Ôn tập ngữ văn lớp 6 học kì I

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
Lương Nguyễn Ngọc Linh

chọn một trong các đề tài sau để giới thiệu về quê hương

a Một đặc sản của quê hương

b Một danh nhân văn hoá tiêu biểu của quê hương

c Những đổi mới về văn hoá, kính tế trên quê hương

Tran Van Dat
3 tháng 2 2016 lúc 17:03

Mình chọn c

                                                      Bài làm

Đã rất lâu rồi em không có dịp về thăm quê nội. Hôm nay, sau một năm học vất vả, em được bố mẹ thưởng một chuyến về quê chơi. Chao ôi! Quê em đổi mới nhiều quá!

Từ xa nhìn lại quê hương em như một bức tranh nhiều màu sắc. Đến gần là rặng tre làng, cánh đồng lúa,... Đứng lên trần nhà bà nội, em phóng tầm mắt nhìn dòng sông Đáy hiền hoà chảy quanh năm. Những trưa hè nóng bức, chúng em thường lội xuống dòng sông để rửa chân, tay và tắm mát. Dòng nước như ôm những đứa con vào lòng. Đông vui và tấp nập nhất là lúc 6 - 7 giờ sáng. Lúc đó là các bạn học sinh đi học, các bác đi làm và các cô đi chợ trên chiếc cầu phao bằng gỗ nối từ bờ sông này sang bờ sông kia. Ở dưới sông, tàu bè xuôi ngược. Trước mặt em là cánh đồng lúa. Từ xa cánh đồng như một tấm thảm màu xanh, lác đác có vài bác nông dân đi thăm lúa. Ra về, ai cũng khen lúa năm nay tốt thật. Em nghe bà kể rằng: "Xưa kia cánh đồng lúa này mọc toàn cỏ, một sào chỉ thu hoạch được gần một tạ thế mà giờ đây một sào có thể thu hoạch được ba tạ thóc. Phía bên phải em là những dãy núi, dãy núi này chồm lên dãy nọ. Những cây mọc quanh sườn núi trông xanh mượt. Em xuống dưới nhà, chỉ cần bước qua khỏi cổng là đã đứng trên con đường làng. Mẹ em nói: "Con đường này trước đây còn là đường đất, khi trời đổ mưa thì đường lầy lội, trơn như đổ mỡ và có rất nhiều ổ gà. Ngày ấy, mẹ đi học toàn bị ngã, nước bắn bẩn hết quần áo, phải về nhà thay". Thế mà giờ đây được sự quan tâm của xã, con đường làng em đã được khoác trên mình một tấm áo bê tông.

Hai bên đường trước dãy là những ngôi nhà mái tranh vách đất, cứ lúc mưa là lại bị dột. Ngày ấy cũng chưa có điện, cứ đến chập tối là thắp đèn dầu và đóng cửa ở trong nhà, ngại sang nhà hàng xóm chơi vì trời tối quá. Thế mà giờ đây hai bên đường san sát những ngôi nhà hai tầng mọc lên. Đèn điện được thắp sáng trưng. Những cột giàn ăng ten dựng lên cao ngất. Chắc hẳn ở khắp các miền quê trên đất nước ta, có rất nhiều nơi có cảnh đẹp và sự đổi mới giống như quê em

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người

Câu hát trên cứ văng vẳng bên tai. Em nghĩ lớn lên dù có đi đâu xa, em cũng không thể quên nơi chôn rau, cắt rốn. Hiện nay, đang ngồi trên ghế nhà trường em nghĩ sẽ học tập giỏi để mai này lớn lên, xây dựng quê hương em ngày càng giàu đẹp, để không phụ công lao dưỡng dục của cha mẹ và thầy cô.

!!!!!!!!

