- Có ý kiến cho rằng: "Tế Hanh là nhà thơ của quê hương". Em có đồng ý với ý kiến đó không? Vì sao?
- Cảm nhận của em về đoạn thơ:
"Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang.
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió..".
- Phân tích hiệu quả nghệ thuật các biện pháp tu từ có trong đoạn thơ:
"Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.".
Cảm nhận đoạn thơ: Những câu thơ mang âm hưởng nhẹ nhàng, phơi phới sáng trong, mở ra khung cảnh sông nước, đất trời khoáng đạt trong buổi mai hồng bình yên, thơ mộng, báo hiệu một ngày mới ra khơi đầy may mắn, tốt đẹp. Đoạn thơ sử dụng những phép so sánh kết hợp nhân hóa tạo ra những hình ảnh thơ đặc sắc.
- Chiếc thuyền cũng như những thanh niên trai tráng vạm vỡ, phăng phăng lướt sóng đầy khí thế, đầy hào hứng được ví hăng như con tuấn mã vượt trường giang.
- Hình ảnh cánh buồm được ví như mảnh hồn làng, rướn thân trăng bao la thâu góp gió. Một so sánh độc đáo, bất ngờ. Cánh buồn là cái thực, hữu hình, hồn làng là cái ảo, vô hình, vậy mà cái vô hình được hình tượng hóa thành cái hữu hình sinh động. Cánh buồm - mảnh hồn quê, nơi neo đậu, chất chứa những lời cầu nguyện, lời chúc may mắn, nơi gửi gắm niềm tin và hi vọng của người ở nhà với người xa khơi. Là tín hiệu, niềm vui của người trên bờ ngóng đợi người xa khơi khi thấp thoáng bóng buồm trở về. Bởi thế, cánh buồm là hồn vía của làng, của người ra khơi, của người tha hương, nó thiêng liêng, gắn bó, gợi nhớ vô cùng.
=> Những phép tu từ đẹp tạo nên bức tranh thơ vừa có hình, có hồn, vừa như có sức truyền cảm mạnh mẽ, lay động lòng người.
Biện pháp tu từ trong hai câu thơ: Biện pháp nhân hóa và ẩn dụ chuyển đổi cảm giác.
Hình ảnh những con thuyền được nhân cách hóa. Sau bao ngày cùng con người vật lộn với sóng gió ngoài biển khơi, khi trở về, những con thuyền nằm phơi mình trên bến vắng dường như cũng thấm thía được cái mệt mỏi, nỗi nhọc nhằn, vất vả của cuộc mưu sinh.
- Những từ: im, mỏi, nằm, nghe, thấm - giàu sức gợi, chứa đựng cả cuộc sống vất vả, gian khổ của người dân làng chài, đồng thời cũng chứa đựng cả lòng thương yêu, trân trọng của nhà thơ đối với quê hương mình.
- Động từ "nghe" gây ấn tượng bởi đó là một ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, khiến con thuyền trở nên tinh tế, sinh động. Vật vô tri mà như có tâm hồn, có tư duy, biết lăng sâu nghe chất muối, hương vị mặn mòi của biền đang thấm dần trong thớ vỏ (cơ thể mình). Con thuyền dường như cũng dạn dày, từng trải và mai một theo thời gian năm tháng có khác gì con người!
=> Nhà thơ phải có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm và nỗi nhớ thương quê tha thiết mới có được những câu thơ hay, mang chiều sâu suy lắng đến thế!