2.
Ngành trồng trọt hiện nay vẫn chiếm gần 75% giá trị sản xuất nông nghiệp.
a)Sản xuất lương thực
Ở nước ta, việc đẩy mạnh sản xuất lương thực có tầm quan trọng đặc biệt, nhằm đảm bảo lương thực cho trên 80 triệu dân, cung cấp thức ăn cho chăn nuoi và nguồn hàng cho xuất khẩu. Việc đảm bảo an ninh lương thực còn là cơ sở để đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp.
Điều kiện tự nhiên, tài nguyên đất, nước, khí hậu của nước ta cho phép phát triển sản xuất lương thực phù hợp với các vùng sinh thái nông nghiệp.
Tuy nhiên, thiên tai (bão lụt, hạn hán…) và sâu bệnh vẫn thường xuyên đe dọa sản xuất lương thực; có năm thiên tai diễn ra trên diện rộng.
Tình hình sản xuất lương thực ở nước ta trong những năm qua là:
-Diện tích gieo trồng lúa đã tăng mạnh, từ 5,6 triệu ha (năm 1980) lên 6,04 triệu ha (năm 1990), 7,5 triệu ha (năm 2002), sau đó giảm nhẹ, còn hơn 7,3 triệu ha (năm 2005).
-Do áp dụng rộng rãi các biện pháp thâm canh nông nghiệp, đưa vào sử dụng đại trà các giống mới, nên năng suất lúa tăng mạnh, nhất là vụ lúa đông xuân. Hiện nay, năng suất lúa đã đạt 49 tạ/ha/năm (năm 1980 mới đạt 21 tạ/ha/năm, năm 1990 là 31,8 tạ/ha/năm).
-Sản lượng lúa cũng tăng mạnh từ 11,6 triệu tấn năm 1980 lên 19,2 triệu tấn năm 1990 và hiện nay đạt trên dưới 36 triệu tấn.
-Từ chỗ sản xuất không đảm bảo đủ nhu cầu lương thực trong nước, Việt Nam đã trở thành một nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới. Hiện nay bình quân lương thực có hạt trên đầu người là hơn 470kg/năm. Lượng gạo xuất khẩu ở mức 3-4 triệu tấn/năm.
- Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lương thực lớn nhất, chiếm trên 50% diện tích và 50% sản lượng lúa cả nước, bình quân sản lượng lương thực trên đầu người nhiều năm nay là trên 1000kg/năm. Đồng bằng sông Hồng là vùng sản xuất lương thực lớn thứ hai và là vùng có năng suất lúa cao nhất cả nước.
b) Sản xuất cây thực phẩm
Rau đậu được trồng ở khắp các địa phương, tập trung hơn cả là ở những vùng ven các thành phố lớn (Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng,…). Diện tích trồng rau cả nước là trên 500 nghìn ha, nhiều nhất là ở Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long. Diện tích đậu các loại là trên 200 nghìn ha, nhiều nhất là ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
c)Sản xuất cây công nghiệp và cây ăn quả
Nước ta có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất cây công nghiệp: khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, lại có nhiều loại đất thích hợp với nhiều loại cây công nghiệp, có thể phát triển các vùng cây công nghiệp tập trung; nguồn lao động dồi dào; đã có mạng lưới các cơ sở chế biến nguyên liệu cây công nghiệp. Tuy nhiên, khó khăn là thị trường thế giới có nhiều biến động, sản phẩm cây công nghiệp của nước ta chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường khó tính.
Cây công nghiệp ở nước ta chủ yếu là cây công nghiệp nhiệt đới, ngoài ra còn có một số cây có nguồn gốc cận nhiệt. Tổng diện tích gieo trồng cây công nghiệp năm 2005 là khoảng 2,5 triệu ha, trong đó diện tích cây công nghiệp lâu năm là hơn 1,6 triệu ha (chiếm hơn 65%).
Các cây công nghiệp lâu năm ở nước ta chủ yếu là cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, dừa, chè. Sự phát triển mạnh sản xuất các cây công nghiệp chủ lực đã đưa Việt Nam lên vị trí hàng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê, điều và hồ tiêu. Cà phê được trồng chủ yếu trên đất badan ở Tây Nguyên, ngoài ra còn trồng ở Đông Nam Bộ và rải rác ở Bắc Trung Bộ. Cà phê chè mới được trồng nhiều ở Tây Bắc. Cao su được trồng chủ yếu trên đất badan và đất xám bạc màu trên phù sa cổ ở Đông Nam Bộ, ngoài ra còn được trồng ở Tây Nguyên, một số tỉnh Duyên hải miền Trung. Hồ tiêu được trồng chủ yếu trên đất badan Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Duyên hải miền Trung. Điều được trồng nhiều nhất ở Đông Nam Bộ. Dừa được trồng nhiều nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long. Chè được trồng nhiều nhất ở Trung du và miền núi Bắc Bộ, Tây nguyên (nhiều nhất là tỉnh Lâm Đồng).
Các cây công nghiệp hàng năm ở nước ta chủ yếu là mía, lạc, đậu tương, bông, đay, cói, dâu tằm, thuốc lá. Các vùng chuyên canh mía đường được phát triển ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Duyên hải miền Trung. Lạc được trồng nhiều trên các đồng bằng Thanh-Nghệ-Tĩnh, trên đất xám bạc màu ở Đông Nam Bộ và Đăk Lak. Đậu tương được trồng nhiều ở Trung du và miền núi Bắc Bộ, những năm gần đây được phát triển mạnh ở Đăk Lak, Đồng Tháp. Vùng trồng đay truyền thống là ở Đồng bằng sông Hồng, còn vùng trồng cói lớn nhất là ven biển Ninh Bình, Thanh Hóa.
Cây ăn quả được phát triển khá mạnh trong một số năm gần đây. Vùng cây ăn quả lớn nhất là Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ. Ở trung du Bắc Bộ thì đáng kể nhất là tỉnh Bắc Giang. Những cây ăn quả được trồng tập trung nhất là chuối, cam, xoài, nhãn, vải thiều, chôm chôm và dứa.
1.
Nước ta từ lâu đã có nền thâm canh trồng cây lúa nước. Và cho đến thời điểm hiện nay, cây lúa nước vẫn là cây trồng chủ lực trong nền nông nghiệp nước ta.
Tuy nhiên, sự phân bố các vùng trồng lúa nước ở nước ta lại không đồng đều. Lúa được trồng chủ yếu ở đồng bằng, nhất là hai đồng bằng châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long. Ngoài ra , lúa được trồng thêm ở một số đồng bằng ven biển.
Sở dĩ ở hai đồng bằng lớn lại trồng nhiều lúa là bởi vì: Ở các vùng này có nhiều điều kiện để cây lúa phát triển tốt như đất đai phù sa màu mỡ, cơ sở vật chất kĩ thuật trong nông nghiệp tốt, hệ thống sông ngòi thủy lợi để tưới tiêu, nguồn lao động….