Câu trả lời:
“Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta.”
Vâng, chúng tôi chính là những anh trâu, chị trâu bước ra từ những câu ca dao trên. Không biết từ bao giờ mà người nông dân đã quí và gọi loài trâu chúng tôi một cách tha thiết, trìu mến đến như thế. Hình ảnh của những chú trâu như tôi đây đã trở nên quen thuộc với xóm làng, quê hương người Việt từ bao đời nay.
Chúng tôi là động vật thuộc họ nhà Bò, là lớp thú có vú và là một loài gia súc có ích. Chúng tôi được người nông dân nâng niu, chăm sóc bởi chính đặc điểm “trời cho” của loài trâu chúng tôi. Đó là một thân hình lực lưỡng, bốn chân chắc chắn như bốn cái cột nhà nhỏ, vai u những bắp thịt bởi trời sinh ra chúng tôi là để kéo cày đó các bạn. Ngoài kéo cày, chúng tôi có thể kéo xe, kéo gỗ giúp con người…Thân hình chúng tôi vạm vỡ, nặng chừng 350 – 700 ki lô gam. Bao toàn cơ thể chúng tôi là một bộ lông màu xám hoặc xám đen, cũng có khi màu trắng, dù có mọc dày đến mấy thì chiếc áo choàng lông của chúng tôi cũng vẫn bị mai một đi bởi thời gian và sự cọ xát rất phong trần vì công việc trên đồng ruộng. Thấp thoáng trong bộ áo đẹp đẽ của chúng tôi là một làn da căng bóng mỡ. Phía sau thân hình tôi là cái duôi ngoe nguẩy theo nhịp bước chân, thỉnh thoảng chúng tôi lại dùng cái đuôi này quất mạnh vào lưng để xua ruồi, đuổi muỗi. Người nông dân có thể nhận biết sự lành, dữ ở loài trâu chúng tôi một phần nhờ vào đặc điểm của đôi sừng trên đầu chúng tôi. Đôi sừng cũng góp phần làm đẹp cho họ hàng nhà trâu chúng tôi đấy, mỗi chúng tôi đều có một đôi sừng dài, uốn cong như hình lưỡi liềm trên đỉnh đầu, giúp chúng tôi làm dáng và chống lại kẻ thù. Chúng tôi có đôi mắt to, long lanh như những viên bi chai, có khi hiền từ nhưng cũng có khi hung dữ, cần sự thuần phục của con người. Đến 3 tuổi, chúng tôi có thể đẻ lứa đầu, một đời trâu cái chúng tôi có thể cho 5 đến 6 nghé con. Nghé sơ sinh nặng 22 đến 25 ki lô gam.
Bước chân đến mỗi cánh đồng hay thôn xóm, làng bản Việt Nam, bạn sẽ thấy chúng tôi hiện ra thật thân thuộc như một dấu ấn báo hiệu xứ sở quê hương. Vào những ngày nông nhàn tháng 3 hay tháng 8, giữa biển lúa xanh rờn, trên cánh đồng quê, bạn sẽ thấy từng đàn trâu chúng tôi tung tăng gặm cỏ, thỉnh thoảng còn ngóng đầu ngơ ngác lắng nghe tiếng sao du dương của các chú bé chăn trâu.
“Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa.”
Chúng tôi gắn bó thân thiết với người nông dân tần tảo sớm khuya như thế đấy. Dù là giữa buổi trưa hè mồ hôi thánh thót hay trong cái rét buốt xương thì chúng tôi vẫn cần cù nhẫn nại, mải miết làm việc cùng người nông dân để làm ra hạt lúa, hạt gạo. Không chỉ giúp người nông dân kéo cày, chúng tôi còn có thể kéo xe, kéo gỗ. Khả năng kéo xe của chúng tôi rất tốt. Ở đường đất tốt, chúng tôi có thể kéo với tải trọng 700 – 800 kilôgam và trên đường nhựa với bánh xe hơi có thể kéo trên một tấn. Ở đường đồi núi, khi cần kéo gỗ về xuôi ai có thể thay thế được chúng tôi? Chính vì thế người nông dân vẫn coi chúng tôi là “đầu cơ nghiệp” của họ.
Đến mỗi làng quê Việt, bạn cũng có thể được thưởng thức món thịt trâu xào sả ớt hay nấu với lá lốt, lá trưng. Thịt trâu chúng tôi có thể chế biến được rất nhiều món ăn ngon, hấp dẫn. Đặc sản đấy! Chúng tôi cũng có thể cung cấp sữa cho con người. Mỗi con trâu chúng tôi có thể cho 400 – 500 lít sữa trong một chu kì vắt Da trâu chúng tôi tuy không tham gia vào việc làm ra những sản phẩm độc đáo như giày dép, túi xách như một số loài da khác vì đặc điểm da chúng tôi cứng nhưng có thể làm mặt trống, những chiếc trống gắn bó thân thiết với học sinh, với nhà trường và các lễ hội.
Ừ, mà nói đến lễ hội các bạn có biết đến câu ca dao:
“Dù ai đi đâu về đâu
Nhớ ngày lễ hội chọi trâu mà về.”
Là câu ca nói đến lễ hội “Chọi trâu Đồ Sơn” đấy các bạn ạ. Trong những khoảng khắc đó, chúng tôi tự hào trở thành niềm vui và vật thiêng của con người dâng lên tổ tiên.
Như vậy, chúng tôi không chỉ gắn bó với người nông dân trên đồng ruộng mà còn gắn bó với họ trong đời sống tinh thần của họ. Đã từ lâu, chúng tôi bước vào ca dao, dân ca gần gũi, thân thiết với người nông dân như các bạn đã thấy đó. Chúng tôi còn bước vào tranh dân gian Đông Hồ cùng với hình ảnh của những chú bé để tóc ba chỏm thổi sáo trên lưng. Tuổi thơ nông thôn ViệtNam từ bao đời nay đã thân thuộc với chúng tôi như những người bạn.
“Thưở còn thơ ngày hai buổi đến trường,
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ.
Ai bảo chăn trâu là khổ
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao.”
Cứ như thế chúng tôi đi vào thơ ca, nhạc họa và đặc biệt các bạn có biết không, chúng tôi đã trở thành linh vật của Seagame 22 tổ chức tại ViệtNam. Hình ảnh những chú Trâu vàng chúng tôi đã được cả thế giới biết đến với biết bao tự hào đấy các bạn ạ.
Biết bao thế kỉ đã trôi qua, có lẽ từ khi nền văn minh lúa nước của người Việt khởi nguồn thì loài trâu chúng tôi cũng đã trở thành báu vật của người nông dân và trên nền bức tranh thiên nhiên của làng quê Việt, bên những cánh đồng xanh tốt, thẳng cánh cò bay, dưới lũy tre làng luôn có hình ảnh quen thuộc của chúng tôi hiện diện.
Ngày nay, khoa học kĩ thuật đã phát triển vượt bậc, máy cày, máy kéo trở nên quen thụôc trên mỗi cánh đồng, làng quê và chắc các bạn sẽ ít gặp lại hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Nhưng chúng tôi vẫn tin tưởng rằng tình cảm của những người nông dân đối với chúng tôi cũng không vì thế mà thay đổi và chúng tôi vẫn luôn có ích cho họ.