Bài 6. Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc và sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

datcoder

Câu hỏi: Hãy sưu tầm thông tin về các nhân vật lịch sử đã tham dự Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hương Cảng (Trung Quốc) đầu năm 1930. Sau đó, viết đoạn văn ngắn (khoảng 150 chữ) giới thiệu về nhân vật lịch sử mà em ấn tượng nhất.

datcoder
31 tháng 3 lúc 10:30

Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản họp tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Tham gia Hội nghị có các đồng chí Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh (đại biểu Đông Dương Cộng sản Đảng); Nguyễn Thiệu, Châu Văn Liêm (đại biểu An Nam Cộng sản Đảng). Đại biểu Đông Dương Cộng sản Liên đoàn không đến kịp.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, người con ưu tú của quê hương Thái Bình giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, sinh ra trong một gia đình nhà nho giàu truyền thống yêu nước. Thời niên thiếu, Nguyễn Đức Cảnh kết bạn với những thanh niên yêu nước như Nguyễn Danh Đới, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Nguyễn Văn Năng, Đặng Xuân Thiều. Nguyễn Đức Cảnh và các bạn rất say sưa tìm hiểu và kính trọng những hoạt động chống Pháp của các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh. Cuối năm 1925 đầu năm 1926, cả nước dấy lên phong trào đòi thả cụ Phan Bội Châu và tổ chức làm lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh. Ở Nam Định, Ban tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh do các cụ nhà nho đứng ra tiến hành, lực lượng nòng cốt tham gia bao gồm công nhân và học sinh. Tham gia Ban lãnh đạo bãi khoá của học sinh hưởng ứng lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh có: Nguyễn Đức Cảnh, Đặng Xuân Khu và Nguyễn Khắc Lượng. Sau hoạt động tham gia bãi khóa, Nguyễn Đức Cảnh bị đuổi học. Nguyễn Đức Cảnh lên Hà Nội kiếm việc làm, tự nuôi sống mình và tìm đường đến với cách mạng. Nguyễn Đức Cảnh xin vào làm thư ký cho hiệu ảnh, dạy học và gia nhập hàng ngũ công nhân bằng cách trực tiếp lao động làm thợ sắp chữ ở nhà in Mạc Đình Tư. Năm 1927, khi còn là thợ sắp chữ ở nhà in Lê Văn Tân, là một thanh niên yêu nước đang khát khao đi tìm lý tưởng, Nguyễn Đức Cảnh đã tìm đến và gia nhập nhóm "Nam Đồng thư xã", tổ chức này sau phát triển thành tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng. Tháng 9 năm 1927, Nguyễn Đức Cảnh và Lý Hồng Nhật sang Quảng Châu (Trung Quốc), gặp Tổng bộ "Thanh niên" để thực thi nhiệm vụ mà Quốc dân đảng giao cho. Đến Quảng Châu, Nguyễn Đức Cảnh và Lý Hồng Nhật không gặp được đồng chí Nguyễn Ái Quốc nhưng vẫn kịp dự lớp học chính trị của Tổng bộ Hội Việt Nam thanh niên cách mạng do Hồ Tùng Mậu huấn luyện. Qua học tập, cả hai đều dứt khoát ly khai tổ chức Quốc dân đảng, tự nguyện gia nhập Hội Việt Nam thanh niên cách mạng, chuyển từ lập trường Quốc dân đảng sang lập trường Cộng sản. Đây là bước ngoặt quyết định trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Đức Cảnh. Ngày 3 tháng 2 năm 1930, tại một địa điểm ở Cửu Long (Trung Quốc) đã diễn ra Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Đức Cảnh được giới thiệu vào Trung ương nhưng đã đề cử đồng chí Trần Văn Lan. Tháng 5/1930, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được Trung ương cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ. Cuối tháng 10/1930, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được Trung ương cử vào tham gia Xứ ủy Trung kỳ. Hội nghị toàn thể Xứ ủy đã bầu đồng chí vào Ban Thường vụ Xứ ủy và phân công phụ trách công tác tuyên huấn.  Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bị địch bắt tại Vinh, bị giam ở nhà tù Hoả Lò (Hà Nội). Trong nhà tù đế quốc, đồng chí vẫn tích cực hoạt động cách mạng.  Ngày 31/7/1932, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bị kẻ địch xử chém tại Hải Phòng cùng đồng chí Hồ Ngọc Lân, khi đồng chí 24 tuổi. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là người tận trung với nước, tận hiếu với dân, nêu cao tấm gương chói ngời phẩm chất, khí tiết và đạo đức người chiến sỹ cộng sản của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam.