; phát triển các vùng chuyên canh tập trung với quy mô thích hợp như chè, hoa, rau, quả;... trên cơ sở xác định lợi thế so sánh của từng địa phương và nhu cầu thị trường; ứng dụng tiến bộ khoa học – kĩ thuật; sản xuất hữu cơ; thúc đẩy hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị bền vững; tập trung đầu tư công nghệ chế biến để gia tăng giá trị cho các sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.