Bài 8: Dịch vụ

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
datcoder

Dịch vụ nước ta ngày càng phát triển đa dạng và là ngành kinh tế chủ đạo, động lực để thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Vậy các nhân tố quan trọng nào ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố các ngành dịch vụ? Mạng lưới giao thông vận tải, ngành bưu chính viễn thông phát triển ra sao? Xu hướng phát triển mới của thương mại và du lịch là gì?

 

Nguyễn  Việt Dũng
20 tháng 4 lúc 11:33

a.     Nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố các ngành dịch vụ:

Trình độ phát triển kinh tế, đặc điểm dân số, khoa học – công nghệ, chính sách, vốn đầu tư, thị trường, vị trí địa lí, tài nguyên thiên nhiên,...

b.    Sự phát triển Mạng lưới giao thông vận tải, ngành bưu chính viễn thông

- Ngành bưu chính viễn thông nước ta phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống. Doanh thu dịch vụ bưu chính viễn thông ngày càng tăng với nhiều loại hình dịch vụ.

+ Bưu chính: Mạng lưới bưu cục được xây dựng, phát triển và phân bố rộng rãi với nhiều dịch vụ mới như: dịch vụ chuyển phát nhanh, điện hoa, phát hành báo chí, tài chính,... Chuyển đổi số trong hoạt động bưu chính được đẩy mạnh với các trung tâm bưu chính ứng dụng công nghệ số, các doanh nghiệp bưu chính ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới....

+ Viễn thông: Mạng lưới viễn thông phát triển nhanh, đa dạng, gồm mạng điện thoại, mạng phi thoại và mạng truyền dẫn. Mạng điện thoại không ngừng phát triển với số điện thoại bình quân trên 100 dân ngày càng tăng, trong đó điện thoại thông minh ngày càng được sử dụng rộng rãi.

- Mạng truyền dẫn phát triển, nước ta hội nhập với thế giới qua hệ thống vệ tinh và cáp quang. Tính đến năm 2021, Việt Nam có 7 tuyến cáp quang biển kết nối đi quốc tế, 2 hệ thống truyền dẫn vệ tinh. Mạng băng rộng cố định phủ sóng toàn quốc với tổng chiều dài hơn 1,1 triệu km; mạng băng rộng di động phát triển mạnh mẽ với các thế hệ 3G, 4G, 5G. Số thuê bao internet và doanh thu viễn thông ngày càng tăng.

c.     Xu hướng phát triển mới của thương mại và du lịch:

- Đẩy mạnh phát triển du lịch bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh, đảm bảo hài hoà giữa phát triển du lịch với sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh quốc phòng; chú trọng phát triển du lịch văn hoá gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hoá dân tộc.

- Phát triển du lịch theo hướng ứng dụng công nghệ số, công nghệ xanh, sạch trong kinh doanh du lịch. Phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, trong đó chú trọng các sản phẩm du lịch đặc trưng, có lợi thế cạnh tranh: du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo và du lịch thể thao; du lịch văn hoá, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn; du lịch kết hợp chăm sóc sức khoẻ, giáo dục....