Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi từ 1 đến 6:
"Mẹ tôi, giọng khản đặc, từ trong màn nói vọng ra:
- Thôi hai đứa liệu mà mang chia đồ chơi ra đi.
Vừa nghe thấy thế, em tôi bất giác run lên bần bật, kinh hoàng đưa cặp mắt tuyệt vọng nhìn tôi. Cặp mắt đen của em lúc này buồn thăm thẳm, hai bờ mi đã sưng mọng lên vì khóc nhiều.
Đêm qua, lúc nào chợt tỉnh, tôi cũng thấy tiếng khóc nức nở, tức tưởi của em. Tôi cứ phải cắn chặt môi để khỏi bật lên tiếng khóc to, nhưng nước mắt cứ tuôn ra như suối, ướt đẫm cả gối và hai cánh tay áo.
Sáng nay dậy sớm, tôi khẽ mở cửa rón rén đi ra vườn, ngồi xuống gốc cây hồng xiêm. Chợt thấy động phía sau, tôi quay lại: Em tôi đã theo ra từ lúc nào. Em lặng lẽ đặt tay lên vai tôi. Tôi kéo em ngồi xuống và khẽ vuốt lên mái tóc.
Chúng tôi cứ ngồi im như vậy. Đằng đông, trời hửng dần. Những bông hoa thược dược trong vườn đã thoáng hiện trong màn sương sớm và bắt đầu khoe bộ cánh rực rỡ của mình. Lũ chim sâu nhảy nhót trên cành và chiêm chiếp kêu. Ngoài đường, tiếng xe máy, tiếng ô tô và tiếng nói chuyện của những người đi chợ mỗi lúc một ríu ran. Cảnh vật vẫn cứ như hôm qua, hôm kia thôi mà, tại sao tai họa giáng xuống đầu anh em tôi nặng nề thế này."
(Khánh Hoài, trích "Cuộc chia tay của những con búp bê",Ngữ văn 7, tập 1)
1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên.
2. Vì sao văn bản Cuộc chia tay của những con búp bê được coi là một văn bản nhật dụng?
3. Đoạn trích trên sử dụng ngôi kể thứ mấy? Nêu tác dụng của việc sử dụng ngôi kể đó?
4. Xét về cấu tạo, những từ in đậm trong đoạn trích trên được xếp vào loại từ nào? Hãy phân loại chúng.
5. "Tai họa giáng xuống đầu anh em tôi" mà nhân vật "tôi" trong đoạn trích trên nhắc đến là tai họa gì?
6. Chúng ta có thể nhận thấy tình cảm gần gũi, thân thiết, gắn bó giữa hai nhân vật người anh và người em gái trong đoạn trích trên. Tình cảm ấy rất đỗi giản dị mà vô cùng ấm áp, thiêng liêng. Hãy viết một đoạn văn khoảng 8 câu bày tỏ cảm xúc về một người em hoặc một người anh/chị trong gia đình mà em yêu quý qua một kỉ niệm đáng nhớ.