 

Khánh Huyền Nguyễn Thị
2 tháng 2 2016 lúc 21:24

Mình chọn a nha bạn, đây là đặc sản quê mk đó(Ninh Xá, Thuận Thành, Bắc Ninh)

Dọc trên con đường quốc lộ chạy từ Cầu Hồ - Thuận Thành đi Hải Dương đâu đâu cũng thấy biển hiệu nem Bùi bán buôn và bán lẻ, nhiều người mua xong bóc một cái mang vào quán bia ăn thử. Thật thú vị khi trong những ngày hè oi bức có được đôi ba cốc bia ngồi nhâm nhi với chiếc nem Bùi thơm ngon, ăn cùng lá sung, lá đinh lăng chấm tương ớt.

Nem Bùi được khai sinh ở làng Bùi, xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ra đời gần 100 năm, món ăn đặc sản vùng Kinh Bắc đã trải qua bao thăng trầm, đến hôm nay ông Đối tự hào tâm sự: “Ngoại trừ nem Phùng (Hà Tây cũ) có nét khá giống với nem Bùi, miền Nam, miền Trung hay chính vùng Bắc bộ này cũng không nơi đâu có nem Bùi như quê tôi”.

Nem Bùi sử dụng trong ngày là ngon nhất, nếu bảo quản trong tủ lạnh thì được 2-3 ngày, nếu nem được đóng gói trong túi nilông sau đó hút chân không thì để được lâu hơn. So với thu nhập ở vùng nông thôn và so với những nghề khác thì nem Bùi đem lại nguồn lợi khá cao cho người làm nghề. Nhưng để làm ra những chiếc nem Bùi, người làm nghề cũng rất vất vả.

Để làm nem phải lấy nguyên phần hông con lợn. Phần thịt nạc và thịt mỡ để sống, chỉ riêng phần bì là luộc chín rồi thái nhỏ tất cả, nêm gia vị tỏi ớt, bột ngọt trộn đều với thính nóng, sau đó để chín thịt, tiếp đến nắm chặt nem thành quả nhỏ bọc trong lá chuối.

Ngày nào cũng phải dậy từ 2-3h sáng để lấy thịt từ chợ về, làm liên tục đến khoảng 7-8h. Làm xong phải đi giao hàng ngay, hiếm thấy gia đình nào làm nem vào buổi trưa và chiều trừ khi khách đặt hàng lấy ngay lúc đó.

Khánh Huyền Nguyễn Thị
3 tháng 2 2016 lúc 21:45

tick nha

Lê Minh Đức
5 tháng 2 2016 lúc 20:38

Những ngày cuối năm 2012, tỉnh Hà Tĩnh, Hội Kiều học, cùng các bộ, ngành Trung ương long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du.

Cùng với việc tổ chức đại lễ này, trên địa bàn đã diễn ra các hoạt động: Dâng hương tại khu mộ Đại thi hào; khánh thành và dâng hương tại nhà thờ Nguyễn Du; Khai trương cổng thông tin điện tử "nguyendu.vn"; Hội thảo: “Dòng chảy văn hóa xứ nghệ từ Truyện Kiều đến phong trào thơ mới”, gồm 40 tham luận của các nhà khoa học xã hội hàng đầu quốc gia. Đây là lễ tôn vinh vượt khỏi tầm quốc gia.

Đại lễ long trọng này không chỉ riêng Hà Tĩnh – quê hương Người mà cả dân tộc và các tổ chức quốc tế tôn vinh ngưỡng mộ danh nhân văn hóa tiêu biểu đều kính cẩn nghiêng mình trước Đại thi hàosùng kính và thiêng liêng.

Sinh thời, Đại thi hào Nguyễn Du từng trăn trở:

…Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

(Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa

Người đời ai khóc Tố Như chăng?)

Không phải đợi đến 300 năm, nhân dân Việt Nam nói riêng và toàn thể nhân loại đã, đang và mãi mãi ghi tạc tài năng vĩ đại của thi nhân.

