Bài 21. Thực hành: Tìm hiểu về tác động của biến đổi khí hậu đối với Đồng bằng sông Cửu Long

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
Nguyễn  Việt Dũng

1. Nội dung

- Phân tích tác động của biến đổi khí hậu đối với Đồng bằng sông Cửu Long.

- Đề xuất giải pháp ứng phó.

2. Nguồn tư liệu

- Tìm kiếm thông tin từ sách, báo, truyền hình, internet, thực tế,… để phân tích tác động của biến đổi khí hậu đối với Đồng bằng sông Cửu Long.

- Một số đường link tham khảo:

+ http://vnmha.gov.vn/tin-tuc-bdkh-112/kich-ban-bien-doi-khi-hau-phien-ban-cap-nhat-nam-2020-11405.html

+ http://monre.gov.vn/Pages/ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-o-dong-bang-cuu-long.aspx

+ http://moitruong.net.vn/tac-dong-cua-bien-doi-khi-hau-doi-voi-dong-bang-song-cuu-long-56680.html

3. Gợi ý nội dung cần phân tích

- Tác động của biến đổi khí hậu đối với:

+ Tự nhiên

+ Hoạt động sản xuất

+ Đời sống con người

- Đề xuất giải pháp ứng phó:

+ Giảm nhẹ

+ Thích ứng

Nguyễn  Việt Dũng
28 tháng 8 lúc 14:20

Tác động của biến đổi khí hậu đối với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)

♦ Tác động của biến đổi khí hậu đối với:

- Tự nhiên:

+ Trong khoảng 10 năm trở lại đây, tốc độ sụt lún trung bình là 0,96cm/năm, nền của toàn bộ ĐBSCL những năm trở lại đây đều bị sụt lún do khai thác nước ngầm quá mức. Cùng với đó là tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao khoảng 0,35 cm/năm khiến nơi này bị ngập lụt là điều không thể tránh khỏi, việc ĐBSCL ngày một bị nhấn chìm được dự đoán là một thực tế đang từng ngày biểu hiện.

+ Nhiệt độ và mực nước biển đều có xu hướng tăng trong tương lai. Đến cuối thế kỷ này có thể tăng từ trên dưới 50cm đối với kịch bản thấp và kịch bản trung bình, có thể tăng 70-80cm đối với kịch bản cao. Khi mực nước biển dâng lên 1m thì gần như ĐBSCL của chúng ta khoảng phân nửa ngập dưới mực nước biển.

- Hoạt động sản xuất:

+ Tình trạng xâm nhập mặn tại một số tỉnh ven biển ĐBSCL diễn ra ngày càng khắc nghiệt, phức tạp, khó lường và đặc biệt không tuân theo quy luật tự nhiên. Các sông chính và kênh nhánh bị nhiễm mặn sớm hơn, ranh giới nhiễm mặn vào sâu hơn trong nội đồng. Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất, công trình xây dựng của ĐBSCL. Đất bị nhiễm mặn không thể canh tác, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng, mất mùa.

+ Tình trạng sạt lở bờ biển đang diễn ra nghiêm trọng dọc theo bờ biển ĐBSCL. Với chiều dài bờ biển khoảng 744 km, nhưng hiện nay ĐBSCL có khoảng 286 km đang trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Xói lở bờ biển làm thu hẹp diện tích đất canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và mất nhà cửa, tài sản và sinh kế của người dân, gây ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng các tỉnh ĐBSCL.

- Đời sống con người:

+ Xâm nhập mặn gây ra các đợt hạn mặn lịch sử khiến người dân thiếu nước sinhhoạt, sản xuất.

+ Tình trạng sạt lở bờ biển gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nơi cư trú và đời sống của người dân. Xói lở bờ biển làm mất nhà cửa, tài sản và sinh kế của người dân, gây ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

+ Tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao khoảng 0,35 cm/năm khiến nơi này bị ngập lụt, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân.

♦ Đề xuất giải pháp ứng phó:

- Giảm nhẹ:

+ Truyền thông, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và biện pháp thích ứng; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực.

+ Xây dựng và duy trì hệ thống quan trắc, theo dõi cảnh báo, dự báo lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng ở những vùng, khu vực đang chịu sự tác động mạnh của biến đổi khí hậu và nước biển dâng…

+ Xây dựng một bản đồ dự báo chung cho toàn vùng, đánh dấu các điểm đen sạt lở lên bản đồ đó giống như điểm đen giao thông đường bộ.

+ Trồng rừng và bảo vệ rừng để hạn chế độ bốc hơi, chống xói mòn và giữ nước mặt.

+ Nghiên cứu phát triển và tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến cho ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

- Thích ứng:

+ Chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, phát huy hiệu quả các công trình đã được đầu tư.

+ Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu luân canh, chuyển đổi mùa vụ sản xuất, sử dụng giống chống chịu phù hợp với hệ thống canh tác mới.

+ Sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt, các tiêu chuẩn chất lượng chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, SRP, ASC…); áp dụng các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.

+ Rà soát lại quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt là quy hoạch phát triển đô thị, nông thôn, tái cơ cấu phát triển ngành gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng.