Mảnh mặt trời là một hình ảnh mới lạ trong thơ Thế Lữ. ở đây, mặt trời không còn là một khối cầu lửa vô tri vô giác mà là một sinh thể. Trong cả vũ trụ bao la rộng lớn, chỉ có một kẻ duy nhất được chúa sơn lâm coi là đối thủ, đó là mặt trời. Nhưng cả đối thủ dáng gờm đó cũng bị chúa sơn lâm nhìn bằng con mắt khinh bỉ, ngạo mạn: mặt trời tuy gay gắt nhưng cũng chỉ là một "mảnh". Nếu bỏ từ "mảnh" và thay từ "chết" bằng "đợi" thì câu thơ sẽ trở nên lạc lõng bởi nó không hợp với lo gích tâm trạng cũng như tầm vóc của con mãnh thú. Với câu thơ "Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt", "bàn chân ngạo nghễ của con thú như đã giẫm đạp lên bầu trời và cái bóng của nó cơ hồ đã trùm kín cả vũ trụ" (Chu Văn Sơn). Tầm vóc của chúa tể rừng già đã được nâng lên ở mức phi thường và kì vĩ đến tột đỉnh.