Văn học là nhân học. Mục đích cao cả của các tác phẩm văn chương là hướng người đọc đến sự hiểu biết và ca ngợi tình yêu thương vô bờ bến giữa con người với con người. Các văn bản truyện trong chương trình Ngữ văn lớp 8 như Trong lòng mẹ của Nguyên Hồng, Tức nước vỡ bờcủa Ngô Tất Tố hay Lão hạc của Nam cao đã thể hiện rõ nền văn học dân tộc ta luôn ngợi ca tình yêu thương đó.
Các tác phẩm văn học này nằm trong trào lưu văn học hiện thực. Đó là trào lưu văn học gồm các nhà văn hướng ngòi bút vào việc phơi bày thực trạng bất công, thối nát của xã hội và đi sâu phản ánh thực trạng thống khổ của các tầng lớp quần chúng bị áp bức bóc lột đương thời. Nói chung các sáng tác của trào lưu văn học này có tính chân thực cao và thấm đượm tinh thần nhân đạo.
Tinh thần nhân đạo hay còn gọi là tình yêu thương giữa người với người thể hiện qua nhiều mối quan hệ xã hội, đó là tình cảm xóm giếng, tình cảm gia đình.
Tình cảm xóm giếng được thể hiện đặc sắc trong hai tác phẩm Tức nước vỡ bờ của Ngô Tất Tố và Lão hạc của Nam cao.
Văn Học Của Dân Tộc Ta Luôn Ngợi Ca Tình Yêu Thương Giữa Con Người
Đoạn trích Tức nước vỡ bờ thuộc tiểu thuyết Tắt đèn (1939), tác phẩm tiêu biểu nhất của Ngô Tất Tố, « một thiên tiểu thuyết có tính luận đề xã hội hoàn toàn phụng sự dân quê, một áng văn có thể là kiệt càng, tùng lai chưa từng thấy » (Vũ Trọng Phụng). Qua câu chuyện về chị Dậu và gia đình chị, Tắt đèn tập trung thể hiện nỗi khốn cùng của ngừoi nông dân dưới ách sưu thuế của chế độ thực dân, sự bóc lột hà hiếp của bọn địa chủ cường hào, quan lại.
Bên cạnh ngòi bút hiện thực sắc sắc, sinh động, phản ánh được hiện thực bất nhân của xã hội thực dân phong kiến đương thời thì thiên tiểu thuyết còn thấm đẫm tình người. Một trong những tình cảm cao quý mà chúng ta phải nhắc đến đó là tình cảm của hàng xóm, láng giềng, của bà lão láng giềng với vợ chồng chị Dậu.
Ngô Tất Tố viết về tình cảm xóm giềng này trong đoạn đầu của đoạn trích Tức nước vỡ bờ. Đó là lúc anh Dậu được giải từ ngoài đình về : « Đêm hôm ấy, người ta cõng anh Dậu rũ rượi như một xác chết ở ngoài đình về… ». Khi anh Dậu mới ở ngoài đình về, bà lão láng giềng đã « lật đật chạy sang :
– Bác trai đã khá rồi chứ ? »
Ngay cái dáng vẻ « lật đật » của bà lão đã chứng tỏ rằng bà rất lo lắng cho vợ chồng nhà chị Dậu. Không những thế, bà lão còn đưa ra những lời khuyên cho chị Dậu : « Này bảo bác ấy có trốn đi đâu thì trốn. Chứ cứ nằm đấy, chốc nữa họ vào thúc sưu, không có, họ lại đánh trói thì khổ. Người ốm rề rề như thế, nếu lại phải một trận đòn, nuôi mấy tháng cho hoàn hồn »
Lời nói của bà lão hàng xóm thể hiện nỗi lo của bà, bà lo cho anh Dậu vừa mới khỏe lại được một tí nếu bọn thúc sưu đến bị đánh trói thì khổ ra, thì « nuôi mấy tháng cho hoàn hồn ». Bà lão còn giục thêm : « giục anh ấy ăn mau lên ». Sau khi khuyên bảo xong, bà lão lại « lật đật trở về với vẻ mặt boăn khoăn ».
Chỉ một đoạn văn ngắn thôi, Ngô Tất Tố đã thể hiện được tình cảm hàng xóm, láng giềng sâu sắc giữa gia đình chị Dậu và bà lão. Mặc dù, giữa họ không có quan hệ ruột thịt với nhau, nhưng bà lão với cái dáng vẻ « lật đật » của mình đã thể hiện được sự lo lắng, sự quan tâm chân thành dành cho gia đình chị Dậu. Tình cảm đó thật xúc động biết bao.
Nếu như trong tác phẩm Tức nước vỡ bờ tình cảm làng xóm đầy xúc động như vậy, thì trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam cao tình cảm ấy được thể hiện như thế nào. Đó là tình cảm giữa lão Hạc và ông giáo.
Lão Hạc là một người nông dân có hoàn cảnh và số phận đáng thương. Nhà nghèo, không có tiền cho con cưới vợ, người con trai duy nhất của lão đã phải bỏ đi làm đồn điền cao su. Vợ lão lại mất sớm, lão chỉ có mỗi con chó vàng làm bầu bạn. Nhưng thật may thay, lão có ông giáo – người hàng xóm tốt bụng ở bên cạnh. Đối với lão Hạc, ông giáo không chỉ là một người bạn thân thiết mà còn là một người thầy đáng kính trọng, có thể tin tưởng và nhờ vả được. Khi muốn bán chó, lão đều hỏi ý kiến của ông giáo như một vị cố vấn của mình: « Có lẽ tôi bán con chó đấy, ông giáo ạ ! ». Sau khi bán chó, đau đớn, xót xa lão cũng sang tâm sự với ông giáo : « Cậu vàng đi đời rồi, ông giáo ạ ! » và lão không dấu cảm xúc ăn năn hối hận của mình trước sự việc bán « cậu vàng ». Đặc biệt, sau khi bán chó, tất cả tài sản mà lão dành dụm được bao gồm mảnh vườn và những đồng tiền cuối cùng lão đều nhờ ông giáo giữ hộ để sau này sau anh con trai đi đồn điền cao su về thì đưa cho nó. Phải nói rằng lão Hạc đã đặt tất cả niềm tin của mình vào ông giáo.
Về phần ông giáo, lúc đầu dường như ông không hiểu được nỗi băn khoăn của lão Hạc, nhưng sau đó, sau khi đã hiểu ra hoàn cảnh đáng thương của lão, ông giáo hết sức thông cảm và giúp đỡ lão Hạc.
Mối quan hệ bà con, xóm giềng của lão Hạc và ông giáo quả thật là một mối quan hệ tối đẹp, mặc dù xét về trình độ và tuổi tác họ đều lệch nhau và dường như không có bất kì một điểm chung nào.
Mảng tình cảm gia đình là mảng tình cảm đặc sắc được thể hiện trong truyện. Đó là tình mẫu tử trong tác phẩm Trong lòng mẹ của nhà văn Nguyên Hồng, đó là tình cha con trong tác phẩm Lão Hạc của Nam Cao, đó là tình vợ chồng trong Tức nước vỡ bờ của nhà văn Ngô Tất Tố.
Tình mẫu tử trong tác phẩm của Nguyên Hồng được cảm nhận sâu sắc từ phía đứa con. Xã hội phong kiến xưa đã đày đoạ hai mẹ cọn chú bé, đẩy hai người vào tình cảnh trớ trêu : mẹ phải bỏ con mà đi tha phương cầu thực, để rồi chú bẹ trở thành tiêu điểm của những lời dị nghị, chê trách, mỉa mai, đay nghiến của mọi người. Điều khiến chú bé tiếp tục sống và chịu đựng chính là hình ảnh người mẹ hiền từ, cái tình mẫu tử thiêng liêng mà chú khao khát có được. Chú bé Hồng muốn tiếp tục sống để bảo vệ mẹ khỏi những người đố kị và ghen ghét của cái xã hội phong kiến thối nát đầy hủ tục.
