- Trong thời kì trung đại, nền kinh tế lãnh địa là nền kinh tế riêng biệt và đóng kín, nền kinh tế tự cung tự cấp. Người nông nô không chỉ sản xuất lương thực, thực phẩm mà còn dệt vải, may quần áo, làm giày dép, đóng đồ đạc, rèn vũ khí cho lãnh chúa. Như vậy, lãnh chúa và nông nô không cần mua gì ở bên ngoài, trừ một vài mặt hàng nhu yếu phẩm như muối, sắt... và xa xỉ phẩm như tơ lụa, đồ trang sức...
- Từ thế kỉ XI, các thành thị trung đại xuất hiện, khi mới hình thành trong thành thị chưa có tầng lớp thương nhân riêng biệt. Khi sản xuất hàng hóa phát triển, thương nhân "bao mua" xuất hiện. Để bảo vệ lợi ích cho các thương nhân về độc quyền mua bán, trong thành thị xuất hiện các thương hội. Hằng năm, thương nhân Châu Âu tổ chức các hội chợ lớn để vừa buôn bán, vừa tham gia vào các lễ hội và trò chơi. Tại đây, người ta còn kí những hợp đồng đặt hàng lớn, trao đổi tiền tệ và cho vay lãi.
- Trong các thế kỉ XI-XIII, việc củng cố chế độ phong kiến đã đẩy nhanh sự mở rộng thương mại hội chợ. Trong đó, hội chợ Săm pa nhơ là lớn nhất và có ý nghĩa toàn Châu Âu. Thương nhân các nước châu Âu bán các hàng hóa đặc trưng của nước mình, hàng xa xỉ, đồ gia vị của phương Đông. Thương nhân trao đổi hàng hóa, thnah toán tín phiếu, có luật thị trường bảo vệ. Các vụ vi phạm kỉ luật đều bị đưa ra "tòa án hội chợ đặc biệt" của thương nhân xét xử. Hội chợ còn tổ chức lễ hội, biểu diễn nhào lộn, kịch câm, nuôi dạy thú.
- Sang thế kỉ XIV, địa vị của hội chợ Săm pa nhơ sụp đổ, các hội chợ Bruy-gơ (Bỉ), Khuên (Đức) vẫn tiếp tục. Các hội chợ của Anh, Tây Ban Nha vẫn có ý nghĩa quan trọng, mặc dù ý nghĩa kinh tế của nó kém xa vai trò của hội chợ Săm pa nhơ.
- Để thay thế một hình thức thương mại mới ra đời, đáp ứng sự phát triển của thủ công nghiệp lúc đó, thương đoàn xuất hiện. Từ thế kỉ XIV, có 70 đến 100 thành thị Bắc Âu, chủ yếu là cách thành thị Đức được tập hợp vào trong thương đoàn. Tổ chức này được hưởng đặc quyền buôn bán ở nước láng giềng, bảo vệ quyền lợi thương nhân, lập các thương điếm, thống nhất luật thương mại.
- Vào nửa sau thế kỉ XIV, thương đoàn có ý nghĩa chính trị to lớn đến mức dám tuyên chiến với vua Đan Mạch. Việc buôn bán của thương đoàn còn thu hút các lái buôn Pháp và Tây Ban Nha. Thương đoàn đã phản ánh sự tiến bộ của lực lượng sản xuất, đẩy mạnh sự phát triển, giao lưu kinh tế giữa các thành thị. Bên cạnh đó, thương đoàn còn nắm độc quyền buôn bán ở nhiều nơi.
Tuy vậy, chính sách kinh tế của thương đoàn còn hẹp hòi, mang tính chất cướp bóc trực tiếp. Yếu tố phong kiến độc quyền, các đặc quyền là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy vong của thương đoàn. Sự phá sản của các thành thị ở Đức làm cho các thương đoàn sụp đổ.
- Từ thế kỉ XVI, việc buôn bán của thương đoàn hầu như không còn, thậm chí đã bị người Hà Lan gạt ra khỏi thị trường vùng biển ban tích.