Dân gian có câu: "Lời nói gói vàng", đồng thời lại có câu: "Lời nói chẳng mất tiền mua,lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Qua hai câu trên, em hãy cho biết dân gian đã hiểu như thế nào về giá trị, ý nghĩa của lời nói trong cuộc sống. Mấy bạn nhớ giúp mình nha,mình đang cân gấp.(Nhưng đừng chép văn mẫu nhé)
Con người sống trong xã hội luôn phải giao tiếp và ứng xử với nhau. Và ngôn ngữ là thứ công cụ chủ yếu được họ sử dụng. Ngay từ xa xưa, ông cha ta đã nhận thức được giá trị và tầm quan trọng của lời nói trong cuộc sống:
Lời nói gói vàng
Và:
Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Một câu là tục ngữ, một câu là ca dao, cả lí trí và tình cảm nhân dân ta đều hướng lới giá trị và ý nghĩa của lời nói với cuộc sống con người. Vàng – một thứ kim loại quý hiếm – được dùng để làm trang sức, trao đổi buôn bán hoặc cất giữ của cải. Câu tục ngữ đặt lời nói có trọng lượng và giá trị ngang với gói vàng. Điều đó giúp ta thấy vị trí đặc biệt quan trọng của lời nói trong mối quan hệ giữa người với người. Loài người là động vật cao cấp nhất, tập hợp thành xã hội. Với bộ óc hoàn chỉnh, con người khác với con vật ở ý thức. Lời nói là vỏ âm thanh của ý thức và tình cảm con người. Nó chính là công cụ để chúng ta trao đổi, giao tiếp với nhau trong cuộc sống. Mối quan hệ hay tình cảm giữa con người với có gắn bó khăng khít, có tốt đẹp bền vững hay không phụ thuộc vào việc con người có biết ăn nói hay không. Cũng có khi chỉ vì lời nói mà gây ra sự mất đoàn kết, đổ vỡ tình cảm, thậm chí dẫn đến hậu quả, tác hại khôn lường. Mục đích giao tiếp có đạt được hay không, thành công có đến với ta hay không một phần do tác động rất lớn từ lời ăn tiếng nói. Tóm lại, cha ông ta muốn nhắc nhở chúng ta rằng, một lời nói thốt ra quý giá và quan trọng như vàng. Vì thế trước khi mở lời, ta cần phải suy nghĩ thận trọng, thấu đáo, phải lựa lời, lời khuyên chân tình ấy được đúc kết trong câu ca dao:
Lời nói chẳng mất tiền mua,
Lựa lời mờ nói cho vữa lòng nhau.
Tại sao khi thì nhân dân ví lời nói với gói vàng, khi lại nói lời nói không mất mua? Thật vậy, lời nói thể hiện suy nghĩ, tình cảm của con người, trong sự lựa chọn của con người lúc trao đổi giao tiếp với nhau. Như vậy lời nói chẳng phải tốn kém tiền của, không phải mua bán mới có được. Tuy thế, điều đó không có nghĩa hạ thấp giá trị của lời nói mà giá trị của nó là sự phản ánh trình độ văn hóa, thước đo phẩm giá của mỗi người. Vì vậy, trong quá trình giao tiếp ứng xử ta phải chọn lời hay ý đẹp, phải liệu lời mà nói. Những lời lẽ lịch sự, lễ độ, hòa nhã bao giờ cũng khiến người nghe vui lòng. Việc khéo léo lựa chọn từ ngữ, lựa chọn cách diễn đạt phù hợp với đối tượng giao tiếp sẽ khiến người nghe dễ dàng tiếp thu ý kiến của mình, cho dù đó có là lời phê bình, góp ý. Không những thế, người biết ăn nói còn làm cho người khác phải kính nể, làm cho họ hiểu và tin mình, thậm chí nghe và làm theo mình. Ai cũng ứng xử đúng mực, nói năng hòa nhã lịch thiệp thì xã hội sẽ trở nên tốt đẹp, văn minh, mối quan hệ giữa người với người sẽ gắn bó khăng khít. Lựa lời mà nói chính là một bí quyết của sự thành công. Trái lại, chẳng ai có thể lọt tai những lời nói thô tục, thiếu thiện chí. Ăn nói xấc xược, khiếm nhã là nguyên nhân dẫn tới mất tính đoàn kết, mất lòng tin và tình cảm tốt đẹp giữa con người với nhau. Người nghe không chỉ khó tiếp thu ý kiến mà còn coi thường, khinh ghét người nghe thiếu lịch sự, văn minh. Ta chẳng những không đạt được mục đích mà quan hệ giữa người với người sẽ chuyển biến theo chiều hướng xấu.
Tuy nhiên, chúng ta cần phải hiều lời khuyên của câu ca dao một cách đúng đắn, không phải để vừa lòng nhau mà ta biến mình thành kẻ a dua, xu nịnh, mà ta không kiên quyết thẳng thắn phê bình sai lầm của bạn, khuyên bảo bạn. Điều quan trọng là thái độ chân thành ta đặt trong lời nói. Sự chân thành thẳng thắn trước sau cũng nhận được sự tiếp thu, tiếng nói đồng tình ủng hộ. Như vậy lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau về bản chất khác hẳn với thái độ nịnh bợ, luồn cúi ta cần tránh. Lời hay ý đẹp sẽ là cầu nối tạo nên sự tin cậy, cảm thông chia sẻ lẫn nhau, tạo nên mối quan hệ và một xã hội tốt đẹp giữa người với người.
Là một công cụ giao tiếp giữa ngưòi với người, lời nói có ý nghĩa và giá trị vô cùng to lớn trong cuộc sống. Tục ngữ đã dạy: Học ăn, học nói, học gói, học mở. Vì thế ta không nên coi thường lời ăn tiếng nói. Và vì lời nói thể hiện trình độ văn hóa, phẩm giá của con người nên chúng ta phải không ngừng và thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện cả về mặt đạo đức, tri thức. Hiểu được giá trị của lời nói và biết cách sử dụng nó chính là bí quyết thành công trong cuộc sống.