Em ước mình được đặt chân đến tất cả các bãi biển trên dải đất hình chữ S để thấy rằng: Tổ quốc mình thật đẹp vì có biển đảo.
Em tự ru mình bằng những suy nghĩ miên man trong tiềm thức, biển là máu thịt trong em vì rất gần cũng rất xa. Quê em có bãi biển Cửa Lò đẹp nổi tiếng, dù không gần biển nhưng mỗi lần có dịp đi chơi em chỉ muốn được ngắm biển.
Em yêu biển quê mình, vì sao ? vì biển đối với em như hơi thở của cuộc sống. Em gửi lại ở biển nỗi nhớ và khát vọng của một thời tuổi trẻ. Anh từng hỏi em vì sao em yêu biển. Em thích ngắm hoàng hôn của biển. Em thích được ngắm nhìn biển lúc ánh bình minh. Những khoảnh khắc đó thật diệu kỳ mà em không thể diễn tả hết. Cuộc đời con người ai cũng trải qua những thăng trầm lúc vui lúc buồn. Em chọn biển là nơi để mình gửi gắm những nỗi buồn cũng như giữ hộ cho em những niềm vui trong cuộc sống.
Em đã từng không tìm ra lối thoát khi tình yêu đầu đời trong em bị đánh cắp. Người đó đã từng làm em đau đớn. Lúc em cần người, người lại bỏ em đi để một mình em bơ vơ giữa biển lộng gió. Em nghĩ mình không thể sống và đã cố tình trầm mình xuống biển để ngày mai không còn có mặt trên cuộc đời. Nhưng biển bao la như lòng mẹ đã vỗ về em. Hát cho em khúc hát về cuộc sống. Khi em bắt đầu lội xuống nước bất chợt em nhìn thấy thấy hình ảnh một cậu bé theo cha xuống biển buông lưới. Tim em thôi khóc, em biết mình cần phải sống.
Em vẫn yêu biển vẹn nguyên như ngày đầu. Biển không chỉ cho em những giây phút suy tư được thả hồn mình về bên biển. Biển cho em một niềm tự hào sâu sắc về biển đảo quê hương về đất nước. Em từng khóc khi nhìn trên báo, trên mạng hình ảnh các chiến sĩ ngoài đảo Trường sa trang nghiêm chào cờ. Hình ảnh đó khiến em vô cùng xúc động, giữa biển khơi hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay trước gió một lần nữa khẳng định chủ quyền thiêng liêng của biển đảo Việt Nam. Em cũng từng thổn thức khi mỗi lần trên ti vi chiếu hình ảnh cuộc sống của những người lính biển, của ngư dân đảo Trường Sa, Hoàng Sa nơi đầu sóng ngọn gió biết bao khó khăn thiếu thốn trăm bề vẫn ngày đêm bám biển để bảo vệ nền độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc. Máu cùng hoa, nước mắt cùng vị mặn của biển như hòa quyện thành dòng chảy không ngừng vươn ra biển lớn.
Em khóc khi mỗi lần nghĩ đến biển. Người sẽ hỏi em vì sao em mau nước mắt đến lạ lùng. Chỉ cần nhìn biển thôi em cũng khóc. Em kể người nghe câu chuyện về biển của em. Tuổi trẻ với bao ước mơ hoài bão khi không thực hiện được những ý định của mình em tìm đến cái chết, chính biển bao dung chở che em. Em mãi mãi mất đi một người anh của mình từng rất yêu thương em, ngày mẹ sinh em ra chính anh là người đã gửi cho mẹ những con cá ngon nhất từ biển về cho mẹ nấu để mẹ có thêm sữa nuôi em vì lúc đó anh làm thuê cho một người dân đánh cá trên biển. Sau này lớn lên chính anh đã tự nguyện tham gia bảo vệ vùng trời biển đảo quê hương ở Khánh Hòa. Những năm tháng chiến tranh biên giới anh đã vững chắc tay súng của mình để bảo vệ chủ quyền. Anh mãi mãi thuộc về biển khi xác của anh nằm lại giữa biển khơi. Ngày đó em còn rất nhỏ để hiểu hết được nỗi đau của sự chia ly em chỉ biết rằng mãi mãi anh thuộc về biển.
