Rừng được ví như lá phổi xanh của con người. Chính vì vậy, bảo vệ rừng chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.
Rừng là nơi cây xanh phát triển. Như ta đã biết, cây xanh khi quang hợp sẽ tiếp nhận khí các-bo-níc và thải ra khí ô-xi – rất cần thiết cho quá trình hô hấp của con người nói riêng và nhiều loài động vật trên thế giới nói chung.
Nhờ cây xanh mà bầu không khí trở nên trong lành, giảm thiểu những tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, … góp phần phòng chống thiên tai, bão lũ vốn gây ra nhiều thiệt hại về người và của. Không những thế, rừng còn được trồng vì mục đích phát triển kinh tế. Rừng là nguồn cung cấp gỗ cho các nhà máy sản xuất đồ nội thất, làm giấy,… Rừng cũng là nơi cư trú của nhiều loại động vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng: hổ, khỉ, hươu, … Nhờ có rừng, hệ sinh thái được cân bằng.
Tuy nhiên, dù vai trò quan trọng của rừng nhưng nạn khai thác rừng vẫn diễn ra từng ngày. Chỉ vì cái lợi trước mắt, họ bỏ qua những lợi ích lâu dài mà rừng đem lại. Rừng đầu nguồn bị chặt phá làm cho lũ lụt xảy ra triền miên, làm xói mòn đất đai, nhiều người mất của cải và thậm chí là thiệt mạng. Nhiều cây quý hiếm trong rừng bị chặt phá khiến cho nhiều loài động vật bị mất đi nơi trú ngụ của mình. Nạn đốt rừng làm nương rẫy cũng làm cho diện tích rừng suy giảm nghiêm trọng.
Để bảo vệ rừng, chúng ta cần có những hành động thiết thực ngay từ bây giờ. Cần tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ rừng. Những vùng thường hay xảy ra thiên tai, bão lũ cần trồng rừng đầu nguồn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tích cực trồng cây phủ xanh đồi trọc. Đối với nạn phá rừng, Nhà nước cần có những chính sách chặt chẽ cũng như biện pháp xử lí nghiêm minh nhằm răn đe mọi người.
Bảo vệ rừng không phải là vấn đề của riêng ai. Vì sức khỏe của bản thân, gia đình và xã hội, chúng ta hãy cùng chung tay góp sức bảo vệ rừng
Rừng là một yếu tố thuộc về tự nhiên, đối với cuộc sống của con người có tác động vô cùng quan trọng, có ảnh hưởng quyết định đến sự tồn tại cũng như phát triển của con người. Tuy nhiên, hiện nay, rừng đang bị tàn phá nặng nề, không có quy hoạch do lòng tham của con người. Việc tàn phá rừng gây ra một hậu quả vô cùng nghiêm trọng, đe dọa đến cuộc sống của con người. Bởi vậy, mỗi cá nhân trong cộng đồng cần phải có ý thức bảo vệ ừng, bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta.
Cùng với đất, nước, không khí, rừng là một yếu tố thuộc về tự nhiên, tuy nhiên hiện nay rừng lại chịu tác động mạnh mẽ bởi những hành động chủ quan của con người. Trước hết, ta có thể nói về vai trò của rừng, đối với cuộc sống của con người hay thế giới tự nhiên thì rừng đều đóng một vai trò quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống của con người cũng như những loài sinh vật trong tự nhiên. Rừng có vai trò điều hòa khí hậu, cung cấp khí oxi, hấp thụ khí các bon níc, làm cho không khí trở nên trong lành, giúp cho con người hô hấp, duy trì sự sống.
Rừng còn là môi trường sống của rất nhiều loài sinh vật, thực vật như: hưu, nai, sư tử…như vậy, rừng không chỉ là môi trường sống của các loài sinh vật mà còn là nơi cân bằng hệ sinh thái, duy trì sự đa dạng của thế giới sinh vật. Về kinh tế, rừng còn cung cấp những tài nguyên thiên nhiên có giá trị, đó là gỗ, vật liệu cho thủ công mĩ nghệ, cho y học…
byRừng có vai trò to lớn đối với cuộc sống của con người, góp phần cân bằng, điều hòa, duy trì sự tồn tại cũng như phát triển của con người. Vai trò to lớn, trọng yếu là vậy nhưng ngày nay, vì những lợi ích vật chất tầm thường, con người đã tàn phá rừng khiến cho rừng bị thiệt hại một cách nặng nề, tình trạng này kéo dài sẽ đe dọa đến cuộc sống của chính con người. Rừng bị tổn hại có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan nhưng quan trọng hơn hết đó là do hành vi tàn phá của con người gây nên. Vào mùa hạ, khi nhiệt độ lên cao, thời tiết khô dẫn đến cháy rừng. Tuy nhiên, đó chỉ là một nguyên nhân rất nhỏ dẫn đến thực trạng tàn phá rừng hiện nay.
Con người vì mục đích kinh tế, vì lợi ích của bản thân mà chặt phá rừng bừa bãi, phá rừng lấy gỗ hay để săn bắt những động vật quý hiếm trong rừng. Những hành vi này gây ra những hậu quả khôn lường mà con người trong cả một cộng đồng sẽ phải gánh chịu, không có rừng những thiệt hại mà mỗi mùa thiên tai về khiến cho con người thiệt hại nặng nề cả về người và tài sản. Nước lũ không có sức cản của rừng cuốn trôi đi những căn nhà, tài sản, thậm chí cướp đi chính mạng sống của con người.
Rừng bị tàn phá cũng như lá phổi xanh của loài người bị tổn hại, không khí ô nhiễm không được thanh lọc càng trở nên ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người. Mất rừng, các loài sinh vật cũng mất đi nơi cư trú, làm thiệt hại lớn về tài nguyên sinh vật, làm cho nhiều loài bị tuyệt chủng. Một nguyên nhân khác dẫn đến rừng bị tàn phá như ngày nay, đó chính là do sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người.Những người dân miền núi đã đốt rừng làm nương, vô tình làm mất đi sự phong phú vốn có của rừng.
Như vậy, để bảo vệ rừng cũng là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta thì Đảng và nhà nước cần đề ra những biện pháp thiết thực, nghiêm khắc và có tính răn đe đối với những hành vi chặt phá rừng bừa bãi. Tăng cường lực lượng kiểm lâm giám sát để bảo vệ rừng. Mặt khác, ta cần trồng rừng trên những vùng đất trống đồi núi trọc để gây rừng, hạn chế tác hại của các loại thiên tai bất thường.
Nhà nước cần giao đất, giao rừng cho người dân để hạn chế tình trạng di canh, di cư, đốt rừng làm nương của cư dân miền núi. Có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân trồng rừng. Nâng cao công tác tuyên truyền đến những người dân cả nước. Đối với mỗi cá nhân cần có ý thức bảo vệ rừng và tuyên truyền để bạn bè và người thân cùng thực hiện.
Rừng có vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của con người. Để bảo vệ cuộc sống của mình thì ngay từ bây giờ, mỗi cá nhân cần phát huy ý thức tự giác trong bảo vệ và phát triển rừng.