Sinh ra trong thời đại đau thương của lịch sử, trải nghiệm tất cả những đắng cay, chua xót của cuộc đời, thừa hưởng nền học vấn của một dòng họ nổi tiếng khoa bảng thời bấy giờ và hấp thụ tinh hoa nhiều vùng văn hóa lớn của đất nước như xứ Nghệ, Kinh Bắc, Thăng L ong , Thái Bình, Phú Xuân… Tất cả những yếu tố đó cùng một tài năng thiên bẩm đã hun đúc nên Danh nhân văn hóa Nguyễn Du, một trái tim lớn, một trí tuệ trác việt.

Sự nghiệp sáng tác của ông với những tác phẩm nổi tiếng như “Thanh Hiên thi tập”, “Nam trung tạp ngâm”, “Bắc hành tạp lục”, “Văn tế thập loại chúng sinh”, “Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu”, “Thác lời trai phường nón”… và đỉnh cao là Truyện Kiều - kiệt tác rực rỡ nhất của văn học chữ Nôm đã thể hiện lòng xót thương vô hạn của thi nhân với mọi kiếp người đau khổ; sự bất bình, phẫn uất trước những thế lực tàn bạo chà đạp lên số phận con người; sự cảm phục, ngợi ca tình yêu cao đẹp, thuỷ chung; sự khát khao vươn tới công lý và cái đẹp vĩnh hằng... Cảm hứng nhân văn, khát vọng giải phóng con người cả về thể xác lẫn tâm hồn cùng với một vốn ngôn ngữ tinh tế, phong phú và sự thăng hoa của thể thơ lục bát dân tộc đã đưa Nguyễn Du lên tầm nhân loại, góp phần tôn vinh bản sắc, giá trị văn hoá Việt Nam trên trường quốc tế, trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca nhạc họa về sau…

Năm 1965, trong hoàn cảnh đất nước còn chia cắt, chiến tranh ác liệt, nhưng cùng với quyết nghị kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du của Hội đồng Hoà bình thế giới, Đảng và Nhà nước ta đã chỉ đạo tổ chức kỷ niệm ngày sinh của Đại thi hào trọng thể, rộng khắp, đặc biệt là ở quê hương Hà Tĩnh. Đây là một mốc son lớn trong việc nghiên cứu, đánh giá, khẳng định, tôn vinh Nguyễn Du và Truyện Kiều, đồng thời thể hiện sự tôn kính, ngưỡng vọng và tình cảm thiêng liêng của nhân dân đối với danh nhân đất nước.

Những năm qua, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, (ngành văn hóa, thể thao và du lịch nói riêng), nhiều tài liệu quý liên quan đến tác phẩm của Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn Tiên Điền đã được phát hiện, sưu tầm. Tác phẩm Truyện Kiều của ông được dịch ra hơn 30 thứ tiếng trên thế giới, được rất nhiều văn nghệ sĩ trong và ngoài nước đã chuyển thể sinh động sang nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, phát huy, quảng bá các di sản văn hoá của dân tộc.

Đến nay Khu lưu niệm Nguyễn Du đã được trùng tu, tôn tạo khang trang, với một quần thể gồm những công trình kiến trúc: nhà thờ và mộ Nguyễn Du, Nhà Bảo tàng Nguyễn Du, Đàn tế và bia đá Nguyễn Quỳnh, Nhà Tư văn, Lăng Văn sự, Đình Chợ Trổ, Nhà thờ và mộ Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm, Nhà thờ và mộ Lam Khê hầu Nguyễn Trọng, Nhà thờ và mộ Quế hiên công Nguyễn Nễ.... Các hạng mục công trình của khu lưu niệm được phân bố trong một hệ liên kết, thống nhất, tạo thành quần thể di tích, với một không gian văn hóa đẹp. Những dấu tích, tài liệu, hiện vật được lưu giữ tại di tích là những tài sản có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, giúp chúng ta hiểu về nguồn gốc, quá trình hình thành, phát triển, truyền thống văn hóa, y học, khoa bảng của dòng họ Nguyễn Tiên Điền; hiểu thêm về cuộc đời sự nghiệp, những đóng góp lớn lao của Đại thi hào Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn Tiên Điền cho nền văn học nước nhà. Đây là nguồn tư liệu để nghiên cứu về tín ngưỡng, phong tục tập quán, đời sống văn hóa tinh thần của làng quê Tiên Điền nói riêng và cộng đồng văn hóa làng nói chung trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc.