“Hồng ! Mày có muốn vào Thanh Hoá chơi với mẹ mày không ?”. Thoạt nghe ta tưởng như đây là lời hỏi chân tình, thương cảm nhưng đâu phải như thế. Giọng điệu cay độc, mỉa mai, cố tình ngân ra thật dài và nụ cười rất kịch của người cô đủ làm bé Hồng hiểu ra ý nghĩa đằng sau đó. Đây không phải là duy nhất một lần mà ngày này qua ngày khác, người cô giày vò tâm hồn chú bé và không phải ai cũng có thể phân biệt đúng sai mà giữ trọn cho mình hình tượng người mẹ kính yêu như bé Hồng. Không chỉ hiểu được dã tâm độc ác của cô, chú bé còn dũng cảm thể hiện thái độ bênh vực mẹ, dù cho nó là yếu ớt, cô độc nhưng phải yêu mẹ biết nhường nào thì Hồng mới có những cách ứng xử như vậy. Người cô dùng lời lẽ thâm độc như mũi dao chọc vào trái tim bé nhỏ của cậu bé, mặc cho đứa cháu vẫn còn rất nhỏ tuổi và sống thiếu thốn tình cảm từ bé. Liệu có ai bình thường được khi phải nghe người khác nhục mạ mẹ của mình, hơn nữa Hồng vẫn còn là một cậu bé ? Lòng của chú thắt lại quặn đau, mắt cay cay rồi chẳng biết khi nào nước mắt đã đầm đìa. Tác giả miêu tả chú bé “cười dài trong nước mắt“, một cảm giác mà dường như chỉ những người từng trải mới có được. Phải chăng “sự từng trải” ở chú bé có được là do quá trình “rèn luyện” của người cô ?
“Giá những cổ tục đã đày đoạ mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thuỷ tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kì nát vụn mới thôi”. Phản ứng tâm lí này khiến ta thật bất ngờ khi nó tồn tại trong tâm hồn của một đứa trẻ. Bé Hồng mong muốn một cái vô hình chính là những hủ tục kia biến thành vật hữu hình để chú có thể xả cơn căm tức, trút bỏ tất cả sự nhẫn nhục, tủi thân vào. Ai cũng yêu thương những người thân của mình nhưng để có thể bất chấp tất cả, hi sinh chỉ để bênh vực và giữ trọn tình cảm thiêng liêng đó thì quả thực Hồng là một đứa con yêu mẹ vô cùng, dù cho cậu bé vẫn còn rất nhỏ. Ta tưởng rằng ở cái tuổi này thì Hồng phải rất hồn nhiên và trong sáng như bao bạn cùng lứa nhưng hoàn cảnh đã khiến trong đầu chú bé hình thành những suy nghĩ già dặn và chín chắn. Nó giúp chú nhận ra được bộ mặt cay độc của người cô, để đứng về phía tình mẫu tử cao quý, nơi đó có người mẹ mà Hồng vô cùng yêu thương. Nếu không tồn tại những hủ tục kia thi biết đâu người mẹ có thể tìm thấy hạnh phúc đích thực cho mình mà vẫn có thể sống đường hoàng cùng hai anh em chú. Ban đầu là sự tủi nhục, đau đớn rồi đẩy lên căm tức, phẫn nộ xã hội thối nát xưa mà đặc biệt hiện thân là người cô, bé Hồng cho thấy thái độ kiên quyết của mình không để cho “những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến”. Cậu luôn tự nhủ với bản thân và còn khẳng định với người cô : “… Cuối năm thế nào mợ cháu cũng về” để chứng tỏ một niềm tin vào người mẹ yêu quý sẽ không bao giờ quên được anh em chú như người cô đã nói. Bé Hồng thiếu thốn tình mẫu tử từ nhỏ nhưng càng vì thế mà chú càng khao khát nó và quyết gìn giữ khỏi những ý đồ xấu xa, vì cậu tin rằng, sẽ có một ngày, một ngày rất gần thôi : Hồng sẽ được sà vào lòng người mẹ thân yêu.
Mẹ của bé Hồng phải thực dũng cảm khi trở về để vừa giỗ đầu chồng. Bà sẵn sàng đối mặt với những người họ hàng cay nghiệt, độc ác, cổ hủ bởi tình mẫu tử là không thể nào quên được. Tình cảm mẹ con dường như là rất tự. Cái ngày không xa đó đã đến. Một chiều tan học về, cậu thấy có bóng người ngồi trên xe kéo. Một cảm giác rất lạ rằng đó chính là mẹ, cậu chạy với theo và gọi : “Mợ ơi ! Mợ ơi !”. Hình ảnh so sánh “khác gì cái ảo ảnh của một dòng nước trong suốt chảy dưới bóng râm đã hiện ra trước con mắt gần rạn nứt của người bộ hành ngã gục giữa sa mạc” làm ta nhận thấy được sự yêu thương mãnh liệt của chú bé sau những ngày tháng tủi cực vừa qua. cảnh hai mẹ con đoàn tụ thật xúc động. Đối với Hồng, chú thấy mẹ đẹp lạ thường, phải chăng do lâu ngày xa cách mà cảm giác vui mừng đoàn tụ khiến em nhìn mẹ mình yêu thương hơn, đẹp đẽ hơn. Hơi quần áo, hơi thở và đặc biệt là hơi ấm từ lòng mẹ làm Hồng thấy hạnh phúc và sung sướng biết bao, như quên hết tất cả rắp tâm bẩn thỉu của người cô.
Nhưng trong hoàn cảnh của Hồng và mẹ của chú thì nó lại vô cùng khó khăn và trắc trở. Cả hai đều phải vượt qua những thử thách riêng để cuối cùng họ được đoàn tụ, gặp nhau trong niềm vui khôn xiết. Người mẹ rối rít hỏi con thời gian qua sống ra sao rồi cứ quấn quýt mãi không rời. Bà đã truyền cho đứa con hơi ấm đích thực từ tình yêu thương của mẹ mà bấy lâu nay đã không thể làm, bà đã ở bên Hồng, ôm chú vào lòng mà mong sao xoá đi những kí ức cô đơn, lẻ loi của cậu bé. Thời gian lúc đó cũng như ngừng trôi để khoảnh khắc hai mẹ con được bên nhau cứ dài thêm, dài thêm.
Tình mẫu tử trong đoạn trích về câu chuyện của bé Hồng thật thiêng liêng và quý giá biết bao. Chính chú bé đã đứng về phía mẹ mình, bảo vệ mẹ trước cái xã hội phong kiến mà hình ảnh tiêu biểu là người cô. Tác giả đã thể hiện sự khổ sở, đau lòng của người mẹ trong hoàn cảnh trớ trêu mà đặc biệt là khao khát tình yêu thương mãnh liệt của bé Hồng. Vì nó mà chú có thể làm tất cả để đấu tranh với cái hủ tục, lề lối cổ xưa để nhất quyết giữ trọn hình ảnh người mẹ dịu hiền và lương thiện trong mình, cảm xúc này của một đứa trẻ làm ta thực sự phải rung động và bất ngờ.
Lão Hạc là người nông dân có hoàn cảnh đáng thương nhưng rất mực yêu thương con. Nhắc đến con trai lão, ta hiểu lão yêu con sâu sắc đến nhường nào! Lão thương con không lấy được vợ, phẫn chí phải ra đi. Trong việc lỡ dở tình duyên này, lão luôn day dứt vì mình không phải. Ai đời làm cha mà không lo nổi hạnh phúc cả đời cho con, để nó phải đi làm đồn điền cao su? Lão thương con đứt ruột nhưng lại bất lực để con ra đi vì những hủ tục của xã hội đương thời. Lão không cho nó bán vườn đâu phải vì không thương nó, đứa con mới lớn sao hiểu được sự lo lắng của người cha đã từng trải, suy nghĩ thấu đáo cho tương lai của con : “ Ai lại bán vườn đi lấy vợ ? Vả lại bán vườn đi thì cưới vợ về ở đâu? Với lại , nói cho cũng nữa, nếu đằng gái họ cứ khăng khăng đòi như vậy, thì dẫu có bán vườn đi cũng không đủ cưới”. Con trai lão “thấy bố nói thế thì thôi ngay”, “thôi” nhưng nó có vẻ buồn vì “hai đứa mê nhau lắm”. Trước lúc đi xa, nó không những không giận bố mà còn biếu bố hẳn 3 đồng bạc. Đối với lão, tất cả những chi tiết ấy như một kỉ vật thiêng liêng về lòng hiếu thảo, Bởi vậy khi nhắc đến con trong những cuộc trò chuyện với ông giáo, đôi mắt lão Hạc lại rưng rưng. Lão ngậm ngùi trong tiếng nấc , bất lực, cam chịu thấy con ra đi : “ Thẻ của nó, người ta giữ. Hình của nó, người ta chụp rồi. Nó lại đã lấy tiền của người ta. Nó là người của người ta rồi, chứ đâu có còn là con tôi?”. Con trai đi rồi, lão cô đơn nay lại càng cô đơn hơn. Lí lẽ lão biện hộ để giữ lại mảnh vườn cho con rất lạ : lão đứng về phía con mà chống lại mọi thứ. Viết giấy làm văn tự nhượng lại cho ông giáo là người nhiều chữ nghĩa, lí luận đã đành, lão còn chống lại cả chính mình nữa: “ của mẹ nó tậu thì nó hưởng”. Ông giáo khuyên cứ để tiền đấy mà ăn, lão năn nỉ : “ Đã đành rằng thế. Nhưng tôi bòn vườn của nó bao nhiêu, hết tiền cả. Nó vợ con chưa có, ngộ nó không lấy gì