Để cày cấy cho đúng thời vụ, những người nông dân luôn phải “trông trời, trông đất”. Dần dần, họ biết được sự chuyển động của Mặt Trời, Mặt Trăng và các hành tinh đã ảnh hưởng tới việc “mưa thuận, gió hòa” hằng năm. Đó là những tri thức đầu tiên về thiên văn. Cũng từ những hiểu biết đó, người phương Đông đã sáng tạo ra lịch, chia một năm ra 12 tháng, mỗi tháng có khoảng 29 đến 30 ngày. Họ còn biết làm đồng hồ đo thời gian.
Người phương Đông cổ đại đều dùng chữ tượng hình mô phỏng vật thật để nói lên ý nghĩ của con người. Những chữ này được viết trên giấy Pa-pi-rút, trên mai rùa, trên thẻ tre hoặc trên các phiến đất sét ướt rồi đem nung khô.
Trong lĩnh vực toán học, người Ai Cập cổ đại đã nghĩ ra phép đếm đến 10 và rất giỏi về hình học. Họ đã tính được số pi bằng 3,16. Còn người Lưỡng Hà lại giỏi về số học. Các chữ số ta đang dùng ngày nay, kể cả số 0, là thành tựu lớn do người Ấn Độ cổ xưa sáng tạo nên.
Các dân tộc phương Đông đã xây dựng nên những công trình kiến trúc đồ sộ. Những kim tự tháp cổ ở Ai Cập, thành Ba-bi-lon ở Lưỡng Hà... mãi mãi là những kì quan để cả thế giới chiêm ngưỡng và thán phục