Đánh giá và ghi nhận công lao to lớn của Nguyễn Du đồng thời thể hiện quan điểm tôn vinh hiền tài nguyên khí quốc gia, ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1419/QĐ-TTg về việc xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho Khu lưu niệm Nguyễn Du. Sự kiện này cũng là dịp để một lần nữa khắc họa lại cuộc đời và sự nghiệp của ông, càng tự hào hơnvề những giá trị văn hóa mà Nguyễn Du và dòng họ để lại cho dân tộc và nhân loại , đồng thời nhận thức rõ hơn trách nhiệm của thế hệ hôm nay và mai sau trong việc bảo tồn, phát huy di sản quý báu của cha ông .

Di sản văn hoá của Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn - Tiên Điền, đang hoàn thiện Quy hoạch tổng thể Khu di tích quốc gia đặc biệt, triển khai xây dựng đề án Không gian văn hoá danh nhân và tập trung mọi nguồn lực để triển khai, xây dựng nơi đây trở thành một trung tâm trọng điểm của tỉnh và của quốc gia, tương xứng với tầm vóc vĩ đại của Đại thi hào.

Nhân dân Hà Tĩnh mong muốn nhận được sự quan tâm, ủng hộ nhiệt tình của các cấp, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành bạn, các tổ chức quốc tế cùng với nội lực của địa phương, nhanh chóng đưa quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du và nhiều danh nhân văn hoá lớn như Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Công Trứ, quê hương của hai Tổng Bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập vươn lên sánh vai cùng các tỉnh, thành trong cả nước.

Khu di tích được nâng lên hạng quốc gia đặc biệt và nhất là để chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào vào năm 2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh đang trình Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương lập quy hoạch tổng thể và đề nghị phê duyệt và cho triển khai kịp thời một số hạng mục chính như tu bổ các di tích gốc (các lăng mộ, Nhà thờ dòng họ, Nhà thờ Nguyễn Nhiễm, Nguyễn Trọng...), xây dựng Quảng trường Nguyễn Du và các công trình hạ tầng về giao thông, điện, nước...

Cùng với tranh thủ nguồn ngân sách, nguồn các dự án ODA, và nguồn tài trợ của các cá nhân, và tổ chức quốc tế, Hà Tĩnh sẽ tập trung kêu gọi nguồn xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu dịch vụ, kiến tạo các không gian theo quy hoạch như không gian văn hóa danh nhân, không gian văn hóa Truyện Kiều; đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu, vinh danh Nguyễn Du, Truyện Kiều; xây dựng một bản Kiều gần nguyên tác nhất có sự đồng thuận cao của xã hội.

Tất cả những nổ lực trên nhằm xây dựng Khu di tích quốc gia đặc biệt, Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du tương xứng với tầm vóc danh nhân văn hóa nhân loại.


Các câu hỏi tương tự
o O o Tiểu Thư Dễ Thương...
Xem chi tiết
o O o Tiểu Thư Dễ Thương...
Xem chi tiết
o O o Tiểu Thư Dễ Thương...
Xem chi tiết
Nguyễn Thu Hà
Xem chi tiết
huong intimex
Xem chi tiết
Bui Viet Hoang
Xem chi tiết
Nguyễn Thu Ngà
Xem chi tiết
Lê Thanh Nhàn
Xem chi tiết
Trần Hoàng Khánh Linh
Xem chi tiết