lo được, lại bán vườn thì sao? Tôi cắn rơm cắn cỏ tôi lạy ông giáo! Ông giáo có nghĩ cái tình tôi già nua tuổi tác mà thương thì ông giáo cứ cho tôi gửi”. Thì ra tình thương con không chỉ thể hiện qua cách ứng xử, với lão Hạc, nó là một nguyên tắc sống. Chính lão không cho phép mình động chạm vào thứ mực thước tinh thần do chính lão đặt ra. Cuộc đời lão như dòng sông bên lở bên bồi. Lão là bên lở cứ lở mãi để bên bồi của con được bồi đắp thêm phù sa màu mỡ. tươi tốt Lão âm thầm hi sinh chỉ mong con có một tương lai tốt đẹp . Lão còn bán cả cậu vàng – con chó mà lão rất mực thương yêu vì sợ ăn phạm vào những đồng bạc cuối cùng của con trai lão. Và kết cục lão đành chọn cái chết vì muốn giữ lại mảnh vườn và tiền cho con trai. Cái chết tự nguyện của lão xuất phát từ lòng yêu con âm thầm mà lớn lao.
Chị Dậu trong “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố là một hình tượng tiêu biểu cho người phụ nữ thương chồng, thương con. Chồng chị ốm đau, vụ thuế đến cùng biết bao tai hoạ… Nào là phải chạy đôn, chạy đáo để cho đủ số tiền nộp sưu cho chồng mà không có một hạt cơm nào vào bụng. Chị như phải mò kim dưới đáy bể, như lạc vào cái sa mạc cát nóng bỏng, gió thổi tạt vào người như lửa. Trong cảnh “nửa đêm thuế thúc trống dồn” không có tiền nộp sưu cho chồng, vay mượn thì đều là bạn nghèo ai cũng không có, kẻ nhà giàu địa chủ thì đòi trả lãi với giá cắt cổ, chị đành phải bán đứa con ngoan ngoãn bé bỏng mà chị đã mang nặng đẻ đau, mà đã đến lúc nó có thể giúp chị rất nhiều. Chúng ta có thể cảm nhận được nỗi đau như đứt từng khúc ruột của chị khi bán cái Tý. Cái cảnh chị nuốt nước mắt vào trong mà van lạy cái Tý, thằng Dần để chúng đồng ý cho chị dẫn cái Tý sang nhà Nghị Quế làm người đọc không cầm lòng được. Cuộc đời chị bất hạnh này lại nối tiếp khổ đau kia. Sau khi bán con và đàn chó mới đẻ, cóp nhặt đem tiềm nộp sưu cho chồng xong tưởng chừng nạn kiếp đã xong mà cố gắng sống những ngày bình yên bên người chồng ốm yếu, nhưng bọn lý trưởng, chánh tổng trong làng lợi dụng thuế má muốn đục nước béo cò bắt chị phải nộp thêm suất sưu cho em chồng đã chết từ năm ngoái. Người đã chết, đã đi vào cõi hư vô, còn đâu mà bắt người ta đóng thuế, thật quá bất công. Rồi chị còn phải chứng kiến cảnh chổng ốm đau bệnh tật, rũ rượi như một chiếc lá héo khô bị ném vào nhà, chị chăm sóc cho anh chưa kịp hoàn hồn thì bọn cai lệ và người nhà lý trưởng xông vào định bắt trói anh điệu ra đình vì thiếu sưu của em mình. Trong hoàn cảnh ấy không thể chịu đựng được nữa, tình yêu thương chồng và nỗi tức giận bị đè nén bấy lâu đã thôi thúc chị hành động. Chị đã xông vào bọn chúng đánh trả quyết liệt sau những lời van xin thiết tha không hiệu nghiệm để rồi kết quả là cả hai vợ chồng chị bị bắt giải ra đình để quan tư phủ xử tội vì đã chống lại “người nhà nước”. Những khổ cực mà chị Dậu phải chịu cũng như những tâm lý uất ức trào dâng bột phát thể hiện thành hành động phản kháng của chị chính là hình ảnh chân thực về cuộc sống của người nông dân trước cách mạng tháng Tám.
Bằng những dẫn chứng trên, chúng ta có thể khẳng định lại rằng : văn học của dân tộc ta luôn ngợi ca tình yêu thương giữa con người với con người.
Văn học dân tộc ta luôn ca ngợi tình yêu thương giữa người với người. Văn học là nghệ thuật sáng tạo mà nhà thơ nhà văn dùng ngôn từ của mình để diễn đạt và thể hiện quan điểm, tư tưởng, tình cảm. Một đặc điểm chung mà bất kì tác phẩm nào cũng có chính là văn học luôn gắn với tình thương. Nói văn học dân tộc ta luôn ca ngợi tình yêu thương giữa người với người quả không sai. Trước hết văn học của ta đề cập đến tình cảm trong gia đình, bởi vì mỗi con người khi sinh ra và lớn lên trong mái ấm gia đình đều cảm nhận được tình yêu mà mọi người dành cho mình cũng như của mình với mọi người trong gia đình. Một thứ tình cảm mà chỉ có máu mủ ruột rà mới hiểu được. Trong đó có tình mẫu tử là cao quí hơn cả. Hình ảnh cậu bé Hồng trong tác phẩm “những ngày thơ ấu”mà chúng ta đã học, cho chúng ta thấy rằng: tình mẫu tử là nguồn thiêng liêng và kì diệu, là mối dây bền chặt không gì ch ia cắt được. Cậu bé Hồng phải sống trong cảnh mồ côi, chịu sự hành hạ của bà cô, cha mất, mẹ phải đi tha hương cầu thực, ấy vậy mà cậu không hề oán giận mẹ mình, ngược lại lại vô cùng kính yêu, thương nhớ mẹ. Câu chuyện đã làm rung động biết bao trái tim của độc giả. Không chỉ phản ánh tình mẫu tử, văn học còn cho ta thấy một tình cảm vô cùng đẹp đẽ, sâu sắc không kém, đó là tình cảm vợ chồng. Còn nhớ chị Dậu trong tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô tất Tố, 1 người phụ nữ đảm đang, yêu thương chồng con hết mực, dám vùng dậy đấu tranh, đánh trả bọn cai lệ và người nhà lí trưởng để bảo vệ chồng, con mình. Đây là một hình ảnh điển hình của phụ nữ Việt Nam ta, thật đúng với câu ca dao: ”Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”. Bên cạnh những tình cảm trên, tình anh em ruột thịt cũng thật đáng quý. Chắc hẳn các bạn còn nhớ câu chuyện “Cuộc chia tay của những con búp bê” mà chúng ta đã học trong chương trình Ngữ Văn lớp 6. Đây là một cuộc chia tay đầy nước mắt của hai anh em Thành và Thủy để đến sống ở 2 nơi khác nhau. Câu chuyện đã làm biết bao người rơi nước mắt, cho thấy tình cảm anh em gắn bó thân thiết đến nhường nào. Con người khác con vật ở chỗ biết tư duy, suy nghĩ và yêu thương nhau. Dù có khác biệt nhau về màu da, chủng tộc hay không cùng ngôn ngữ, không cùng gia đ ình, dòng họ nhưng đã là người thì phải sống yêu thương, chan hòa, một tình yêu không bó gọn trong phạm vi nhất định mà nó mở rộng ra toàn nhân loại, yêu tất cả con người. Nhưng trong đó, thiêng liêng nhất vẫn là tình đồng bào. Ngày xưa, mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân đã sinh ra một trăm trứng và nở ra trăm con, 50 người con xuống biển sau này trở thành người miền xuôi, còn 50 người con khác lên núi sau này trở thành các dân tộc miền núi. Trước khi đi, Lạc Long Quận có dặn Âu Cơ rằng: sau này có gì khó khăn thì giúp đỡ nhau. Điều đó cho thấy người xưa còn nhắc nhở con cháu phải biết thương yêu, tương trợ nhau. Mỗi khi miền nào trên đất nước ta có hoạn nạn, thiên tai lũ lụt thì những nơi khác đều hướng về nơi ấy, chung sức chung lòng quyên góp, ủng hộ vật chất lẫn tinh thần. Đi chung với tình yêu đồng bào đó là tình yêu quê hương đất nước. Trong cuộc sống bộn bề, nhiều người cảm thấy quê hương là cái gì đó rất xa vời, coi như chuyện bảo vệ biên cương đất nước là chuyện của ai đó chứ không phải là mình, vì mình còn phải lo tới tấp đủ chuyện cho công việc, cho gia đình, cho con cái, cho ngày mai… Nhưng quê hương cũng là một cái gì đó rất gần gũi thân thương, khi xem trên truyền hình thấy những cảnh lụt lội, thấy những cảnh bà mẹ già còm cõi, lần từng bước một đến chiếc tủ thờ, thắp mấy nén nhang cho những đứa con trai mình đã hy sinh, thì gỗ đá cũng phải động lòng huống chi là mình, bấy giờ quê hương mới thấy gần gũi làm sao! Thấy thân thiết làm sao! Nếu các bạn có đọc câu chuyện Lòng Ái Quốc của Edmond de Amicis trong tập truyện Tâm Hồn Cao Thượng, chắc hẳn các bạn sẽ xúc động vô cùng khi đọc những lời tâm tình mà người cha đã gửi đến Enr icô: “Con sẽ cảm thấy t ình yêu nước khi con ở nước ngoài, chợt nghe thấy một người trong đám thợ thuyền nói tiếng nước con, theo lòng con xui giục, tự nhiên con sẽ đến hỏi chuyện người thợ không quen ấy. Con sẽ cảm thấy tình yêu nước khi con nghe thấy người ngoại quốc lăng mạ xứ sở con, lòng tức giận sẽ làm cho con nóng mặt. Con sẽ thấy t ình yêu nước mạnh mẽ và cao cả hơn nữa, nếu một ngày kia, quân địch vô cớ dày xéo vào quê hương ta, lúc ấy con sẽ thấy nào cha hôn con khuyên câu dũng cảm, nào mẹ tiễn con hẹn lúc khải hoàn. Con sẽ cảm thấy tình yêu nước khi con trông thấy những đoàn quân vất vả trở về, nhưng với những khúc ca chiến thắng. Con sẽ cảm thấy tình yêu nước khi con trông thấy lá quốc kỳ của ta bị bắn tơi tả, đi đầu một toán người nghĩa dũng, ai nấy đều trưng ra cái trán buộc băng hay cái tay bị bó, trong đám đông dân chúng hoan hỉ, người ta ném hoa mừng và hô vang những lời chúc tụng.” Tuy nhiên, văng học Việt Nam cũng lên án kịch liệt những kẻ thờ ơ, vô trách nhiệm, những kẻ phản lại truyền thống dân tộc vốn giàu lòng nhân ái.Câu chuyện Sọ dừ cũng đã cho ta biết điều đó. Tình thương người được thể hiện qua tình cảm của cô con gái út đối với sọ dừa. Cô út vẫn đưa cơm, chăm sóc sọ dừa một cách tận tình mà không hề quan tâm đến hình dáng xấu xí của chàng. Điều này nhắc nhở chúng ta không nên phân biệt đối xử với người tàn tật, có hình dáng xấu xí, đánh giá con người qua vẻ bề ngoài bởi vì: “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Văn học cũng phaên phán những kẻ thở ơ với tình máu mủ ruột thịt, như bà cô chú bé Hồng trong tác phẩm “Những ngày thơ ấu”, Ông quan trong truyện “Sống chết mặc bay” là tiêu biểu cho tầng lớp thống trị, quan lại ngày xưa Thật là lũ người bất nhân vô lương tâm! Qua những tác phẩm văn học ở trên, chúng ta có thể thấy được rằng: văn học Việt Nam luôn để cao lòng nhân ái, ca ngợi những người “thương người như thể thương thân”, và cũng lên án kịch liệt những kẻ thờ ơ, vô trách nhiệm. Đây cũng là minh chứng rõ nét cho tư tưởng nhân đạo, tình yêu thương cao cả… đã trở thành một truyền thống cao đẹp, quý báu của dân tộc ta.