Em yêu vị mặn của biển. Có thể người bảo em không giống ai ngọt không thích lại thích mặn, nhưng người biết không nếu không có vị mặn của biển làm sao có quả ngọt cho em hái ngày hôm nay. Em sinh ra trong thời bình nên không thể thấu hiểu hết những đau thương mất mát của chiến tranh. Em chọn học lịch sử như một cách tri ân để tôn trọng quá khứ. Biển sừng sững hiên ngang có từ bao đời như ôm trong lòng tất cả mỗi người dân Việt. Học lịch sử cũng là cách để em tìm hiểu thêm về chủ quyền biển đảo quê hương cũng là cách để cho em nhận ra không có con đường nào đi đến vinh quang và hạnh phúc khi không đấu tranh. Cha ông ta hàng ngàn năm qua vẫn quyết tâm bám biển để giữ gìn biển đảo, hơn thế nữa đó là quốc hồn quốc túy của cả dân tộc. Dân tộc Việt Nam tự hào khi có những bãi biển đẹp nổi tiếng. Nhưng đó không phải là tất cả. Chính những khúc ca bi tráng oai hùng của lịch sử giữ nước, bảo vệ biển đảo chủ quyền tô thêm vẻ đẹp ngàn năm đó.
Em cũng là vợ của một người lính, cũng thường xuyên phải một mình chăm sóc quán xuyến việc gia đình lại phải hoàn thành việc cơ quan. Có những lúc em thấy rất cô đơn tủi thân khi hiu quạnh nuôi con một mình vì chồng đóng quân xa. Em đã từng than thân trách phận khi mình không đủ đầy tình cảm. Nhưng khi qua phương tiện thông tin đại chúng, báo đài em biết rằng mình vẫn thật hạnh phúc vì dù sao chồng mình ở đất liền thỉnh thoảng vẫn có thể đoàn viên. Còn đối với các chiến sĩ ở ác nhà dàn hay ở các đảo Trường Sa, Hoàng Sa thì những người vợ người con của họ và ngay bản thân các anh còn vất vả hơn nhiều. Vậy mà những con người đó vẫn kiên trung bám biển vẫn hy sinh cho gia đình cho đất nước. Em làm sao quên được câu nói của một ngư dân ở đảo Lý Sơn- Quảng Ngãi từng nói rằng: Chừng nào còn sống thì còn bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chính họ- những con người bình dị nhất lại viết nên khúc khải hoàn ca về tình yêu biển đảo.
Em xa biển đã mấy mùa thu qua, chưa một lần được trở lại thăm biển quê nhà để ngắm biển vào mùa đông như một thói quen vốn có của em. Em cũng không được sống gần biển để thỏa niềm đam mê nhìn buổi từ buổi sáng bình minh đến ánh chiều tà. Em cũng chưa một lần được ra thăm đảo lớn Trường Sa hay Hoàng Sa dù rằng trong tim em luôn khát khao một lần được đặt những bước chân của mình đến đó để cảm nhận mảnh đất hình chữ S của tổ quốc mình thật thiêng liêng biết mấy. Biển hát em nghe, biển vỗ về khỏa lấp nuôi dưỡng tâm hồn em lớn lên.
Biển đảo quê hương hai tiếng thiêng liêng, làm gì để bảo vệ chủ quyền biển đảo? là câu hỏi lớn cần em hay mỗi công dân trả lời. Đối với mình, em ru mình bằng khúc ca tự hát: Biển đảo trong tim em. Xin gửi đến biển đảo quê hương Việt Nam bằng tất cả tình yêu và niềm tự hào: Ôi biển Việt Nam. Ôi biển tự hào.
Trường Sa luôn ngự trị trong trái tim tôi. Đó là mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc - nơi đầu sóng ngọn gió, nơi có cột mốc chủ quyền, nơi lá cờ Tổ quốc luôn tung bay.
Tuy không gặp mặt cũng chẳng biết tên các anh, nhưng tôi biết, ở nơi ấy, các anh đang ngày đêm chiến đấu để những người dân chúng tôi có cuộc sống bình yên.
Tôi đã khóc, không cầm được nước mắt khi được chứng kiến những hình ảnh chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ cảnh sát biển, kiểm ngư và bà con ngư dân.
Từ xưa đến nay, bao nhiêu liệt sĩ đã ngã xuống để cố giữ cho bằng được lá cờ Tổ quốc trên đảo, bao nhiêu chiến sĩ đã hy sinh trong quá trình xây dựng đảo để khẳng định chủ quyền Việt Nam. Quá khứ bi tráng, có dùng vô vàn lời lẽ vàng ngọc cũng không thể tả hết được lòng dũng cảm và niềm thương tiếc vô hạn. Mỗi một đồng chí ra đi, hàng triệu đồng bào rơi lệ.
Tình cảm sâu sắc với biển đảo
Từ thuở bé thơ tôi đã biết đến Trường Sa qua những cuốn sách của ông, qua bài học địa lý các thầy cô đã dạy. Tôi có một người bạn có cha là chiến sĩ Trường Sa. Thấy bạn ngày đêm mong ngóng thư từ đảo gửi về, tâm hồn non nớt của tôi đã bắt đầu hiểu về sự xa cách chia ly ấy.
Một hôm, bạn khóc khi đọc lá thư, tôi lo lắng hỏi cha bạn ra sao, bạn bảo cha vẫn ổn, nhưng một chú đồng đội đã hy sinh. Lúc ấy nhìn vào đôi mắt bạn, tôi hiểu thế nào là nỗi đau mất người thân. Thêm một lần nữa đất của Tổ quốc lại nhuốm máu một người chiến sĩ.
Lớn thêm chút nữa, tôi dần hiểu thêm cuộc sống gian khổ của các anh lính đảo. Nơi ấy thời tiết khắc nghiệt, bão táp bủa vây. Ngôi nhà giàn của các anh luôn chao đảo trước sức mạnh khủng khiếp của thiên nhiên. Nhưng giống như một cây dừa nhỏ nhoi, chênh vênh giữa trùng khơi nhưng vô cùng kiên định, vững chắc, bão giông không đốn ngã. Trong gang tấc giữa cái sống và cái chết, các anh vẫn một lòng chắc tay súng, vẫn một lòng trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; các anh vẫn bám trụ đến cùng, dẫu có hy sinh cũng vẫn mỉm cười.
Người lính như các anh cũng có gia đình, có vợ con, có bạn bè. Có chiến sĩ, vợ ốm nặng, phải cấp cứu ở bệnh viện. Anh gạt nước mắt, bình tĩnh, tự đấu tranh tư tưởng, vẫn thực thi nhiệm vụ ở ngoài khơi và gọi điện nhờ bà con làng xóm trong đất liền giúp đỡ. May mắn, cơn hoạn nạn đã qua, và anh lại xúc động một lòng phục vụ đất nước. Có những người lính rất bản lĩnh, không tiếc thân mình chống đỡ với bão tố để bảo vệ nhà giàn, bảo vệ cột trụ của tổ quốc.
“Bao đêm anh ở nhà giàn
Biển trời thấp thoáng muôn vàn vì sao
Sóng đêm nỗi nhớ cồn cào
Gió đưa hơi thở, dội vào phương em”…
Bài thơ của người lính dù mộc mạc nhưng đã bày tỏ tình yêu vô bờ bến với nhân dân, với Tổ quốc, với đồng đội. Tình yêu đó luôn bùng cháy thành ngọn lửa quyết tâm trong trái tim mỗi chiến sĩ Trường Sa. Các anh sẵn sàng hy sinh chứ không để chủ quyền bị xâm phạm, không để mất chủ quyền. Đối với các anh, mỗi tấc đất của tổ quốc đều thấm đẫm bao nhiêu xương máu của cha ông, của nhân dân ta. Bởi lẽ đó, các anh không tiếc mạng sống của chính mình.
Trong lúc này, khi những người dân ở đất liền chúng tôi đang yên ổn, hạnh phúc cùng gia đình đón mừng năm mới thì các chiến sĩ cảnh sát biển, kiểm ngư và bà con ngư dân đang trụ lại ngoài khơi xa chiến đấu dù mang trong lòng niềm nhớ nhung gia đình da diết. Nhưng chúng tôi không một ai quên các anh. Giờ nghĩ lại mới thấy nhiều lúc tôi chỉ biết than vãn một cách ích kỷ, nhưng những nỗi khổ đó có đáng gì so với các anh. Hạnh phúc, bình yên mà chúng tôi đang được hưởng, cũng là do mồ hôi xương máu của các anh đem lại.
Càng hiểu về các chiến sĩ, kiểm ngư và bà con ngư dân, càng thêm yêu biển hơn, yêu Tổ quốc hơn. Cuộc sống của họ hòa vào màu thiên thanh của trời, màu thăm thẳm của đại dương bao la. Nơi ấy mưa gió bão táp có thể bủa vây bất cứ lúc nào, những con tàu thường xuyên chao đảo giữa sức mạnh của thiên nhiên nhưng anh em ngư dân đâu hề nao núng, vẫn một lòng thức đêm trực ngày, một lòng sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng.
Mở vội máy tính, tôi tìm thấy tên các anh, những liệt sĩ đã hy sinh giữa biển khơi. Đó là anh Trần Văn Phương, Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, đã không lùi bước trước quân thù và hy sinh anh dũng. Đó là bạn Quách Hoàng Lâm, sinh năm 1984 chỉ bằng tuổi tôi nhưng đã hy sinh khi mới 22 tuổi.
Đó là anh Vương Viết Mão hy sinh khi xây dựng đảo. Đó là anh Nguyễn Văn Thi đã hy sinh thân mình để cứu chiếc xuồng quý giá của đồng đội. Các bạn, các anh ơi, có lời nào có thể nói hết lòng tiếc thương vô hạn với các anh đây? Xưa nay bao chiến sĩ đã ngã xuống đề giải phóng đất nước, bây giờ đến các anh ngã xuống để giữ từng tấc đất giữa biển khơi. Vàng bạc châu báu dù nhiều đến tột cùng cũng đâu thể sánh bằng tấc đất các anh đã dùng máu để bảo vệ đó!
Ngày nay, trong thời bình, những người lính Trường Sa, những người cảnh sát biển các anh luôn nêu cao truyền thống anh hùng, ngày đêm cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu. Tuy xa cách nhưng lòng lại luôn bên nhau, vì các anh đã nói: “Hãy tin tưởng vào chúng tôi, dù khó khăn, gian khổ đến đâu chúng tôi vẫn vững lòng bảo vệ biển đảo quê hương."
Đó là lời hứa từ trái tim của các anh. Chúng tôi biết, để giữ được lời hứa đó, có thể các anh sẽ phải đổi bằng chính thân thể đó, chính mạng sống đó. Và chúng tôi cũng biết, dù phải đổi bằng tất cả tính mạng, các anh vẫn sẽ đổi.
Xin gửi tới các anh, từ trái tim chúng tôi – những người dân của đất liền, tấm lòng biết ơn sâu sắc. Các anh là niềm hy vọng, niềm tin yêu vô bờ bến của cả dân tộc. Dẫu mai này vật đổi sao dời, dẫu cho cuộc sống của chúng tôi kết thúc, thì những hình ảnh thiêng liêng nhưng gần gũi, và sự anh dũng của các anh sẽ được truyền lại cho thế hệ sau, để linh hồn của các liệt sĩ mãi mãi không tan thành hư vô trong dòng chảy thời gian vô tận.
Những trăn trở và hành động cần làm ngay
Bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ không chỉ là giữ vững được đường biên giới thực, “biên giới cứng” trên đất liền, trên biển. Nó còn là sự toàn vẹn của “biên giới mềm” - biên giới văn hóa, biên giới trong suy nghĩ của con người. Bảo vệ được "biên giới mềm" đó cũng là điều hết sức quan trọng không kém gì bảo vệ "biên giới cứng". Đó cũng chính là mục tiêu mà cả nước ta đang hành động hết sức mạnh mẽ để đạt được.
Thời gian gần đây, giới trẻ đã cho thấy họ rất có lòng yêu nước, họ đồng cảm với các chiến sĩ cảnh sát biển và ngư dân, họ góp công góp tiền của ủng hộ biển đảo, họ tổ chức các hoạt động, các phong trào ý nghĩa.
Nhưng ở đây tôi muốn nói đến ý thức của chúng ta trên chính các bãi biển trên đất liên. Ở một số bãi biển như Sầm Sơn, Cửa Lò…, rác vẫn được xả thẳng xuống môi trường. Bãi biển biến thành một bãi rác khổng lồ, gây ô nhiễm môi trường. Điều đáng nói là các bạn trẻ lại chiếm phần lớn trong lực lượng xả rác đó. Họ xả rác theo thói quen, tiện tay vứt rác trong sự vô thức của bản thân, trong khi họ rất yêu nước, một lòng hướng về biển đảo quê hương.
Vậy đó, biển đảo Tổ quốc là việc lớn, nhưng trước khi nghĩ đến chuyện lớn lao thì mỗi người chúng ta phải bắt đầu từ những việc nhỏ của bản thân. Chính sự vô ý thức của một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ đã làm xấu đi hình ảnh biển đảo và con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Vừa rồi có vụ một người khách du lịch Tây nhắc nhở các bạn ta về ý thức giữ gìn môi trường bãi biền, làm nhiều người giật mình và xấu hổ cho ý thức của thanh niên ta. Sự thật mất lòng này không ai có thể hoàn toàn phủ nhận cả. Tôi nghĩ rằng với các nhà hoạch định chính sách và những người có trách nhiệm ở các bãi biển hẳn rất rõ điều đó và đang ra sức thực hiện những giải pháp khắc phục vấn đề này, nhưng điều đau lòng ở đây là việc sự vô ý thức đó đã bám sâu vào gốc rễ bộ não của một phần thế hệ trẻ, mà nếu không thay đổi ngay thì ý thức thế hệ tương lai sẽ rất tồi tệ.
Cuối cùng, tôi muốn nêu ra một thông điệp kêu gọi mọi người, bất kể dân tộc, tuổi tác, giới tính, tôn giáo, hãy cùng nhau hình thành một khái niệm mới là “Văn hóa bảo vệ biển đảo”, hãy làm nó lan tỏa trong cộng đồng và cho cả bạn bè thế giới.